Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm phải có văn bằng từ cao đẳng trở lên phù hợp với lĩnh vực giám định.

Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm phải có văn bằng từ cao đẳng trở lên phù hợp với lĩnh vực giám định.

Dần hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động phụ trợ bảo hiểm

(ĐTCK) Trong một thời gian ngắn, các quy định của pháp luật về phụ trợ bảo hiểm đã được ban hành, đáp ứng nhu cầu của thị trường bảo hiểm.

Thực hiện cam kết mở cửa thị trường đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm khi gia nhập Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã chính thức ban hành các quy định pháp luật về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, bao gồm các quy định của Luật sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm và Nghị đinh số 80/2019/NÐ-CP cũng như Thông tư số 65/2019/TT-BTC quy định về phạm vi hoạt động, điều kiện hoạt động của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Theo quy định tại Chương 11, Dịch vụ tài chính của Hiệp định CPTPP, các dịch vụ tài chính bao gồm các hoạt động: bảo hiểm và các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm, cụ thể là các dịch vụ bảo hiểm trực tiếp, tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm; trung gian bảo hiểm (đại lý và môi giới, các dịch vụ phụ trợ cho bảo hiểm như tư vấn, thống kê, đánh giá rủi ro và các dịch vụ giải quyết khiếu nại.

Theo các cam kết này thì Việt Nam phải mở cửa thị trường và đối xử công bằng với các chủ thể cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.

Cụ thể hóa các cam kết này, Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm đã quy định: Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Các cá nhân, tổ chức đáp ứng đủ điều kiện được thực hiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam kể cả các cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Tại Việt Nam trước khi có quy định pháp lý về hoạt động phụ trợ bảo hiểm, các hoạt động này vẫn diễn ra thường xuyên và có nhu cầu ngày càng tăng.

Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tự tiến hành các hoạt động tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất hoặc thuê các chuyên gia bảo hiểm tư vấn, tính phí dưới dạng hợp đồng thuê chuyên gia.

Phổ biến hơn cả là hoạt động thuê các công ty giám định để giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất.

Chuyên môn hóa nhiều hoạt động đặc thù

Theo báo cáo của Bộ Công thương, hiện có khoảng 70% doanh nghiệp bảo hiểm đang sử dụng các đơn vị cung cấp dịch vụ để xác định tình trạng, nguyên nhân và mức độ tổn thất…; gần 40% doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng hoạt động tư vấn bảo hiểm và đánh giá rủi ro như là một công cụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh…

Do vậy, việc ban hành các quy định về phạm vi hoạt động, điều kiện hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là cần thiết và đáp ứng nhu cầu của nhiều chủ thể trong lĩnh vực bảo hiểm và tạo điều kiện cho việc phát triển thị trường dịch vụ bảo hiểm theo hướng chuyên môn hóa.

Ngoài ra, việc nhanh chóng ban hành các quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm đã thể hiện một tinh thần thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam;

Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Sau khi luật được ban hành Chính phủ cũng đã khẩn trương ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết các điều kiện đối với cá nhân trực tiếp thực hiện dịch vụ phụ trợ trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Dần hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động phụ trợ bảo hiểm ảnh 1

Cụ thể, theo Nghị định số 80/2019/NÐ-CP ngày 1/11/2019: Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tư vấn bảo hiểm phải có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm hoặc văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm;

Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động đánh giá rủi ro bảo hiểm phải có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm hoặc có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về đánh giá rủi ro bảo hiểm.

Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe phải được đào tạo, có kinh nghiệm làm việc tối thiểu 10 năm về tính toán trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và là thành viên (Fellow) của một trong những Hội các nhà tính toán bảo hiểm được quốc tế thừa nhận rộng rãi như: Hội các nhà tính toán bảo hiểm Vương quốc Anh, Hội các nhà tính toán bảo hiểm Hoa Kỳ, Hội các nhà tính toán bảo hiểm Úc;

Hội các nhà tính toán bảo hiểm Canada hoặc Hội các nhà tính toán bảo hiểm là thành viên chính thức của Hội các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế hoặc có kinh nghiệm làm việc tối thiểu 05 năm về tính toán trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe kể từ khi là thành viên (Fellow) của một trong các Hội trên; không vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề tính toán bảo hiểm

Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải là thành viên (Associate) của Hội các nhà tính toán bảo hiểm đang là thành viên chính thức của Hội các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế và không vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề tính toán bảo hiểm;

Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm phải có văn bằng từ cao đẳng trở lên phù hợp với lĩnh vực giám định, có chứng chỉ về giám định tổn thất bảo hiểm và có ít nhất ba năm công tác trong lĩnh vực giám định.

Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm phải có văn bằng từ cao đẳng trở lên và có chứng chỉ về hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Việc ban hành là một bước tiến lớn trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, bởi từ lâu các hoạt động này cũng đã diễn ra nhưng chưa được thừa nhận là một lĩnh vực, hoạt động phụ trợ của bảo hiểm.

Từ ngày 01/11/2019, các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được phép cung cấp các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm gồm: tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm, cá nhân, tổ chức có nhu cầu có thể sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để được tư vấn về quản trị rủi ro bảo hiểm hoặc hợp tác với các doanh nghiệp bảo hiểm khác để cung cấp dịch vụ giám định tổn thất hoặc hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Doanh thu từ việc cung cấp các dịch vu phụ trợ được quy định là một nguồn doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm.

Ngược lại khi doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này từ các tổ chức đủ điều kiện thì các khoản chi này được xem là chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm.

Ðây cũng là điểm mới trong Nghị định số 80/2019/NÐ-CP khi quy định bổ sung doanh thu và chi phí cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Các quy định về điều kiện của cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ được các chuyên gia đánh giá là phù hợp bởi hoạt động liên quan đến bảo hiểm là các hoạt động đặc thù, đòi hỏi cá nhân thực hiện phải có trình độ chuyên môn nhất định.

Ðặc biệt đối với các dịch vụ liên quan đến đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất.

Giám định bảo hiểm khác với giám định thương mại thông thường là ngoài việc xác định mức độ và nguyên nhân tổn thất, giám định bảo hiểm còn chịu trách nhiệm tính toán và phân bổ bảo hiểm.

Do đó, việc yêu cầu cá nhân trực tiếp thực hiện phải có Chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm về giám định tổn thất bảo hiểm là cần thiết nhằm đảm bảo kết quả giám định chính xác.

Tuy nhiên, một câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn là liệu đối với các cán bộ tại bộ phận giám định, giải quyết bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm có cần phải đáp ứng yêu cầu này không?

Mặc dù đã khá rõ là điều kiện này áp dụng cho tổ chức khi cung cấp dịch vụ phụ trợ cho khách hàng, tuy nhiên nếu cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm không cần đáp ứng yêu cầu này khi mà họ cũng tự thực hiện giám định và xem xét giải quyết bồi thường bảo hiểm lại không cần phải đáp ứng yêu cầu này thì có phù hợp hay không?

Nhiều ý kiến cho rằng ít nhất thì người đứng đầu bộ phận này tại các doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện này.

Ngoài các quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân Việt Nam thì Nghị định còn quy định các điều kiện đối với tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam, theo đó, như phải hoạt động hợp pháp ít nhất 10 năm tính tới thời điểm cung cấp dịch vụ phụ trợ qua biên giới tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liền kề trước năm cung cấp dịch vụ phụ trợ  bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.

Liên quan đến các chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 65/2019/TT-BTC hướng dẫn về hoạt động đào tạo, thi, cấp và công nhận chứng chỉ về các hoạt động phụ trợ bảo hiểm.

Theo đó, Thông tư quy định các loại chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm bao gồm: Chứng chỉ tư vấn bảo hiểm, Chứng chỉ đánh giá rủi ro bảo hiểm, Chứng chỉ hỗ trợ giải quyết bồi thường; Chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm.

Các loại chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm sẽ được cấp chi tiết theo nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, ví dụ như: Chứng chỉ tư vấn bảo hiểm phi nhân thọ, Chứng chỉ tư vấn bảo hiểm nhân thọ, Chứng chỉ đánh giá rủi ro bảo hiểm phi nhân thọ...

Riêng Chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm do đặc thù của công việc giám định tổn thất cần chuyên môn theo từng loại nghiệp vụ bảo hiểm cụ thể nên đươc phân chia thành Chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm phi nhân thọ, Chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm hàng hải, Chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm hàng không.

Cá nhân có nhu cầu đào tạo có thể tự học để thi cấp chứng chỉ mà không bắt buộc phải tham gia đào tạo tập trung tại cơ sở đào tạo.

Như vậy có thể nói, các quy định của pháp luật về phụ trợ bảo hiểm đã khá hoàn thiện và là một bước tiến lớn trong việc thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, giúp các bên tham gia giảm thiểu rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất; đồng thời góp phần hạn chế gian lận bảo hiểm, giúp bồi thường nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời, bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Với sự đầy đủ về khung pháp lý cho hoạt động phụ trợ bảo hiểm, dự kiến trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm sẽ phát triển sôi động và chuyên nghiệp hơn khi có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Tuy nhiên, sẽ khó tránh khỏi một số mặt tiêu cực khi mà cuộc đua về doanh thu, chi phí, hoa hồng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm đang diễn ra quyết liệt.

Cần thêm các quy định chi tiết

Ngay khi thông tin về dự thảo quy định pháp luật về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cũng như từ ngày luật có hiệu lực, một số doanh nghiệp đã có xu hướng vận dụng các quy định về hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ thay cho hợp đồng môi giới, hợp đồng đại lý để không phải áp dụng mức trần hoa hồng môi giới, hoa hồng đại lý.

Vì hiện tại chưa có quy định mức chi tối đa cho việc sử dụng dịch vụ này là bao nhiêu.

Mặt khác, các quy định hoạt động tư vấn bảo hiểm, hoạt động đánh giá rủi ro đang có nội dung, phạm vi công việc khá giống với phạm vi công việc của đại lý, môi giới bảo hiểm.

Có ý kiến cho rằng, luật chưa sự phân định rõ ràng giữa môi giới bảo hiểm và dịch vụ phụ trợ tư vấn bảo hiểm.

Cụ thể, phạm vi công việc của hoạt động môi giới bảo hiểm là việc cung cấp thông tin, tư vấn cho bên mua bảo hiểm về sản phẩm bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và các công việc liên quan đến việc đàm phán, thu xếp và thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm.

Trong khi đó, phạm vi công việc của hoạt động tư vấn bảo hiểm cũng có nội dung tư vấn về chương trình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, quản trị rủi ro bảo hiểm và đề phòng, hạn chế tổn thất.

Do đó, nếu ký hợp đồng dịch vụ tư vấn bảo hiểm thay cho hợp đồng môi giới doanh nghiệp sẽ tránh được việc phải áp dụng quy định về mức hoa hồng môi giới của cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển giao luật chưa bắt buộc doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện.

Như vậy, mục đích khuyến khích phát triển dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi ban hành luật này đã không đạt được, ngược trở lại đã tạo điều kiện cho việc chi vượt quá mức khung của hoa hồng đại lý, tạo ra cuộc đua mới trong cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi lần này chỉ có quy định chung về trách nhiệm bảo mật thông tin và mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ mà không có quy định về trách nhiệm cụ thể của các tổ chức cá nhân khi cung cấp từng dịch vụ cụ thể.

Ví dụ cụ thể đối với tổ chức cung cấp dịch vụ giám định bảo hiểm, nếu tính toán và phân bổ sai mức độ tổn thất làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Theo ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm thì một số hoạt động mang tính đặc thù cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ như đối với hoạt động giám định bảo hiểm, tính toán bảo hiểm.

Vì chỉ cần một sai sót nhỏ có thể ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của khách hàng.

Tin bài liên quan