Lũ lụt miền Bắc, thiệt hại nghìn tỷ, bảo hiểm chưa đầy 40 tỷ đồng, vì sao?

Lũ lụt miền Bắc, thiệt hại nghìn tỷ, bảo hiểm chưa đầy 40 tỷ đồng, vì sao?

(ĐTCK) 36,5 tỷ đồng là số tiền tổng bồi thường ước tính thuộc phạm vi bảo hiểm sau đợt mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc vừa qua. Đây là con số khá thấp, chưa đầy 1% nếu so với ước tính tổn thất lên tới khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

Tổn thất bảo hiểm chưa đầy 1%

Con số bồi thường trên được tổng hợp từ 29 DNBH phi nhân thọ gửi lên Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm tính đến ngày 7/8/2015. Hiện tại, cơ quan này cho biết đang tiếp tục tổng hợp số liệu, đôn đốc các DNBH khẩn trương bồi thường bảo hiểm theo cam kết và báo cáo Cục, cũng như Bộ Tài chính.

Trao đổi với ĐTCK, Top 5 DNBH phi nhân thọ và 2 DNBH là đối tác lớn của ngành than (BSH và Bảo Long) đánh giá, mức bồi thường thuộc phạm vi bảo hiểm tính đến thời điểm này không quá lớn.

Cần nói thêm rằng, trong vụ mưa lũ và ngập úng tại Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc, thiệt hại chủ yếu thuộc về tài sản và xe cơ giới, riêng bảo hiểm hàng hải (thân tàu và tai nạn thuyền viên) tuy có nhưng không nhiều.

Cập nhật tổn thất tính đến chiều ngày 11/8, Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, Công ty vừa ghi nhận thêm một số vụ tổn thất của nghiệp vụ tài sản kỹ thuật, nâng dự kiến tổn thất lên 10 tỷ đồng (so với ước tổn thất tại ngày 5/8 là gần 4,1 tỷ đồng).

Bảo hiểm PVI trao đổi với ĐTCK rằng, trong trận siêu lũ tại Quảng Ninh vừa qua, thiệt hại chủ yếu về xe cơ giới, với 20 xe ô tô, Công ty ước bồi thường chỉ hơn 1 tỷ đồng. Các tỉnh khác vẫn đang trong quá trình thống kê chi tiết.

Bảo Minh cho hay, ước tính thiệt hại của Công ty trong trận mưa lũ tại Bắc Bộ vừa qua rất ít, với tổng cộng 13 vụ, tổng ước bồi thường vào khoảng 500 triệu đồng. Trong đó, có 11 vụ bảo hiểm xe ở Quảng Ninh, Hải Phòng và Hưng Yên, 1 vụ về bảo hiểm tài sản kỹ thuật ở Thanh Hóa, 1 vụ bảo hiểm hàng hải ở Quảng Ninh.

Một DNBH khác là PJICO cho biết, riêng nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới vừa ghi nhận số vụ tổn thất tăng thêm gấp đôi (từ 15 vụ tổn thất ngày 5/8 lên hơn 30 vụ tổn thất tính tới ngày 11/8), nhưng chưa xác định được con số thiệt hại cụ thể, do vẫn đang trong quá trình tiếp cận hiện trường để giám định.

PTI chủ yếu ghi nhận thiệt hại về xe cơ giới với ước tổng giá trị bồi thường tổn thất tính đến ngày 5/8 chỉ hơn 1 tỷ đồng.

Cập nhật với ĐTCK chiều ngày 11/8, Bảo hiểm Bảo Long cho biết, số bồi thường thực tế đến thời điểm hiện tại đã giảm đi gần 1 tỷ đồng, chỉ còn 1,685 tỷ đồng (thay vì con số ước tính 2,5 tỷ đồng hôm 6/8) vì sau khi giám định bồi thường, nhiều khách hàng không đạt yêu cầu để được hưởng bồi thường bảo hiểm.

Như vậy, ngoài BSH (ước tính thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng) và Bảo Long thì riêng tổn thất được tổng hợp từ Top 5 DNBH phi nhân thọ chỉ trên 14 tỷ đồng. 

Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng

Tính riêng tại Quảng Ninh, tổn thất thực tế do mưa lũ và ngập úng gây ra ước tính  lên tới gần 2.700 tỷ đồng. Vậy tại sao, con số bồi thường từ các DNBH lại rất khiêm tốn?

Trao đổi với ĐTCK, các DNBH cho rằng, nguyên nhân chính là do người sở hữu tài sản không mua bảo hiểm. Chưa kể, một số xe có mua bảo hiểm vật chất nhưng lại không mua bảo hiểm thủy kích nên không được hưởng quyền lợi nếu xảy ra mưa bão.

“Các thiệt hại lớn về người và tài sản lại không tham gia bảo hiểm. Điều này cho thấy, việc tham gia bảo hiểm ở Việt Nam còn rất thấp”, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Ban bồi thường xe cơ giới và tài sản kỹ thuật Bảo hiểm Bảo Việt nói.

Một nguyên nhân khác là do DNBH chưa tiếp cận được hiện trường. PJICO cho biết, DN này vẫn chưa tiếp cận được một cách đầy đủ hiện trường, nhất là với những xe bị thiệt hại đang nằm ở trên làng, bản, núi rừng, có đường vào bị hỏng ở Lạng Sơn. Đây cũng là nguyên nhân khiến DN này chưa xác định cụ thể mức tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm.

Bên cạnh đó, tại các hợp đồng bảo hiểm tài sản, thiên tai, bão lũ hầu hết thuộc điều khoản loại trừ bảo hiểm (nghĩa là không bảo hiểm trong trường hợp này) cũng là nguyên nhân khiến số tiền bồi thường khiêm tốn so với thực tế.

Tuy chưa rõ thiệt hại về tài sản công trong đợt mưa lũ và ngập úng vừa qua, nhưng một thống kê trước đó từ Bộ Tài chính cho thấy, chưa đến 1% số đơn vị quản lý, sử dụng tài sản công đã mua bảo hiểm. Hầu hết các tài sản có rủi ro cao trước thiên tai như cầu, đường, trường học… đều không tham gia bảo hiểm. Do vậy, khi có rủi ro xảy ra, các công trình này chỉ dựa vào kinh phí từ ngân sách để khắc phục, sửa chữa.

Trong khi đó, ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra những năm gần đây lên tới gần 11.000 tỷ đồng/năm (theo Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính) và những thiệt hại này chủ yếu được khắc phục bằng các khoản dự phòng của ngân sách (với tỷ lệ từ 2 - 5% tổng chi ngân sách hàng năm). Tuy nhiên, tỷ lệ trên chỉ đảm bảo hỗ trợ 30% giá trị thiệt hại và chủ yếu nhằm cứu trợ khẩn cấp, chưa đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động, phục vụ người dân.    

Tin bài liên quan