Với việc mua lại Bảo Minh CMG, Dai-ichi Life đã bước chân vào thị trường bảo hiểm Việt Nam bằng con đường nhanh nhất là M&A

Với việc mua lại Bảo Minh CMG, Dai-ichi Life đã bước chân vào thị trường bảo hiểm Việt Nam bằng con đường nhanh nhất là M&A

Sóng ngầm M&A bảo hiểm nhân thọ

(ĐTCK) Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang trong tình cảnh “đất chật người đông”, việc cấp phép thành lập DNBH nhân thọ mới phải xem xét kỹ càng hơn, bởi vậy M&A trong ngành có thể trở thành một giải pháp, xu hướng mới trên thị trường.

 ĐTCK được một nguồn tin cho biết, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang có một thương vụ M&A mà người mua là tập đoàn tài chính đến từ châu Á. Nếu thành công và được chính thức công bố, đây sẽ là thương vụ M&A thứ hai của khối nhân thọ được thực hiện theo phương án “mua đứt bán đoạn”, nhằm thay tên đổi họ mới. Thương vụ đầu tiên là Dai-ichi Life Nhật Bản mua Bảo Minh CMG. Với việc mua lại toàn bộ cổ phần của Bảo Minh CMG thời điểm đó, Dai-ichi Life đã chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam bằng con đường nhanh nhất là M&A.

Các chuyên gia cho rằng, M&A trong khối nhân thọ sẽ ngày càng nhiều hơn. Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam với 17 DNBH hiện tại vẫn là điểm đến của các tập đoàn tài chính thế giới, nhưng thời gian gần đây, xu hướng xin cấp phép thành lập công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài ngày càng ít, dần thay vào đó là hình thức liên doanh.

Liên doanh, đặc biệt giữa công ty bảo hiểm với các ngân hàng phát triển là điều không quá khó hiểu, bởi thị trường vẫn đang phát triển nhưng việc khai thác khách hàng mới không còn dễ dàng, đặc biệt đối với những công ty bảo hiểm mới. Chính vì thế việc tận dụng kênh ngân hàng cũng như lượng khách hàng nhất định từ kênh này làm tiền đề là một yếu tố quan trọng để các công ty mới có thị phần nhất định.

So với các nước trong khu vực và trên thế giới, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn tương đối mới mẻ và có nhiều tiềm năng phát triển bởi hiện nay, mới có khoảng 6% dân số được bảo vệ bởi các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Thực tế, Bộ Tài chính cũng luôn có chủ trương mở cửa thị trường bảo hiểm theo các cam kết quốc tế, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động, cả doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tiếp tục thực hiện đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực tài chính, khả năng thanh toán cũng như nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng dịch vụ, đặc biệt là quản trị rủi ro. Thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng được đánh giá có độ mở cửa và chính sách khá tốt cho sự phát triển của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, dù còn nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn “nhảy” vào thị trường bảo hiểm nhân thọ nhưng với tiềm năng và nhu cầu hiện tại, số lượng tối đa cho thị trường ở giai đoạn này và vài năm tiếp theo chỉ nên dừng ở con số 20 doanh nghiệp bảo hiểm.

Như vậy, với những nhà đầu tư vẫn coi thị trường Việt Nam là điểm đến thì M&A sẽ là một cách cửa mở ra hướng đi mới và các doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ, có nền tảng tốt luôn là đích ngắm đến trước tiên.

Theo một nguồn tin của ĐTCK, cùng với thương vụ M&A chưa được công bố kể trên, còn có thông tin cho rằng một công ty bảo hiểm khác của châu Á đang rốt ráo tìm kiếm đối tác Việt Nam để tiến hành M&A. Thực tế, thiếu vốn và khó khăn trong việc mở rộng mạng lưới là một trong những nguyên nhân tạo ra các thương vụ M&A trong lĩnh vực bảo hiểm. Tuy nhiên, đối với một số công ty bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động tại thị trường Việt Nam, sự thay đổi chiến lược từ tập đoàn mẹ và việc chuyển hướng thị trường mục tiêu cũng là một trong những lý do họ quyết định tìm đối tác để M&A.

Tin bài liên quan