Sẵn sàng triển khai chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung

Sẵn sàng triển khai chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung

(ĐTCK) Các DN với tư cách là người sử dụng lao động, cùng các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty quản lý quỹ (QLQ), đơn vị quản lý tài khoản cá nhân, ngân hàng lưu ký, giám sát… đã sẵn sàng triển khai chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung (BHHTBS).

>> Bài 3: Phân biệt bảo hiểm hưu trí bổ sung và bảo hiểm hưu trí tự nguyện

Nhu cầu lớn từ doanh nghiệp

Kết quả điều tra mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) trên 700 DN tại Hà Nội và TP. HCM cho thấy, có 70% DN, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn mong muốn và sẵn sàng triển khai chính sách BHHTBS, nhằm mang lại lợi ích tốt hơn cho cả người lao động (NLĐ) và DN.

Sở dĩ nhiều DN nóng lòng muốn sớm có khung pháp lý triển khai BHHTBS là bởi họ có chiến lược phát triển lâu dài, bền vững. Gia tăng phúc lợi cho NLĐ là biện pháp hữu hiệu giúp DN giữ chân NLĐ gắn bó lâu dài với DN, để thực hiện thành công chiến lược mà họ đang theo đuổi.

Theo ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM), các DN lớn như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, Công ty Ajinomoto Việt Nam… từ lâu đã có nhu cầu triển khai BHHTBS để gia tăng lợi ích cho NLĐ và DN, nhưng chưa thể triển khai do thiếu khuôn khổ pháp lý.

 

Sẵn sàng cung cấp dịch vụ

Bộ LĐTB&XH đang hoàn chỉnh mô hình hoạt động của chính sách BHHTBS để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo dó, mô hình này có sự tham gia của ba nhóm đối tượng chính: người sử dụng lao động và NLĐ, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ cho hoạt động của quỹ BHHTBS. Riêng nhóm tổ chức cung cấp dịch vụ gồm: công ty QLQ, tổ chức cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản cá nhân, kế toán, ngân hàng lưu ký, giám sát và công ty kiểm toán. Đây sẽ là các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý đầu tư tài sản của quỹ BHHTBS, cung cấp thông tin tới người đầu tư và giám sát hoạt động của quỹ theo quy định của pháp luật và điều lệ quỹ.

Ngành QLQ Việt Nam hiện có 47 công ty QLQ, với 23 quỹ đang hoạt động, tổng tài sản quản lý gần 80.000 tỷ đồng, đã sẵn sàng tham gia triển khai chính sách BHHTBS.

“Là công ty QLQ đầu tiên được thành lập tại Việt Nam năm 2003, cũng là đơn vị tham gia cùng Bộ LĐTB&XH ngay từ đầu trong quá trình nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cũng như điều tra thực tiễn tại Việt Nam, để đề xuất mô hình triển khai chính sách BHHTBS lên Chính phủ, đến nay, VFM đã sẵn sàng tham gia chương trình BHHTBS”, ông Tân chia sẻ và cho biết, từ năm 2007, VFM đã giới thiệu mô hình quỹ hưu trí bổ sung tới công chúng đầu tư (quỹ VF3), nhưng chưa thể triển khai do khung pháp lý chưa sẵn sàng. Là đơn vị đang quản lý danh mục tài sản 3.000 tỷ đồng, VFM đã hình thành các quỹ đầu tư dạng mở: quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ đầu tư cân bằng…, để sẵn sàng quản lý đầu tư cho quỹ BHHTBS.

Theo đại diện VFM, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Công ty Codagan Finance (Anh quốc), VFM đã làm việc với nhiều đối tác cung cấp dịch vụ liên quan và kết quả cho thấy, các tổ chức này sẵn sàng tham gia cung cấp những dịch vụ đáp ứng yêu cầu cho triển khai quỹ BHHTBS. Tại hội thảo lấy ý kiến xây dựng đề án thực hiện thí điểm chính sách BHHTBS do Bộ LĐTB&XH phối hợp với VFM tổ chức mới đây, các đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản cá nhân, ngân hàng lưu ký, giám sát, dịch vụ quản trị quỹ như: Công ty Grant Thornton Việt Nam, HSBC, Standard Chartered Bank, Deutsche Bank… đều thể hiện đã sẵn sàng tham gia triển khai chính sách BHHTBS.

 

Thời điểm “vàng” để triển khai BHHTBS

Từ những rủi ro cho cả Ngân sách Nhà nước, DN và NLĐ của hệ thống bảo hiểm hưu trí đơn tầng đang bộc lộ, cũng như kết quả nghiên cứu cơ cấu dân số Việt Nam hiện tại, Bộ LĐTB&XH cho rằng, đây là thời điểm “vàng” để triển khai chính sách BHHTBS.

Hiện Việt Nam có cơ cấu dân số “vàng”, với số người trong độ tuổi lao động chiếm 60% dân số. Tuy nhiên, cơ cấu dân số này khó duy trì lâu, tiếp theo sẽ là thời kỳ dân số già, quá trình già hóa diễn ra nhanh. Do vậy, xây dựng tiền đề cho hệ thống an sinh xã hội đa trụ cột, đồng thời cải thiện thu nhập khi nghỉ hưu cho NLĐ thông qua triển khai chính sách BHHTBS đang là yêu cầu bức thiết.

Theo thông lệ quốc tế, tài sản của chương trình BHHTBS phần lớn được đầu tư vào trái phiếu. Để đảm bảo nguyên tắc thận trọng trong hoạt động đầu tư khi triển khai chính sách BHHTBS, theo Bộ LĐTB&XH, Việt Nam có thể đi theo mô hình đầu tư thận trọng. Phần lớn tài sản của chương trình BHHTBS sẽ được đầu tư vào trái phiếu chính phủ thông qua các quỹ đầu tư trái phiếu để tăng tính đa dạng, giảm rủi ro cho danh mục đầu tư. Việc quản lý đầu tư sẽ do các công ty QLQ có đủ năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện.