Nhận diện trục lợi bảo hiểm xe máy

Nhận diện trục lợi bảo hiểm xe máy

(ĐTCK) Nhu cầu mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe máy đã tăng vọt từ ngày 15/5 - thời điểm lực lượng cảnh sát giao thông đồng loạt ra quân kiểm tra các phương tiện đường bộ trên toàn quốc (kéo dài đến 15/6/2020). Và tương tự các sản phẩm bảo hiểm khác, trục lợi bảo hiểm bắt buộc xe máy cũng là yếu tố được quan tâm.

Theo tổng hợp của CTCP Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam (VICS - CORP), trên thị trường xuất hiện nhiều hình thức trục lợi bảo hiểm bắt buộc xe máy, trong đó có 5 hình thức phổ biển.

Thứ nhất: làm giả ấn chỉ bảo hiểm xe máy

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán từ các công ty bảo hiểm, với công nghệ in ấn tiên tiến hiện nay, đối tượng có thể làm giả hầu hết ấn chỉ bảo hiểm của các hãng bảo hiểm với mức độ giống thật trên 90%.

“Tôi từng gặp cả trường hợp ấn chỉ giả làm theo mẫu Bộ Tài chính ban hành, con dấu giả gần như giống hệt con dấu thật, nên rất khó phân biệt”, ông Ðỗ Hồng Sơn, Giám đốc VICS - CORP nói.

Việc làm giả ấn chỉ bảo hiểm không hiếm, nhưng điều đáng nói là có những vụ việc bị phát hiện nhưng không bắt được người làm giả, nếu có bắt được thì công tác xử lý cũng không quyết liệt.

“Theo quan sát của tôi thì chưa thấy vụ làm ấn chỉ xe máy giả nào bị truy tố trên thực tế, trong khi tình trạng này diễn ra khá phổ biến, đại diện VICS - CORP cho hay.

Thứ hai: mua bảo hiểm sau khi bị tai nạn

Thực tế, với người bán bảo hiểm, tăng doanh thu bán hàng là mối quan tâm chính, nên không cần quan tâm tới tình trạng xe trước khi bán bảo hiểm.

Còn với người mua, chỉ cần đưa thông tin chủ xe, biển số xe hoặc chụp ảnh đăng ký xe là mua được ngay. Vì mua bảo hiểm quá dễ dàng nên tình trạng khi có tai nạn xảy ra mới mua bảo hiểm diễn ra là dể hiểu.

Mặt khác, hiện nay, hầu hết công ty bảo hiểm đều cho phép chậm nộp phí, việc ghi nhận thông tin về tình trạng xe (nhập số liệu ấn chỉ vào hệ thống nội bộ) có độ trễ từ 3-5 ngày.

Tuy nhiên, không ít trường hợp chưa đầy 24 giờ sau khi ấn chỉ mới được bán đã có trong hồ sơ công an ghi nhận về tai nạn (nghĩa là tai nạn xảy ra trước cả khi số liệu được ghi nhận).

“Ðặc biệt hơn, có người chuyên đi tìm những vụ tai nạn xe máy có người chết để mua bảo hiểm bắt buộc xe máy, sau đó cấu kết với một số công an viên lùi ngày làm hồ sơ nhằm mục đích trục lợi. Tuy nhiên, hiện tại, tình trạng này không còn xuất hiện sau khi một số công an viên bị buộc rời khỏi ngành do bị phát hiện sai phạm và xử lý’, ông Sơn cho biết.

Thứ 3: ấn chỉ để trống thông tin

Hiện nay, một số công ty bảo hiểm vẫn sử dụng cấp ấn chỉ bảo hiểm theo hình thức viết giấy than với nhiều liên lưu trữ được để trống. Ðiều này có thể giúp linh hoạt trong việc cập nhật thông tin, nhưng “vô tình” tạo kẽ hở cho việc trục lợi.

“Không ít trường hợp sau khi xảy ra tai nạn, khách hàng đến khai báo thì nhà bảo hiểm mới lấy được thông tin khách hàng để điền vào trong ấn chỉ lưu trong phần mềm nghiệp vụ. Phần mềm này là của doanh nghiệp nên họ có thể tùy ý thay đổi, chỉnh sửa và nhà quản lý khó có thể kiểm soát. Ðó là chưa kể có vô vàn lý do giải thích cho việc ‘quên’ điền đầy đủ thông tin như sơ ý không để giấy than lên mặt liên, hoặc nếu có để thì để sai mặt giấy than, giấy hết than nên không có chữ đè lên…”, ông Sơn nói.

Thứ 4: chiếm dụng phí bảo hiểm

Theo chia sẻ của đại diện VICS - CORP, hình thức chiếm dụng phí bảo hiểm phổ biến hiện nay là chây ỳ, không chịu trả tiền đã thu được từ các khách hàng. Ðây là vấn đề nhức nhối của các công ty bảo hiểm và cơ quản lý cũng không nắm được số liệu cụ thể.

“Có cộng tác viên nợ mấy chục triệu đồng, đòi thì họ bảo tôi nợ dân sự vì không phải đại lý bảo hiểm. Ðến khi đại lý hay cán bộ bảo hiểm đi đòi trực tiếp thì họ bảo nợ, chưa có tiền trả, gửi ra cơ quan công an thì không đủ yếu tố hình sự để xử lý. Ðòi mãi không được, công ty bảo hiểm phải đưa vào nợ xấu để xử lý dần”, ông Sơn cho hay.

Thứ 5: công ty bảo hiểm trục lợi từ phía khách hàng

Thông thường, công ty bảo hiểm là đối tượng bị trục lợi. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường đối tượng bị trục lợi là người được bảo hiểm. Ðại diện VICS - CORP cho biết, với những vụ việc tử vong có số tiền bồi thường 100 triệu đồng/trường hợp (trước là 70 triệu đồng), trong biên bản công an, chủ xe chỉ phải chi trả 30-40 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.

Theo quy định hiện hành, công ty bảo hiểm sẽ phải chi trả phần còn lại cho bên thứ ba thay cho chủ xe. Tuy nhiên, một số trường hợp công ty bảo hiểm trả không đủ số tiền này, trong khi bên thứ ba không biết quyền lợi của họ để đòi.

Tin bài liên quan