Doanh nghiệp bảo hiểm loay hoay chống trục lợi

Doanh nghiệp bảo hiểm loay hoay chống trục lợi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù đã có luật quy định về xử phạt đối với những hành vi trục lợi bảo hiểm, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải loay hoay tự phòng chống do việc áp dụng luật gặp nhiều khó khăn. 

08h00 ngày 13/4/2020, một doanh nghiệp vận tải hàng hóa liên hệ đại lý của một hãng bảo hiểm để mua bảo hiểm hàng hóa vận chuyển sang Lào.

Lấy lý do xe đang vận hành không có tại địa điểm, nên chủ xe chụp ảnh khai thác gửi cho hãng bảo hiểm (thực tế là ảnh có sẵn của khách hàng trước thời điểm xảy ra tai nạn) và hẹn trong vòng 15 ngày đưa xe về địa điểm mua sẽ chụp lại ảnh thực tế.

Đến khoảng 24h00 ngày 15/4/2020, khách hàng gọi thông báo tổn thất. Khi được yêu cầu thông báo cơ quan chức năng lập hồ sơ vụ việc, khách hàng lấy lý do khó khăn trong việc giao tiếp tại nước ngoài và đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ (chỉ cần biên bản xác nhận bồi thường của chủ xe với cơ quan quản lý đường bộ tại Lào).

Do trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hãng bảo hiểm không thể thực hiện giám định hiện trường tại thời điểm khách hàng thông báo.

Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, hãng bảo hiểm đã xác định được giá trị tổn thất là 238 triệu đồng, đồng thời tiến hành xác minh, điều tra và có bằng chứng về thời gian xảy gia tai nạn là 3h45phút ngày 13/4/2020 của Cơ quan Công an giao thông Lào.

Chủ xe đã chủ động đề nghị cho tự khắc phục thiệt hại xe và tự nguyên bồi thường thiệt hại công trình đường bộ để cơ quan này không lập hồ sơ vụ việc nhằm né tránh việc lưu thời gian thực của vụ tai nạn.

Ví dụ trên chỉ là một trong rất nhiều tình huống trục lợi bảo hiểm mà các công ty bảo hiểm phi nhân thọ tìm hiểu được. Hiện nay, chưa có số liệu thống kê chính xác số vụ trục lợi của toàn thị trường, song doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng phải theo dõi riêng để kiểm soát.

Đơn cử, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm PTI phát hiện trung bình khoảng 100 vụ trục lợi, tương ứng với số tiền từ 12-15 tỷ đồng.

Các hình thức trục lợi ngày càng tinh vi, được sắp đặt chi tiết, phổ biến nhất là trường hợp tổn thất đã xảy ra rồi mới mua bảo hiểm nhằm lợi dụng yếu tố thủ tục thuận tiện, khó kiểm soát hiện trạng xe trong khâu khai thác, cấp đơn bảo hiểm…

Ngoài ra, còn có một số hình thức trục lợi khác là sau khi xảy ra tổn thất với bên thứ 3 và đã nhận tiền bồi thường bên thứ 3, hai bên thỏa thuận không lập hồ sơ của cơ quan công an và dựng hiện trường giả nhằm đòi tiền bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm (đối với loại hình vật chất)...

“Thực tế là sau khi cá nhân, tổ chức thực hiện trục lợi không thành công, bị công ty bảo hiểm từ chối thì họ cũng không bị mất/chịu thêm bất cứ hình thức xử phạt/xử lý nào. Chính vì chưa đủ sức răn đe nên tình trạng trục lợi bảo hiểm vẫn tiếp diễn, cho dù đã có các chế tài xử phạt”, đại diện PTI cho biết.

Tội danh trục lợi bảo hiểm đã được quy định tại Điều 213 - Bộ luật Hình sự 2015 và được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Việc áp dụng trên thực tế là không dễ bởi luật có góc nhìn khác khi xem xét yếu tố “cấu thành vật chất”, tức là phải có hậu quả của hành vi thì mới xem xét hình sự.   

Tuy nhiên, theo các công ty bảo hiểm, việc áp dụng trên thực tế là không dễ bởi luật có góc nhìn khác khi xem xét yếu tố “cấu thành vật chất”, tức là phải có hậu quả của hành vi thì mới xem xét hình sự.

Nhằm tăng tính răn đe, bên cạnh kiến nghị tăng nặng mức xử lý hình sự với những hồ sơ trục lợi lớn, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, cần xây dựng luật theo hướng có thể áp dụng tội danh “trục lợi bảo hiểm” khi phát hiện hành vi vi phạm để xem xét hình sự, ngay từ những biểu hiện khách quan của hành vi đó như có yếu tố xâm hại đến lợi ích cộng đồng…, hoặc có quy định cụ thể cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được truy đòi các chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để điều tra, xác minh hành vi trục lợi…

Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm cũng đề nghị cần có cơ chế thông báo/thông tin tới các doanh nghiệp bảo hiểm từ cơ quan chức năng khi xảy ra các vụ tổn thất để phối hợp giải quyết quyền lợi các bên, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát cơ quan ở các địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật; nâng cao vai trò, quyền hạn của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc tiếp cận hồ sơ tai nạn của cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết (công an, bệnh viện…).

“Riêng với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, hiện luật pháp quy định doanh nghiệp bảo hiểm chi trả trực tiếp cho người bị thiệt hại khi chủ xe bị tử vong, điều này dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo quyền lợi cho người bị thiệt hại và chủ xe, nên cũng cần sửa đổi...”, vị đại diện trên nói.

Tin bài liên quan