Hợp đồng bảo hiểm mẫu: Sẽ hiệu quả hơn nếu hạn chế từ tối nghĩa

Hợp đồng bảo hiểm mẫu: Sẽ hiệu quả hơn nếu hạn chế từ tối nghĩa

(ĐTCK) Lâu nay, nhiều câu từ trong Bộ Hợp đồng bảo hiểm kèm quy tắc, điều khoản còn tối nghĩa, chưa rõ ràng. Đây là một trong những lý do dẫn đến tranh chấp bảo hiểm. 

Liên quan tới vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng những câu từ khó hiểu, tối nghĩa… là cái cớ để công ty bảo hiểm từ chối bồi thường, song thực tế thì không hẳn vậy, bởi hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm đã được các công ty bảo hiểm sử dụng để chi trả quyền lợi bảo hiểm trong suốt nhiều năm qua. Năm 2018, con số này là 36.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong nhiều lý do mà công ty bảo hiểm viện dẫn để từ chối bồi thường, yếu tố liên quan đến câu chữ trong điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm vẫn thường được áp dụng khiến khách hàng phản ứng.

Trên thực tế, nhiều trường hợp công ty bảo hiểm cố ý “cài cắm” câu chữ, “đánh lận con đen” để gây thiệt thòi cho người mua bảo hiểm (không được bồi thường, trả quyền lợi bảo hiểm) đã được chỉ ra dưới sự hỗ trợ của luật sư hay công ty tư vấn dịch vụ pháp lý.

Cũng phải nói thêm rằng, nhà bảo hiểm cũng đã nỗ lực minh bạch câu chữ, đơn giản hóa điều khoản hợp đồng… để tạo dựng niềm tin đối với sản phẩm bảo hiểm cũng như bảo vệ quyền lợi của khách hàng, nhưng con số này chưa nhiều.

Ðể bảo hiểm có thể đến gần hơn với người dân, theo các chuyên gia, ngoài chủ động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người mua bảo hiểm, các cơ quan quản lý, cụ thể ở đây là Bộ Tài chính và Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cần rà soát có hệ thống toàn bộ câu chữ, điều khoản có trong Bộ Hợp đồng bảo hiểm kèm theo điều khoản mẫu của công ty bảo hiểm.

“Nhà quản lý cần có những văn bản rõ ràng, cụ thể để minh bạch hơn nữa ngữ nghĩa của các hợp đồng mẫu. Ðặc biệt, tăng cường giám sát hoạt động của các công ty bảo hiểm, tránh tình trạng người dân cũng như doanh nghiệp ‘kêu trời’ khi đi đòi quyền lợi bảo hiểm”, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty Luật TAT Law Firm đề xuất.

Ðồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Ðức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, những hợp đồng mẫu bảo hiểm cần tăng tính chuyên nghiệp bằng cách hạn chế những từ ngữ mập mờ, rối rắm, ràng buộc trách nhiệm của cả 2 phía khách hàng và công ty bảo hiểm.

Về phía khách hàng, theo luật sư Trương Anh Tú, cần tìm hiểu kỹ lưỡng khung pháp lý và nội dung giao dịch, đồng thời yêu cầu được giải thích quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm… trước khi đặt bút ký các hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi cho mình.

Việc tham gia sâu hơn vào hợp đồng bảo hiểm nhằm gia tăng quyền lợi bảo hiểm là nhu cầu chính đáng của người mua bảo hiểm.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là người mua bảo hiểm có quyền chỉnh sửa hợp đồng bảo hiểm hay không khi đây là hợp đồng chuẩn mẫu đã được phê duyệt của Bộ Tài chính?

Trả lời câu hỏi này, luật sư Phạm Hoàng Sang (Ðoàn luật sư TP.HCM) cho biết, khó có thể sửa hợp đồng mẫu, song người tham gia bảo hiểm có quyền đàm phán hợp đồng bằng cách yêu cầu công ty bảo hiểm ra một phụ lục hợp đồng do lãnh đạo có thẩm quyền ký, sau đó điều chỉnh hợp đồng bảo hiểm sao cho phù hợp.

“Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, nhà bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, nghĩa vụ giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm... (Khoản 1, Ðiều 19 - Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm” (Ðiều 21-  Luật kinh doanh bảo hiểm).

Nếu công ty bảo hiểm không đảm bảo được những yêu cầu này thì người tham gia bảo hiểm cần từ chối mua bảo hiểm”, ông Sang giải thích thêm.

Ngoài ra, các luật sư cũng cho rằng, trong một số trường hợp chưa đồng thuận về mặt giải thích ngữ nghĩa, cơ quan chức năng có thể tạo ra những "án lệ" về bảo hiểm để tạo khung ứng xử về sau này.

Tin bài liên quan