InsurTech sẽ làm thay đổi bảo hiểm truyền thống thế nào, vẫn chưa có nhiều ví dụ

InsurTech sẽ làm thay đổi bảo hiểm truyền thống thế nào, vẫn chưa có nhiều ví dụ

InsurTech: Trào lưu hay xu hướng thực tế?

(ĐTCK) Fintech với khối ngân hàng và InsurTech với khối bảo hiểm, tất cả đang được dự báo sẽ vẽ lại hoạt động ngành tài chính thế giới.

Vẫn chưa thể dự đóan mô hình bán bảo hiểm truyền thống tại thị trường châu Á, đặc biệt là Việt Nam sẽ tác động như nào khi khu vực này được nhận định sẽ là tâm điểm phát triển trong xu hướng InsurTech (công nghệ bảo hiểm).

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành này thừa nhận rằng, châu Á sẽ trở thành điểm nóng về InsurTech bởi thị trường nơi đây đang hội tụ đủ các điều kiện cần có để thành khu vực nóng nhất của làn sóng InsurTech toàn cầu. Chính vì thế, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận những thay đổi này.

Việt Nam và làn sóng InsurTech

Trao đổi với Đặc san Toàn cảnh thị trường bảo hiểm Việt Nam, đại diện một tập đoàn bảo hiểm lớn đến từ châu Âu nói rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự báo châu Á sẽ là điểm nóng về InsurTech như quy mô đáng kể của tầng lớp trung lưu đang lên tại châu Á, mật độ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng cao, sự suy giảm hiệu quả của các kênh phân phối bảo hiểm truyền thống.

Mặc dù có sự phân hóa rõ rệt trong xu hướng phát triển giữa châu Á nơi InsureTech tập trung nhiều hơn vào phân phối, với các nước phát triển - nơi tập trung vào nâng cao hiểu quả và kết nối với khách hàng, châu Á hội đủ những điều kiện cần có để trở thành khu vực nóng nhất của làn sóng InsurTech toàn cầu.

Xu hướng công nghệ càng được thúc đẩy trong bối cảnh chung là khu vực châu Á đã tăng trưởng mạnh mẽ trong thập niên qua,  ngày nay đóng góp 37% vào GDP toàn cầu, dự báo sẽ qua mặt châu Âu và Bắc Mỹ gộp lại vào năm 2025 (đóng góp 45% so với 34%).

“Châu Á hiện đã là thị trường lớn thứ ba toàn cầu và được dự báo sẽ dẫn đầu vào năm 2025. Các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ sẽ nhìn vào châu Á để nắm bắt xu hướng phát triển và đổi mới. Ngành bảo hiểm cũng có những kỳ vọng tương tự”, một chuyên gia trong ngành nói.

Theo ông Dean Connor, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sun Life, sự phát triển của các kênh trực tuyến được thúc đẩy bởi nhu cầu của người tiêu dùng cần có dịch vụ thuận tiện và cá nhân hóa. Khách hàng muốn dịch vụ tài chính cũng dễ dàng như khi mua sắm với Amazon và Alibaba.

Điều này cho thấy đang có những đầu tư rất lớn trong ngành này trên toàn thế giới để mang lại cho khách hàng những trải nghiệm thuận tiện hơn, bao gồm khả năng tiếp cận thông tin tức thời và qua thiết bị di động cũng như tiếp xúc trực tiếp.

Châu Á hiện đã là thị trường lớn thứ ba toàn cầu và được dự báo sẽ dẫn đầu vào năm 2025. Các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ sẽ nhìn vào châu Á để nắm bắt xu hướng phát triển và đổi mới. Ngành bảo hiểm cũng có những kỳ vọng tương tự.   

“Chúng tôi gọi là trải nghiệm toàn diện qua nhiều kênh (omni-channel channel). Đôi khi khách hàng muốn mua một sản phẩm đơn giản qua mạng và lúc khác, họ muốn được tư vấn chi tiết và được tư vấn tài chính phục vụ”, ông Dean A. Connor cho biết. 

“Tại Canada và châu Á, Sun Life rất quan tâm đến việc hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật số và kết nối với cộng đồng start-up. Mới đây, chúng tôi là nhà ủng hộ chính cho FinTech Innovation Lab Asia Pacific do Accenture lập nên. Chúng tôi sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp startup trong lĩnh vực áp dụng công nghệ vào bảo hiểm để tạo nên những cải tiến có thể áp dụng cho Sun Life tại châu Á”.

Cũng theo ông Dean Connor, thành viên mới nhất của Sun Life chính là Sun Life Việt Nam và đây cũng là nơi thuận lợi sẵn sàng đón nhận công nghệ tốt nhất và phù hợp nhất mà Sun Life đã thực hiện thành công tại khắp châu Á, bao gồm các hệ thống tự động hóa và cải tiến hiệu quả, các ứng dụng và cổng thông tin kết nối tư vấn với khách hàng, các công cụ phân tích dữ liệu.

“Chúng tôi cũng có hợp tác với Timo để bán sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ thông qua ứng dụng trên điện thoại di động và kết nối khách hàng Timo với các tư vấn tài chính Sun Life”, ông Dean A.Connor chia sẻ.

Làn sóng ứng dụng InsurTech thực tế đã lan đến thị trường Việt Nam chứ không chỉ là dự báo. Các công ty bảo hiểm nhân thọ đang rốt ráo triển khai những cách thức sử dụng công nghệ trong kinh doanh. Generali NPS là một giải pháp như vậy, chương trình này được Tập đoàn Generali triển khai tại 35 thị trường, trong đó có mặt tại Generali Việt Nam.

Ứng dụng này cho phép dựa trên phản hồi của khách hàng, hãng bảo hiểm sẽ xác định và tiến hành khắc phục những mặt chưa tốt, đi sâu giải quyết gốc rễ vấn đề,  nâng cao hiệu quả bằng cách đơn giản hóa quy trình, lược bỏ những bước không cần thiết, trao quyền quyết định phù hợp cho các cấp nhân viên….

Ở FWD, cái tên khá mới trong ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, đã hợp tác độc quyền 3 năm với Tiki để giới thiệu thêm các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trực tuyến mới.

Hay tại AIA, đổi mới theo hướng số hoá với iMO để đáp lại sự năng động và nhu cầu tại châu Á, đặc biệt là thị trường Việt Nam, được coi là giải pháp giúp khẳng định vị thế vững chắc của AIA trong khu vực.

“Việc chúng tôi đưa vào sử dụng ứng dụng iMO, ứng dụng tương tác trên điện thoại giúp thay đổi cách đội ngũ ‘đại lý ngoại hạng’ của chúng tôi làm việc, sẽ là một bước tiến vượt bậc trong công nghệ số trong năm nay”, ông Ng Keng Hooi, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn AIA chia sẻ.

Không chỉ những công ty mới, với lợi thế đầu tư ban đầu mà cả những tên tuổi “cũ” như Prudential, ngoài mạng lưới đại lý bán hàng trục tiếp lớn nhất thị trường, hãng bảo hiểm có mặt lâu đời tại Việt Nam đang có những bước chuyển biến theo xu hướng mới với việc đưa rất nhiều ứng dụng công nghệ vào việc hỗ trợ bán bảo hiểm. Từ PruBot - Chatbot tư vấn bảo hiểm đến Matchbook…

Số hóa và câu chuyện thực tế

InsurTech, trong “biến thể” đơn giản là bán bảo hiểm trực tuyến với những sản phẩm đơn lẻ mệnh giá thấp cũng đã được một vài công ty bảo hiểm nhân thọ thử nghiệm, tuy nhiên, thực tế thì doanh thu phí bảo hiểm mới đến từ kênh này còn rất khiêm tốn. Số hợp đồng chốt được chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Xu hướng ứng dụng công nghệ số hóa vào bảo hiểm là xu hướng thực tế. Nhưng ở thị trường Việt Nam, không phải khâu nào cũng số hóa được. Trên thị trường có nhiều công ty phát triển app, muốn bán hàng qua website… nhưng thực tế có bao nhiêu khách hàng truy cập và download những phần mềm này?

Trong tất cả các mô hình đang khai thác thì bancassurance vẫn là kênh có thể khai thác cơ sở dữ liệu khách hàng tốt nhất”, lãnh đạo cấp cao một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nêu quan điểm.

Vị lãnh đạo này cũng đặt thêm câu hỏi, nếu làm website, app chưa được quan tâm thì phải phát triển và đưa những ứng dụng nền tảng công nghệ số vào khâu nào trong ngành bảo hiểm để cho khách hàng và công ty bảo hiểm gặp nhau?

“Mỗi công ty sẽ có một cách ứng dụng nhưng câu chuyện đằng sau việc tiếp cận khách hàng bằng công nghệ ứng dụng kỹ thuật số để có giữ liệu khách hàng và có thể chốt được hợp đồng là cả một vấn đề nằm trong một quy trình xuyên suốt được nghiên cứu kỹ càng”, vị lãnh đạo trên nói.

Ứng dụng công nghệ, rõ ràng là một tương lai không dài, nhưng không ngắn. Để ra được xe tự lái, hàng chục tỷ USD với hàng nghìn cái đầu siêu việt vẫn đang nghiên cứu. Để ra một fintech trong thanh toán như Alipay, Samsung Pay… thì không chỉ cần những cái đầu siêu việt mà cần cả một thị trường phù hợp. Và với ngành bảo hiểm nói chung, bảo hiểm tại Việt Nam nói riêng, tất cả mới trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu..                

Tin bài liên quan