Hoạt động tài chính chiếm vai trò quan trọng trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của DN bảo hiểm.

Hoạt động tài chính chiếm vai trò quan trọng trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của DN bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm: Thách thức trong hoạt động đầu tư

(ĐTCK) Năm 2008, trong khi hoạt động chính (kinh doanh bảo hiểm) không mang lại nhiều lợi nhuận, thậm chí gây ra những khoản lỗ, thì hoạt động đầu tư lại là "cứu cánh" cho các DN bảo hiểm. Kết quả này một phần nhờ lạm phát tăng, các ngân hàng đẩy cao lãi suất tiết kiệm. Với nguồn phí bảo hiểm chưa dùng đến, không ít DN bảo hiểm lựa chọn đây là kênh đầu tư hiệu quả nhất. Nhưng năm 2009, hoạt động tài chính của các DN bảo hiểm không còn tập trung vào mũi nhọn: gửi tiền, nhận lãi suất và hạch toán vào lợi nhuận, bởi tình hình đã khác trước rất nhiều.

Hoạt động tài chính là quan trọng

Theo số liệu từ Hiệp hội Kinh doanh bảo hiểm Việt Nam, năm 2008 có đến 17/26 DN bảo hiểm phi nhân thọ có kết quả kinh doanh lỗ, dù lĩnh vực này đạt doanh thu 10.879 tỷ đồng, tăng 30,13% - cao nhất trong 6 năm qua, vượt chỉ tiêu chiến lược phát triển đề ra đến năm 2010 là 20,8%. Nguyên nhân có thể kể đến như: đội ngũ cán bộ còn thiếu chuyên nghiệp; công nghệ quản lý chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng về doanh thu, số lượng hợp đồng bảo hiểm; khai thác bảo hiểm chưa quan tâm tới đánh giá rủi ro để định phí bảo hiểm, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt bằng cách hạ phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản bảo hiểm một cách phi kỹ thuật… Tuy nhiên, các DN vẫn hạch toán có lãi, phần lớn được bù đắp bởi hoạt động tài chính. Năm 2008, TTCK sụt giảm nên doanh thu từ hoạt động tài chính của các DN bảo hiểm chủ yếu vẫn là tiền gửi tiết kiệm.

Thực trạng trên cho thấy, hoạt động tài chính chiếm vai trò quan trọng trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của DN bảo hiểm. Trong 5 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Bảo Việt đạt doanh thu hợp nhất 4.055 tỷ đồng, bằng 41,7% kế hoạch năm, nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 842 tỷ đồng, bằng 108,6% kế hoạch năm. Lợi nhuận đạt cao, bên cạnh kết quả tăng trưởng nhanh doanh thu và tiết kiệm chi phí trong những tháng đầu năm, phải kể đến việc hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán khi TTCK hồi phục mạnh so với đầu năm.

Bảo hiểm nhân thọ - cuộc chơi của DN nước ngoài

Theo ông Bùi Đức Song, Tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm phi nhân thọ SHB Vinacomin Insurance (SVIC), trong các DN kinh doanh bảo hiểm, một hoạt động không kém phần quan trọng đó là hoạt động đầu tư nguồn vốn từ phí bảo hiểm nhàn rỗi chưa phải bồi thường. Ở một số tập đoàn bảo hiểm lớn trên thế giới, lợi nhuận của DN chủ yếu đến từ đầu tư, chứ không phải từ kinh doanh bảo hiểm đơn thuần. Nhưng ở Việt Nam, việc đầu tư nguồn vốn này còn rất yếu, chủ yếu gửi ngân hàng. Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập hiện nay, khi cạnh tranh với nước ngoài thì rất dễ lỗ trong kinh doanh bảo hiểm, bởi việc đầu tư kém không bù đắp được lỗ.

Theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, DN bảo hiểm được phép đầu tư vốn vào các lĩnh vực: mua trái phiếu chính phủ, mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản, góp vốn vào các doanh nghiệp khác; cho vay theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Việc đầu tư vốn của DN bảo hiểm phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu chi trả thường xuyên cho các cam kết theo hợp đồng bảo hiểm.

Ông Đỗ Minh Hoàng, quyền Tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) cho biết, hiện ABIC đang tập trung vào hai lĩnh vực chính là kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính. Trong tương lai, ABIC sẽ mở rộng đầu tư sang một số lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật. Hiện tại, đầu tư tại ABIC đảm bảo tỷ lệ an toàn, cổ phiếu chiếm tỷ trọng khoảng 5% tổng nguồn vốn đầu tư, trái phiếu khoảng 12%, còn lại là gửi tiết kiệm và đầu tư bất động sản.

Ông Hoàng cho rằng, hoạt động tài chính của các DN bảo hiểm trong năm nay sẽ không còn thuận lợi như năm ngoái, DN phải sáng suốt trong việc lựa chọn kênh đầu tư (trái phiếu, cổ phiếu, góp vốn…). Việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng tuy ổn định, nhưng lãi suất kém hấp dẫn.

Hiện tại, hoạt động tài chính đang là thế mạnh của một số DN lớn như Tập đoàn Bảo Việt, Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí (PVI)… Một mặt, các DN này có nguồn phí bảo hiểm lớn và nguồn thặng dư vốn dồi dào (sau khi thực hiện IPO) nên có thể đa dạng hóa việc đầu tư. Mặt khác, với quy mô của một tập đoàn thì các DN này có đội ngũ chuyên gia phân tích đầu tư đủ lớn, chuyên nghiệp để tham gia đầu tư trên thị trường.

Các DN bảo hiểm nhân thọ có nguồn phí bảo hiểm ổn định do thời hạn hợp đồng kéo dài (có khi đến vài chục năm) nên cũng đẩy mạnh các hoạt động đầu tư. Vậy nhưng, đây chủ yếu vẫn là "cuộc chơi" của các DN nước ngoài, bởi trong số 11 DN bảo hiểm nhân thọ chỉ có 1 DN Việt Nam là Bảo Việt nhân thọ.

Theo các chuyên gia tài chính, cho dù thế nào thì năm 2009 vẫn là năm đầy thách thức đối với hoạt động tài chính của DN bảo hiểm. Gửi tiết kiệm với lãi suất thấp thì không DN nào muốn, nhưng mua cổ phiếu, trái phiếu hay đầu tư bất động sản vào thời điểm này là câu hỏi không dễ trả lời. TTCK không còn sụt giảm nghiêm trọng, nhưng việc tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn không hề đơn giản khi vẫn tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro. Bất động sản chiếm lượng vốn đầu tư lớn, trong khi tính thanh khoản vẫn kém khiến các DN bảo hiểm tỏ ra thận trọng. Rõ ràng, lợi nhuận nói chung của các DN bảo hiểm năm 2009 sẽ là ẩn số khi doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng chậm lại và hoạt động đầu tư gặp không ít khó khăn.