Cổ đông BSH tố “bầu” Hiển góp vốn sai

Cổ đông BSH tố “bầu” Hiển góp vốn sai

(ĐTCK) Báo ĐTCK vừa nhận được phản ánh của cổ đông Trần Hùng Phú - là đại diện cho một nhóm cổ đông của Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), về việc vi phạm quy định về cơ cấu sở hữu tại đơn vị này. BSH trước đây là Tổng CTCP Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC).

Cổ đông tố vượt 20%?

Theo cổ đông này, trong cơ cấu sở hữu vốn hiện tại của BSH có 3 tổ chức có liên quan đến nhau là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), CTCP Tập đoàn TNT nắm tới 25% vốn điều lệ của BSH. Như vậy đã vi phạm quy định liên quan đến cơ cấu vốn điều lệ của công ty cổ phần bảo hiểm.

Cụ thể, tại mục 1.3 Điều 29 Thông tư số 125/2012/TT-BTC ngày 30/07/2012 của Bộ Tài chính quy định: “Cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ. Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với cổ đông trong các trường hợp được quy định tại Luật Doanh nghiệp. Tỷ lệ sở hữu quy định ở đây bao gồm cả phần vốn ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần”.

Cũng theo ông Phú, trước đó, vào tháng 7/2013, việc vi phạm này đã được cổ đông phản ánh đến cơ quan quản lý BSH là Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thấu đáo về việc BSH có vi phạm hay không?

Trở lại với lịch sử cơ cấu cổ đông của BSH có thể thấy, BSH được thành lập năm 2008, với tên gọi Tổng CTCP Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC), bao gồm 6 cổ đông sáng lập là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin); CTCP An Sinh; Ngân hàng SHB; CTCP Tập đoàn TNT; Công ty Hoa Sơn và Công ty ITASCO.

Sau 3 năm hoạt động, một số cổ đông sáng lập đã chuyển nhượng phần vốn góp, đặc biệt, từ cuối năm 2012, Vinacomin đã hoàn tất việc thoái vốn theo chủ trương của Chính phủ, theo ông Phú, lúc này cơ cấu vốn điều lệ của SVIC đã có sự thay đổi căn bản, tập trung vào một số cổ đông là tổ chức. Đây cũng là thời điểm BSH bắt đầu có những sai phạm về cơ cấu cổ đông.

“Với cơ cấu cổ đông hiện tại của BSH là: SHB nắm giữ 10% vốn điều lệ; SHS 10%; CTCP Tập đoàn TNT 5%, trong khi SHB, SHS và TNT đều cùng một chủ là vi phạm quy định tại Thông tư 125”, ông Phú nói và khẳng định, ông chủ đó không ai khác chính là ông Đỗ Quang Hiển, hiện giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại 3 DN là SHB, SHS và BSH, đồng thời là Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn TNT. Ông Hiển còn nổi tiếng trên thị trường với biệt danh “Bầu Hiển”.

Thậm chí, theo một số cổ đông khác, với cơ cấu cổ đông như trên, các cổ đông nhỏ sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể. Thực tế, sau ĐHCĐ năm 2013 diễn ra vào ngày 25/6/2013, toàn bộ thành phần HĐQT, cũng như Ban Kiểm soát của BSH đều là những người đang làm việc cho 3 tổ chức nói trên và HĐQT cũng đã thâu tóm toàn bộ quyền hành, vốn thuộc về cơ quan quyền lực cao nhất đối với một DN đó là ĐHCĐ.

Cũng theo các cổ đông, sau khi có chủ mới, kết quả kinh doanh của BSH chưa thực sự khả quan như kỳ vọng, nhất là sau khi mất khách hàng lớn từ Vinacomin. Từ chỗ là DN bảo hiểm mới, nhỏ gọn, có lãi, cổ tức ở mức 10% trong các năm 2011, 2012, thì đến năm 2013, DN này đặt kế hoạch không chia cổ tức khi dự kiến lãi chưa đầy 1 tỷ đồng.

Bầu Hiển nói gì?

Trao đổi với ĐTCK ngày 27/3, ông Hiển cho biết, từ phản ánh của cổ đông trên, bộ phận quản lý cổ đông BSH sẽ xác minh lại chi tiết tỷ lệ sở hữu cổ đông, nhưng chắc chắn đó sẽ là một con số dưới 20%, phù hợp với luật định.

“Ở đây cũng nên làm rõ khái niệm người có liên quan được hiểu như thế nào. Có thể cổ đông thấy tôi được ĐHCĐ tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐQT của nhiều DN nên cho rằng tôi là đại diện cho cá nhân. Thực tế không phải vậy, tôi chỉ là đại diện cho tổ chức và tỷ lệ nắm giữ cổ phần đều phù hợp với quy định của pháp luật”, ông Hiển nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên ĐTCK, nếu sau khi xác minh lại, tỷ lệ sở hữu thực tế vượt quá con số 20% thì sao? Ông Hiển khẳng định, sẽ sẵn sàng thoái bớt vốn theo đúng quy định của pháp luật.

Về tình hình hoạt động của BSH, ông Hiển cho biết, tại ĐHCĐ thường niên 2014 dự kiến tổ chức vào cuối tháng 4 này, HĐQT BSH sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2013 ở mức 4%.

“Hiện Công ty đang trong quá trình giải quyết những khó khăn (trong đó có nợ nần) do chủ cũ để lại. Tôi nghĩ, càng trong khó khăn, Ban lãnh đạo DN và cổ đông càng nên hợp tác để cùng đưa DN thoát khỏi khó khăn và phát triển, mang lại lợi ích cho nhau, thay vì gây cản trở cho sự phát triển chung”, ông Hiển nói.

Được biết, ông Phú trước thời điểm Vinacomin thoái vốn từng là Phó tổng giám đốc SVIC, kiêm Giám đốc Công ty Bảo hiểm Việt Bắc. Ông Phú cũng từng là người đại diện phần vốn của Vinacomin tại SVIC. Hiện tại, ông Phú đang giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Long. Do đó, có thể hiểu phần nào mối lo ngại của ông Phú về lợi ích của mình tại BSH, khi vốn còn đó mà lại dứt áo ra đi.     

Chế tài nào nếu tỷ lệ sở hữu trên vượt mức 20%?

Theo một luật sư, Thông tư 125 quy định: “Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày thông tư này có hiệu lực (1/10/2012), các DN bảo hiểm phải điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ theo quy định”, nên nếu hiện tại BSH có vượt quá tỷ lệ 20%, thì vẫn kịp điều chỉnh sao cho trước thời điểm 1/10/2015.

Tin bài liên quan