Sản phẩm bảo hiểm dịch bệnh: Khách quan tâm, nhưng vẫn còn băn khoăn

Sản phẩm bảo hiểm dịch bệnh: Khách quan tâm, nhưng vẫn còn băn khoăn

(ĐTCK) Sự bùng phát của dịch bệnh do virus Corona chủng mới (nCoV) không chỉ khiến khẩu trang y tế, nước rửa tay diệt khẩu khô hút hàng, mà người dân cũng quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm bảo hiểm. Tuy nhiên, giữa sự quan tâm và việc chốt hợp đồng vẫn còn khoảng cách.

Khách quan tâm lớn nhưng ký hợp đồng không tăng

“Mọi năm, sau Tết người dân chủ yếu đi lễ hội, chùa chiền, ít quan tâm đến mua bán, chứ nói gì đến sản phẩm bảo hiểm. Nhưng năm nay, do dịch bệnh nCoV bùng phát, nên nhiều khách hàng quan tâm tìm hiểu về sản phẩm bảo hiểm khiến chúng tôi hầu như không ngơi nghỉ”, chị Lan, quản lý đại lý bảo hiểm cấp trung của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bộc bạch.

Một lãnh đạo quản lý đại lý cấp trung của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác cũng cho rằng, khác hẳn mọi năm, năm nay, nhờ dịch, nhiều khách chủ động tìm đến công ty bảo hiểm hơn, khiến các đại lý trở nên bận rộn hơn.

Tương tự, một số thành viên của đại lý tổ chức Best Life, TCA... cho biết, ngay đầu năm cũng đã tiếp cận khách hàng và mở hàng từ sớm. 

Anh Trần Phục, thành viên của đại lý bảo hiểm cho biết, ngay đầu năm đã có khách hàng hỏi về đền bù bảo hiểm nếu bị dịch Corona và họ cũng tỏ rõ lo ngại về hiểm họa của đại dịch nói riêng, sức khỏe nói chung.

“Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự chủ động của người dân trong tìm hiểu các biện pháp phòng vệ. Tết này, các thành viên của Công ty làm việc xuyên Tết, mùng 1 đã đi chia sẻ về bảo hiểm, đêm Giao thừa vẫn còn chat zoom online..., và đã ký được hơn 20 hợp đồng mua sản phẩm bảo hiểm", anh Phục nói

Chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán cho biết, đó là một tác động tích cực, cho thấy khi người dân gặp phải một mối nguy sẽ khiến họ nhận thức rõ ràng hơn về nhu cầu bảo hiểm nhân thọ như là một kênh xử lý các rủi ro cá nhân và dự phòng tài chính.

Ông Lê Hoàng Hải, Tổng giám đốc TCA - công ty hoạt động theo mô hình đại lý bảo hiểm tổ chức cho biết, thực tế cho thấy, dịch bệnh có thể giúp bảo hiểm bán chạy hơn bởi sự quan tâm phòng ngừa rủi ro lớn hơn.

Tất nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính khiến ngành bảo hiểm phát triển tốt, đăc biệt với bảo hiểm nhân thọ, là ngành khá đặc biệt khi duy trì liên tục tăng trưởng 2 con số liên tục hơn chục năm trở lại đây..

Dữ liệu thống kê phản ánh rõ thực tế này, với dịch SARS năm 2003, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam tăng trưởng 53%; nhưng khi dịch EBOLA xảy ra năm 2014, bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng 14,9%, dịch MERS năm 2015, con số tăng trưởng này đạt 29%.

Có một điểm đáng chú ý được phản ánh tại thị trường bảo hiểm nhân thọ năm nay là nguy cơ giảm thu phí dù khách có quan tâm lớn, bởi kênh bán hàng bảo hiểm nhân thọ lớn là các hình thức hội thảo tư vấn khách hàng năm nay đều bị đình hoãn do hạn chế tụ tập đông người. Chính vì vậy, các công ty bảo hiểm và các công ty đại lý bảo hiểm phải tăng cường tư vấn trực tiếp hoặc trực tuyến.

Từ chối chia sẻ con số cụ thể đạt được về hợp đồng bảo hiểm trong giai đoạn công bố dịch viêm đường hô hấp cấp bởi virus Corona hiện nay, nhưng ông Hải cho biết: “So với tháng 12/2019, doanh số mấy ngày đầu tháng tăng hơn, khá tích cực. Thường sau Tết, ít nhất là đến 15 tháng Giêng, doanh số không cao vì khách hàng và tư vấn kiêng nói về rủi ro, nhưng năm nay, do dịch bệnh, nên không có việc gì khác ngoài nói về rủi ro...”.

Không thể phủ nhận do dịch bùng phát, các chương trình thi đua du lịch vốn có tác động khá lớn đến tinh thần của đội ngũ kinh doanh bảo hiểm nhân thọ sẽ khó có thể triển khai. Các hội thảo cũng không dễ triển khai, nhưng theo ông Đán, tiềm năng của thị trường bảo hiểm còn khá lớn, dịch có thể giảm đà tăng trưởng, chứ không ngăn sự tăng trưởng của thị trường này, thậm chí dịch bệnh là cơ hội lớn cho các sản phẩm bảo hiểm bán qua kênh online.

Ông Cao Văn Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Best Life cho biết, chưa có kết quả chi tiết cuối cùng, nhưng kết quả sơ bộ cho thấy, doanh số bán hàng 10 ngày vừa qua của Công ty tương đương với cùng kỳ tháng trước.

“Dịch đã ảnh hưởng đến các chương trình kết nối khách hàng, cộng đồng chung. Thay vào đó, chúng tôi chuyển sang tư vấn 1-1, nhóm nhỏ, nhất là bán hàng online”.

Tuy nhiên, một số đại lý cho biết, sự quan tâm của khách từ đầu năm tới nay có tốt hơn trước, nhưng ít người ký hợp đồng.

“Nhiều khách hầng chủ động tìm đến, nhưng chủ yếu chỉ hỏi về những sản phẩm có kèm theo quyền lợi chi trả cho dịch bệnh và một số sản phẩm chuyên biệt, mà chưa chốt hợp đồng, vì còn băn khoăn, chưa thấu hiểu rõ hết quyền lợi”, anh M. Dũng, một đại lý của một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện bộ phận truyền thông của Daiichi cho biết, việc bán hàng của công ty vẫn diễn ra bình thường từ sau Tết, không tăng trưởng quá cao so với cùng kỳ.

Tương tự, bộ phận truyền thông marketing của FWD cho biết, chưa hề ghi nhận ảnh hưởng nào từ Corona tính đến thời điểm này. Còn bộ phận truyền thông marketing Hanwha Life cho hay, do Công ty hoạt động mới 2 tuần sau Tết và dịch cũng chỉ mới căng thẳng 2 tuần nay, nên hiện chưa có báo cáo chi tiết về việc có hút khách hay không.

Trong khi đó, theo ghi nhận từ bộ phận truyền thông marketing AIA Việt Nam, nhờ dịch, khách hàng (không chỉ ở thành thị mà còn ở nông thôn) đã chủ động tìm hiểu các quyền lợi bảo vệ chăm sóc sức khỏe của Công ty.

Sản phẩm bảo hiểm nào nhận được sự quan tâm?

Chia sẻ với phóng viên, ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, mối lo từ đại dịch khiến người dân đã nghĩ nhiều hơn đến bảo hiểm, tìm mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe hoặc khôi phục lại hợp đồng bảo hiểm (đã mất hiệu lực từ 6 tháng đến 2 năm vì chưa đóng phí bảo hiểm).

Về sản phẩm mà khách hàng quan tâm, theo ông Lộc, nhu cầu mua bảo hiểm cho dịch cúm nCoV còn tuỳ thuộc vào khả năng khống chế sự lây lan như thế nào, ý thức của người dân về phòng ngừa, hay thời gian kéo dài bao lâu, hậu quả số người mắc và chết là bao nhiêu...

“Dịch cúm nCoV vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn với doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm dịch bệnh này. Cơ hội ở chỗ, có thể tăng được doanh thu cao, còn thách thức là khi dịch bùng phát khiến tỷ lệ người tham gia bảo hiểm bị lây nhiễm hoặc tử vong vì cúm nCoV cao, thì mức chi trả sẽ lớn. Tuy nhiên có thể khẳng định, dịch cúm nCoV là cái cớ để nhà bảo hiểm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, chứ không phải là kinh doanh kiếm lời”, ông Lộc nói.  

“Thật mừng khi thấy các doanh nghiệp bảo hiểm bằng nhiều cách khác nhau đã phản ứng tích cực, mau lẹ nhằm hướng tới phục vụ cộng đồng, góp phần chia sẻ khó khăn với nhà nước”, ông Lộc nói thêm và cho biết, sản phẩm bảo hiểm thiết kế theo hình thức combo nhân thọ kết hợp phi nhân thọ bảo vệ toàn diện khá hút khách.

Các công ty bảo hiểm cũng cho biết, các sản phẩm có quyền lợi nằm viện, tử vong do đại dịch gây ra đang thu hút sự quan tâm của khách hàng. 

Tin bài liên quan