Với các doanh nghiệp bảo hiểm, tăng vốn là điều kiện quan trọng để tăng doanh thu, lợi nhuận

Với các doanh nghiệp bảo hiểm, tăng vốn là điều kiện quan trọng để tăng doanh thu, lợi nhuận

Khi doanh nghiệp bảo hiểm khát vốn

(ĐTCK) Xuất phát từ nhiều nhu cầu khác nhau, các doanh nghiệp bảo hiểm ở cả 2 khối phi nhân thọ và nhân thọ đang đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn điều lệ cho năm 2017.

Hai khối thi nhau tăng vốn 

Thông qua phát hành riêng lẻ 20% vốn điều lệ cho đối tác chiến lược với việc Samsung Fire and Marine Insurance đã được 2 bên ký kết hợp đồng hợp tác mua bán cổ phần, PJICO dự kiến sẽ hoàn tất việc tăng vốn từ 709,7 tỷ đồng lên 887,1 tỷ đồng ngay trong năm nay.

Trước đó, trung tuần tháng 4/2017, Bảo hiểm Bảo Long cũng đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng.

Ở khối bảo hiểm nhân thọ, một doanh nghiệp bảo hiểm ngoại cỡ nhỏ cho biết, đang chờ đợi nguồn vốn công ty mẹ ở nước ngoài nhằm nâng cao năng lực tài chính, cho dù không thật chắc chắn do việc phê duyệt kế hoạch tăng vốn của công ty mẹ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nội lực, kết quả kinh doanh trong hiện tại cũng như tương lai để có thể thuyết phục công ty mẹ rót vốn.

Năm 2016, có 10 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng vốn điều lệ thêm tương ứng 5.403,39 tỷ đồng, 1 doanh nghiệp bảo hiểm giảm vốn điều lệ tương ứng với số tiền 80 tỷ đồng.    

Năm 2016, sau 9 năm hoạt động, Dai-ichi Life Việt Nam mới được công ty mẹ tin tưởng tiếp thêm vốn với mức vốn hiện tại đạt 100 triệu USD.

Trên quy mô toàn thị trường, năm 2016, theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), việc tăng vốn điều lệ lên đáng kể đã góp phần tăng cường năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam.

Có 10 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng vốn điều lệ thêm tương ứng 5.403,39 tỷ đồng, 1 doanh nghiệp bảo hiểm giảm vốn điều lệ tương ứng với số tiền 80 tỷ đồng.

Với khối bảo hiểm nhân thọ, do đặc thù phần lớn là doanh nghiệp nước ngoài (ngoại trừ Bảo Việt Nhân thọ) nên vốn lớn không chỉ là nguồn lực then chốt giúp đạt kết quả kinh doanh khả quan mà còn nhằm thể hiện cam kết kinh doanh bảo hiểm dài lâu tại Việt Nam.

Còn với khối bảo hiểm phi nhân thọ, huy động lượng vốn lớn là rất cần thiết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đầu tư các dự án phục vụ cho hoạt động kinh doanh, vì trên thực tế nguồn vốn nhỏ đang khiến các doanh nghiệp khối này gặp khó trong đấu thầu các dự án lớn.

Tăng vốn để tăng năng lực cạnh tranh

Theo ông Đinh Thái Hương, Chủ tịch HĐQT PJICO, trong xu thế phát triển chung của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, việc phát triển nguồn vốn kinh doanh là yếu tố quan trọng.

“Với quy mô vốn nhỏ, PJICO đang gặp khó trong tham gia đấu thầu các dự án cũng như tiếp cận các khách hàng lớn do không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư về mức vốn điều lệ tối thiểu. Chưa kể, vốn nhỏ cũng hạn chế khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Tăng vốn điều lệ sẽ giúp chúng tôi tăng năng lực tài chính, có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn, đặc biệt là đấu thầu trong bảo hiểm", ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc PJICO bổ sung.

Chưa kể, với khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tăng vốn cũng nhằm tăng khả năng giữ lại phí bảo hiểm, đặc biệt cần với các nghiệp vụ bảo hiểm kinh doanh có hiệu quả.

Vì theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được phép giữ lại mức trách nhiệm tối đa trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ không quá 10% vốn chủ sở hữu.

Do đó, khi tăng vốn điều lên, sẽ có thêm thặng dư vốn, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tăng lên cho phép doanh nghiệp tăng mức giữ lại đối với các hợp đồng, nghiệp vụ bảo hiểm có hiệu quả, giúp gia tăng lợi nhuận.

Tại ABIC, ông Đinh Việt Đông, Chủ tịch HĐQT cũng thừa nhận năng lực tài chính của Công ty còn thấp do mức vốn điều lệ hiện tại khiêm tốn chỉ 380 tỷ đồng (chưa tính số cổ phiêu quỹ). Bởi thế, ABIC chỉ được giữ lại không quá 10%/đơn vị rủi ro và hợp đồng tái cố định của rủi ro tốt nhất cũng không quá 400 tỷ đồng, phần còn lại phải thu xếp tái tạm thời trên thị trường đã gây chậm trễ quá trình đàm phán thu xếp hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng.

“Ngoài ra, quy mô vốn chủ sở hữu của ABIC hiện cũng thấp (đạt 601,75 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2016) nên Công ty buộc phải để lại khoản lợi nhuận chưa phân phối (38,1 tỷ đồng) nhằm tăng năng lực tài chính của ABIC”, Chủ tịch ABIC cho hay.

Một điểm chung đối với cả 2 khối bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ khi bổ sung vốn điều lệ đó là giúp doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư mở rộng mạng lưới, phát triển hệ thống công nghệ thông tin và đầu tư tài chính.

“Với số vốn mới là 600 tỷ đồng, cùng với sự tăng trưởng của doanh thu phí bảo hiểm, quy mô danh mục đầu tư của Bảo hiểm Bảo Long sẽ tăng từ 906 tỷ đồng (tại thời điểm 1/1/2017) lên 1.000 tỷ đồng (tại thời điểm 31/12/2017), trong đó nguồn vốn đầu tư từ vốn chủ sở hữu là 600 tỷ đồng và nguồn vốn đầu tư từ quỹ dự phòng nghiệp vụ là 400 tỷ đồng, đồng thời lợi nhuận ước tính từ toàn bộ danh mục đầu tư năm 2017 là 82 tỷ đồng, tương đương với tỷ suất lợi nhuận bình quân là 8,2%/năm”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Bảo hiểm Bảo Long cho hay.  

Tin bài liên quan