Với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ,  để tiếp 
tục mở rộng thị trường thì việc tăng vốn là tất yếu

Với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, để tiếp tục mở rộng thị trường thì việc tăng vốn là tất yếu

Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ dồn dập tăng vốn

(ĐTCK) Thời gian qua, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đã tiến hành tăng vốn điều lệ nhằm tiếp tục triển khai các dự án mở rộng thị trường, phát triển kênh phân phối mới, cũng như tăng dự phòng rủi ro theo quy định mới.

Vào cuối năm 2017, Dai-ichi Life Việt Nam đã được Bộ Tài chính chấp thuận cho tăng vốn lên hơn 5.400 tỷ đồng (lần thứ 6) nhằm đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và phát triển mạng lưới kinh doanh.

Trên thị trường, Dai-ichi Life Việt Nam là một trong những doanh nghiệp tiên phong mở rộng và đa dạng hóa hệ thống phân phối, đặc biệt là với mô hình bancassurance thông qua việc ký kết hợp tác độc quyền và dài hạn với nhiều ngân hàng đối tác như Sacombank, SHB, HDBank, VNPost, LienVietPostBank... 

Sau hơn 11 năm hoạt động, tổng doanh thu phí bảo hiểm của Dai-ichi Life Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 20 lần và đang giữ vị trí thứ 3 về mạng lưới phục vụ khách hàng. Năm 2017, doanh thu phí khai thác mới của Dai-ichi Life Việt Nam đạt 3.630 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2016, vươn lên vị trí thứ 3 về thị phần doanh thu khai thác mới.

Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải tăng dự phòng rủi ro nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản trong bối cảnh lãi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu kể từ năm 2017

Cùng với Dai-i-chi Life Việt Nam, cuối tháng 12/2017, Bộ Tài chính đã chấp thuận về nguyên tắc việc tăng vốn điều lệ cho Prudential Việt Nam từ hơn 1.135 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng. Cũng trong thời điểm này, AIA Việt Nam thông báo vốn điều lệ của Công ty đã tăng lên 3.224,4 tỷ đồng, từ mức 1.264,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều hãng bảo hiểm khác cũng thực hiện tăng vốn điều lệ. Chẳng hạn, Manulife Việt Nam đã nâng vốn điều lệ lên hơn 5.720 tỷ đồng, qua đó trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất thị trường tính đến thời điểm hiện tại.

Những năm gần đây, Manulife Việt Nam thường đạt kết quả kinh doanh tích cực với tăng trưởng trung bình cao hơn thị trường. Manulife Việt Nam cũng là công ty bảo hiểm giữ vị trí số 1 về bảo hiểm liên kết qua ngân hàng (bancassurance).

Đại diện Manulife Việt Nam cho biết, để duy trì vị thế, trong thời gian tới, Công ty sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm mang đến khách hàng nhiều tiện ích mới và thuận tiện hơn trong giao dịch, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trong đợt tăng vốn mới từ đầu năm 2018 còn có Generali Việt Nam. Cụ thể, vào đầu tháng 4/2018, hãng bảo hiểm đến từ nước Ý này đã tăng vốn điều lệ từ hơn 3.500 tỷ đồng lên hơn 4.000 tỷ đồng, đồng thời công bố được phép kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.

Ứng dụng GenClaims trên điện thoại di động thông minh là tiện ích mới nhất mà Generali Việt Nam đưa ra thị trường nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng…

Cũng trong tháng tháng 4 vừa qua, Sun Life Việt Nam được Bộ Tài chính chấp thuận  tăng vốn điều lệ lên 1.870 tỷ đồng. Kể từ khi chính thức hoạt động với thương hiệu Sun Life Việt Nam, hãng bảo hiểm này đã không ngừng mở rộng mạng lưới hoạt động kinh doanh trên toàn quốc, phát triển đội ngũ tư vấn tài chính theo mô hình MRA (Most Respected Advisors - Tư vấn tài chính được tôn trọng nhất).

Lãnh đạo Sun Life Việt Nam cho biết, dự kiến trong năm nay, Sun Life Việt Nam sẽ tuyển dụng nhiều nhân sự với nhiều vị trí khác nhau, ở nhiều kênh phân phối, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh của Công ty.

"Cùng với đó, Sun Life Việt Nam cũng sẽ tiếp tục chú trọng phát triển sản phẩm mới,  mở rộng các kênh phân phối, tăng cường đầu tư vào công nghệ thông tin và kỹ thuật số để cải tiến quy trình và nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng", vị lãnh đạo này nói.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh câu chuyên nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường rót vốn vào thị trường Việt Nam, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận, để tiếp tục mở rộng thị trường thì việc tăng vốn là tất yếu, nhất là khi thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển.

Bên cạnh đó, các thương vụ hợp tác bancassurance "khủng" đã và có thể sắp được ký kết cũng sẽ cần số vốn lớn để đầu tư, và tăng vốn là một trong những giải pháp. 

"Ngoài ra, cách tính dự phòng rủi ro theo quy định mới cũng khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phải tăng vốn, nâng cao 'sức khỏe' tài chính, đặc biệt là các hãng đang bán nhiều sản phẩm bảo hiểm liên quan đến sự thay đổi lãi suất trên thị trường. Các hãng này phải tăng dự phòng rủi ro nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản trong bối cảnh lãi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu kể từ năm 2017", vị chuyên gia này nói.

Tin bài liên quan