Hầu hết phụ huynh “tự nguyện” mua bảo hiểm học sinh

Hầu hết phụ huynh “tự nguyện” mua bảo hiểm học sinh

“Rô bốt” mua bảo hiểm học sinh

(ĐTCK) Sau loạt bài về tình trạng “hướng dẫn” mua bảo hiểm, Báo ĐTCK tiếp tục nhận được phản ánh của độc giả về việc sở/phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) một số địa phương ban hành các văn bản mang tính chỉ đạo mua bảo hiểm học sinh.

Chỉ đạo mua bảo hiểm

Thời gian qua, Báo ĐTCK đã có loạt bài phản ánh về hiện tượng chỉ đạo mua bảo hiểm học sinh của Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT Triệu Phong (Quảng Trị), Phòng GD&ĐT Hoàng Su Phì (Hà Giang)... Những đơn vị này có văn bản gửi tới các trường học với nội dung “vận động” cán bộ, giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh mua bảo hiểm của một công ty bảo hiểm cụ thể, hoặc một số công ty được “gợi ý”.

Theo phản ánh mới nhất của độc giả Hạnh Đỗ tới ĐTCK, Sở GD&ĐT Hải Dương còn có công văn gửi tới các trường học trên địa bàn, yêu cầu phải mua bảo hiểm của DN đứng đầu thị trường về thị phần (!?)

Độc giả này cho rằng, với sự chỉ đạo như vậy, học sinh, giáo viên các trường sẽ không có sự lựa chọn khác. Giám đốc Sở GD&ĐT ký văn bản thì trường nào dám làm trái. Còn gì là tính công bằng và cạnh tranh trong nghiệp vụ bảo hiểm này? Báo ĐTCK sẽ có thêm sự trao đổi với Sở GD&ĐT Hải Dương  về nội dung phản ánh này.

Độc giả khác cho biết, việc “ép” mua bảo hiểm học sinh còn được đề cập trong các văn bản chỉ đạo theo kiểu trao đổi. Chẳng hạn, DN bảo hiểm tài trợ cho công tác xã hội của huyện; đổi lại, huyện sẽ ưu tiên DN bảo hiểm đó tham gia bán bảo hiểm thân thể giáo viên, học sinh thuộc khối giáo dục do huyện quản lý. Thậm chí, DN bảo hiểm còn được ưu tiên tham gia thực hiện các gói thầu bảo hiểm xây dựng cho các dự án công trình do UBND huyện làm chủ đầu tư.

Độc giả cũng phản ánh, có giám đốc sở GD&ĐT yêu cầu các trường ở khu vực huyện nào nộp tiền vào ngày nào và để an toàn, đảm bảo đầy đủ, các đơn vị nộp quyết toán về Sở GD&ĐT.

Phụ huynh học sinh được ví như rô bốt

Tình trạng chỉ đạo mua bảo hiểm nêu trên khiến các DN bảo hiểm khác bị gạt ra khỏi sự lựa chọn của các phụ huynh và nhà trường. Tất nhiên, các DN bảo hiểm này đều bức xúc và phản đối. Còn ở góc độ bên mua, hầu hết phụ huynh học sinh đồng ý mua bảo hiểm cho con em mà không thắc mắc về tên tuổi DN bảo hiểm.

Trao đổi với ĐTCK, hiệu trưởng một trường trung học cơ sở cho biết, các cán bộ phụ trách công tác bảo hiểm của trường có đưa ra một số đơn vị bán bảo hiểm vào kế hoạch để các phụ huynh lựa chọn. Nhà trường cũng chuẩn bị các nội dung liên quan đến quyền lợi bảo hiểm, nhưng rất hiếm phụ huynh quan tâm, hỏi han, thay vào đó, phó mặc hoàn toàn cho nhà trường chọn đơn vị bảo hiểm.

“Khi mua bảo hiểm học sinh cho con em mình, khách hàng là những phụ huynh không khác gì một con rô bốt”, giám đốc một sở GD&ĐT ví von trước thực trạng nhận được thông báo đóng tiền học phí, tiền mua bảo hiểm học sinh, nhiều vị phụ huynh chỉ biết đọc rồi nộp, không cần biết là con mình sẽ dùng sản phẩm bảo hiểm của DN nào, quyền lợi ra sao.

Về vấn đề này, một số phụ huynh học sinh chia sẻ, số phí bảo hiểm không lớn, quyền lợi bảo hiểm chắc cũng không khác nhau nhiều giữa các công ty nên gia đình đóng luôn cho xong. Trong khi đó, trong cuộc họp đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm có lời rằng, bảo hiểm học sinh là sản phẩm tự nguyện, nhưng các bậc phụ huynh cố gắng tham gia để lớp hoàn thành “chỉ tiêu”.

Phụ huynh có quyền từ chối

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một số sở GD&ĐT cho rằng, khi nhận được văn bản chỉ đạo mua bảo hiểm, nhà trường có thể không dám không thực hiện, nhưng phụ huynh học sinh có quyền “phủ quyết” những ứng viên bảo hiểm mà trường đề ra theo kiểu “lựa chọn A, từ chối B”, hoặc không chọn DN nào, mà tự mua bảo hiểm. Từ đó, nhà trường có lý do để không làm theo chỉ đạo của cấp trên một cách công khai, tránh dư luận xấu, đồng thời đảm bảo công bằng cho các DN bảo hiểm.

“Bảo hiểm học sinh là không bắt buộc, phụ huynh học sinh cần biết điều đó để có thể ứng xử trong trường hợp nhà trường ép buộc mua bảo hiểm”, lãnh đạo một sở GD&ĐT nói.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD&ĐT Hà Nội, phụ huynh học sinh có quyền chọn lựa nhà bảo hiểm không có tên trong danh sách bán bảo hiểm của nhà trường, nhưng trên thực tế, các “thượng đế” thường không làm thế. Việc tự biến mình thành “rô bốt” của phụ huynh học sinh trên diện rộng đã tạo cơ hội cho tình trạng chỉ đạo bảo hiểm nêu trên trở nên phổ biến, bên cạnh đó là tình trạng “mải bán, quên tư vấn”, công tác tư vấn bảo hiểm của DN bảo hiểm cũng như từ phía nhà trường không được coi trọng.

Tin bài liên quan