Nhiều phương án giải quyết
Như Báo Ðầu tư Chứng khoán đã thông tin, để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong việc đóng phí định kỳ, đa phần công ty bảo hiểm trên thế giới thường gia hạn đóng phí cho khách hàng từ 30-60 ngày (tùy điều khoản sản phẩm quy định) và tại Việt Nam, thời gian áp dụng phổ biến là 60 ngày.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như hiện nay, đã có những đề nghị công ty bảo hiểm nhân thọ nên xem xét tạm thời kéo dài thời gian gia hạn đóng phí hợp đồng bảo hiểm lên 90 ngày hoặc 120 ngày để tăng sự hỗ trợ cho khách hàng.
Bên cạnh việc thực hiện quyền lợi gia hạn đóng phí hợp đồng, nếu khó khăn hơn, khách hàng có thể yêu cầu sử dụng quyền lợi tạm ứng giá trị hoàn lại.
Cụ thể, đối với bảo hiểm truyền thống như bảo hiểm trọn đời và bảo hiểm hỗn hợp, khách hàng có thể sử dụng phương án “tạm ứng tự động từ giá trị hoàn lại để thanh toán phí bảo hiểm định kỳ”, sau đó thì hoàn trả tạm ứng.
Nếu nhận thấy bị sụt giảm tài chính trong dài hạn thì có thể cân nhắc quyền lợi “giảm mệnh giá” để giảm bớt số phí phải đóng định kỳ cho đến khi ổn định được tài chính thì đề nghị tăng mệnh giá trở lại.
Ngoài ra, để trang trải chi phí sinh hoạt tạm thời, khách hàng có thể sử dụng quyền lợi “tạm ứng tiền mặt”, sau khi tài chính ổn định lại thì hoàn trả tạm ứng.
Ðối với các hợp đồng liên kết chung (UL), với tính chất đóng phí linh hoạt hơn so với hợp đồng truyền thống, khách hàng có thể sử dụng quyền lợi “tạm thời ngưng đóng phí” nếu vẫn đảm bảo “giá trị tài khoản hợp đồng” lớn hơn 0, thậm chí hợp đồng vẫn còn hiệu lực thêm một số ngày (tùy doanh nghiệp bảo hiểm) cho phép gia hạn đóng phí sau khi giá trị tài khoản hợp đồng bắt đầu nhỏ hơn 0; hoặc quyền lợi “tạm ứng tiền mặt” hay “rút một phần giá trị tài khoản hợp đồng” để trang trải chi phí sinh hoạt, sau khi tài chính ổn định lại thì hoàn trả tạm ứng.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết, tất cả các hợp đồng bảo hiểm có tích lũy giá trị hợp đồng đều được tạm ứng từ giá trị hoàn lại, đó là các hợp đồng của các sản phẩm mang tính chất dài hạn như bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm liên kết đầu tư.
Còn các sản phẩm bảo hiểm ngắn hạn như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ thì không được tạm ứng vì không có tích lũy giá trị hợp đồng, phí năm nào thì bảo vệ cho năm đó, khi ngưng hợp đồng thì không còn được bảo vệ và không có giá trị hoàn lại.
Sản phẩm nào có thể tạm ứng hay rút một phần giá trị tài khoản?
Ðối với các sản phẩm truyền thống (bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm hỗn hợp) chỉ có thể tạm ứng từ giá trị hoàn lại, còn các sản phẩm UL có thể lựa chọn tạm ứng từ giá trị tài khoản hợp đồng hoặc rút một phần giá trị tài khoản hợp đồng.
Khác với việc tạm ứng giá trị hoàn lại, việc rút một phần sẽ làm giảm giá trị tài khoản hợp đồng, nên không còn được tính lãi trên giá trị tài khoản tương ứng với số tiền đã rút và mệnh giá bảo hiểm có thể được điều chỉnh giảm tương ứng nếu như rút nhiều.
Như vậy, việc rút ra không bị tính lãi như lãi tạm ứng và chỉ bị tính phí rút tiền.
Ðối với các sản phẩm UL, đa số trước đây đều ghi nhận các khoản phí như phí cơ bản và phí đóng thêm (đầu tư thêm) được gom chung trong một tài khoản hợp đồng.
Do đó, việc tạm ứng và rút một phần được quy định chung cho một tài khoản hợp đồng thống nhất và bị hạn chế tối đa là 80% tổng giá trị tài khoản để có thể duy trì hiệu lực hợp đồng, cũng như để thu lãi tạm ứng.
Gần đây, các công ty đưa ra thêm sản phẩm UL có sự phân chia thành 2 tài khoản hợp đồng: Một tài khoản cho phí cơ bản để duy trì quyền lợi bảo hiểm và một tài khoản cho phí đóng thêm.
Với các sản phẩm này, tài khoản cho phí cơ bản hoạt động như bình thường (như đã phân tích ở trên), sẽ có tạm ứng và rút một phần, còn tài khoản cho phí đóng thêm sẽ hoạt động như tài khoản ngân hàng.
Theo đó, khách hàng có thể đóng thêm vào, hoặc khi cần thì rút bớt thì chỉ phải chịu phí rút tiền với mức phí nhỏ hơn so với phí rút tiền của sản phẩm bảo hiểm gom chung một tài khoản hợp đồng.
Trên thị trường hiện có nhiều công ty bảo hiểm có sản phẩm UL chia thành 2 tài khoản hợp đồng như Chubb Life, FWD…, song đa số khách hàng chỉ đóng đủ phí cơ bản duy trì hợp đồng là chính, phí đóng thêm không đáng kể. Rất ít người đóng thêm nhiều để mà sử dụng chức năng rút ra từ tài khoản phí đóng thêm.
Tại sao phải trả lãi tạm ứng giá trị hợp đồng?
Ðối với quy định khách hàng tạm ứng giá trị hoàn lại trong chính hợp đồng bảo hiểm của mình nhưng vẫn phải trả phí tạm ứng (lãi tạm ứng), theo các doanh nghiệp bảo hiểm, là bởi hợp đồng bảo hiểm là một hợp đồng khuyến khích tích lũy dài hạn và để duy trì hợp đồng dài hạn, công ty thay mặt khách hàng đầu tư giá trị tài sản hợp đồng của khách hàng, đồng thời phải trả thêm nhiều khoản khác liên quan đến quản lý hợp đồng.
Khi yêu cầu tạm ứng giá trị hoàn lại, một phần giá trị tài sản đầu tư của hợp đồng giảm, lãi đầu tư giảm, nhưng công ty vẫn phải đảm bảo mức lãi tích lũy ghi nhận cho hợp đồng bảo hiểm như tình trạng không có tạm ứng (đầy đủ giá trị).
Do đó, khách hàng sẽ phải trả lãi khi tạm ứng giá trị hoàn lại từ hợp đồng bảo hiểm. Quy định này được áp dụng chung ở đa số công ty bảo hiểm ở Việt Nam cũng như quốc tế và được quy định rõ ràng trong điều khoản hợp đồng bảo hiểm.
“Việc tạm ứng lại giá trị hoàn lại tương tự như việc khách hàng đang có sổ tiết kiệm hưởng lãi, thay vì rút ra một phần hay toàn bộ, thì khách hàng vẫn để đó và vay lại ngân hàng một khoản bằng cách thế chấp sổ tiết kiệm, mà vẫn hưởng lãi bình thường và khách hàng chỉ phải trả lãi vay tương ứng với khoản vay. Như vậy xét trên tổng thể, khách hàng chỉ phải chịu chênh lệch giữa lãi vay (lãi tạm ứng) và lãi sổ tiết kiệm (lãi ghi nhận hợp đồng bảo hiểm)”, đại diện một công ty bảo hiểm giải thích.
Ngoài ra, các công ty bảo hiểm còn khuyến cáo khách hàng chỉ nên sử dụng quyền lợi tạm ứng giá trị hoàn lại khi gặp khó khăn hoặc cần tiền mặt trong ngắn hạn.
Sau khi tạm ứng giá trị hoàn lại, khách hàng nên hoàn trả một phần hoặc toàn bộ giá trị tạm ứng cùng lãi tạm ứng sớm nhất có thể giảm chi phí lãi. Khi khoản tạm ứng cộng với lãi tạm ứng lớn hơn giá trị tài khoản, hợp đồng bảo hiểm có nguy cơ bị mất hiệu lực.