Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Rủi ro khi nhà băng giành quyền đào tạo, bán bảo hiểm

(ĐTCK) Mới đây, một ngân hàng lớn tuyên bố sẽ tự đào tạo gần 4.000 nhân viên của mình để tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm (thay vì sử dụng tư vấn của công ty bảo hiểm). Một số nhà băng khác cũng từng có động thái tương tự. Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với ông Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM) xung quanh câu chuyện này.  

Ðộng thái ngân hàng tự giành quyền đào tạo, bán bảo hiểm cho thấy điều gì, theo ông?

ông Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM).

Tôi cho rằng, động thái trên nhằm chứng minh chất lượng tư vấn của nhân viên ngân hàng là tốt.

Các ngân hàng hiện nay đang khá tự tin về khả năng đào tạo lại nhân viên của mình trong lĩnh vực ngân hàng.

Nhưng nếu bảo rằng ngân hàng tự đào tạo về bảo hiểm thì tôi không đủ cơ cở để kết luận rằng có đảm bảo chất lượng hay không, vì lệ thuộc vào họ đào tạo kiến thức gì và ai là người đào tạo.

Vì đào tạo bán hàng thì thực ra không quá khó trong bối cảnh ngân hàng có sẵn lượng khách hàng lớn, và có quyền lực thương lượng khá tốt với khách hàng. Tuy nhiên, đào tạo về kiến thực thực sự về bảo hiểm lại là câu chuyện khác.

Thêm vào đó, các khoản hoa hồng chi trả từ phía công ty bảo hiểm cho các ngân hàng, theo tôi được biết là rất cao, đã bao gồm chi phí đào tạo.

Chính vì thế, việc các ngân hàng công bố sẽ tự đào tạo cũng mang một ý nghĩa hợp thức hóa một phần lượng hoa hồng nói trên.

Có hệ lụy nào đi kèm từ việc tự đào tạo, tự bán bảo hiểm của các ngân hàng hay không?

Nếu hệ thống đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm của họ tốt thì tôi cho rằng không có vấn đề gì. Còn tốt như thế nào thì chỉ có thị trường mới có thể có câu trả lời chuẩn xác, khi xét tỷ lệ duy trì hợp đồng năm 2 trở đi cũng như số vụ tranh chấp ngoài tòa liên quan đến vấn đề tư vấn.

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, nếu hệ thống đào tạo không đủ tốt thì hoạt động tư vấn không đạt chuẩn và khách hàng sẽ là người thiệt hại và cả thị trường sẽ bị vạ lây.

Tại các nước, thực tế chuyện nhà băng tự đào tạo, tự bán bảo hiểm đang diễn ra thế nào?

Các ngân hàng ở nước ngoài không dại dột tự đào tạo nhân viên bán bảo hiểm, vì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm nếu đại lý làm sai liên quan đến công tác đào tạo.

Khi họ tiến hành phân phối bảo hiểm cho một công ty bảo hiểm nào đó, họ sẽ cho nhân viên đi đào tạo những kiến thức cơ bản về bảo hiểm tại những trung tâm đào tạo chuyên về bảo hiểm, sau đó công ty bảo hiểm liên kết sẽ chịu trách nhiệm đào tạo về sản phẩm và các quy trình nghiệp vụ tại công ty mình.

Với cách làm trên, họ giảm thiểu được rủi ro phải bồi hoàn cho công ty bảo hiểm khi tư vấn không đủ kiến thức chuyên môn khiến công ty bảo hiểm mang vạ.

Có ý kiến cho rằng, với thực tế tại Việt Nam hiện nay, nếu để nhân viên ngân hàng trực tiếp đi tư vấn bảo hiểm thì sẽ khó đảm bảo yêu cầu về chuyên môn bảo hiểm. Quan điểm của ông ra sao?

Thực tế thì các chỉ tiêu hoạt động (KPI) của các nhân viên ngân hàng là rất khủng khiếp và họ thực sự mệt mỏi với công việc của mình, và việc phải gánh thêm phần tư vấn bảo hiểm là quá tải.

Thêm vào đó, việc cho rằng kiến thức ngân hàng là tương đồng với kiến thức bảo hiểm là không chính xác, do đó, việc tư vấn bảo hiểm là thực sự nặng nếu nhân viên ngân hàng phải làm thêm.

Theo ông, để các nhà băng làm tốt khâu tự đào tạo, tự chốt hợp đồng thì cần lưu tâm vào các điểm cốt lõi nào?

Tôi cho rằng, chuyên môn hóa công tác tư vấn là một việc làm khôn ngoan khi sắp đặt lực lượng tư vấn là người có chuyên môn bảo hiểm tiến hành thu xếp các hoạt động bảo hiểm.

Các ngân hàng nên để các công ty bảo hiểm hoặc thuê ngoài những đơn vị có chuyên môn tốt về bảo hiểm thực hiện công tác đào tạo.

Ðây thực sự là một công tác quản trị rủi ro đối với một ngành nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro như ngân hàng.

Tin bài liên quan