BSH là trong số DN đang tạm thời giao quyền điều hành DN cho Phó tổng giám đốc

BSH là trong số DN đang tạm thời giao quyền điều hành DN cho Phó tổng giám đốc

“CEO tạm” phải qua “cửa” Bộ Tài chính

(ĐTCK) Khuyết CEO, không ít DN bảo hiểm đang tạm thời giao quyền điều hành DN cho một cá nhân. Việc phân công/bổ nhiệm những “CEO tạm” này tới đây sẽ chịu sự điều chỉnh của những quy định rất chặt chẽ, khi Thông tư sửa đổi Thông tư 124/2012/TT-BTC được ban hành.

Bổ nhiệm “CEO tạm” sẽ phải thông qua Bộ Tài chính

Nếu như ở khối bảo hiểm nhân thọ, các DN thường nhanh chóng bổ nhiệm người mới thay thế ngay sau khi cựu CEO từ nhiệm, thì ở khối bảo hiểm phi nhân thọ, vị trí cấp cao trên vẫn còn khuyết tại một vài DN trong một thời gian dài, thậm chí tới hàng năm trời. Nhưng có một thực trạng chung ở cả ba khối bảo hiểm (phi nhân thọ, nhân thọ, môi giới bảo hiểm), theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, đó là tình trạng bổ nhiệm lãnh đạo sai quy định, diễn ra khá phổ biến.

Với khối bảo hiểm phi nhân thọ, theo tổng hợp của ĐTCK thì MIC, BSH, Bảo hiểm Bảo Việt là những DN đang khuyết CEO và tạm thời giao quyền điều hành DN cho Phó tổng giám đốc phụ trách.

Nếu như pháp luật hiện hành bỏ trống quy định về “CEO tạm” thì trong dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 124/2012/TT-BTC đã có những quy định rất cụ thể đối với người điều hành DN bảo hiểm tạm thời này. Theo đó, nếu DN bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài muốn thay đổi tổng giám đốc, nhưng chưa tìm được người thay thế và dự kiến giao quyền điều hành DN tạm thời cho một cá nhân thì cá nhân đó phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự tiêu chuẩn của chức danh tổng giám đốc của DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Vị trí này cũng phải được sự chấp thuận của Bộ Tài chính. Trong đó, hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, tạm thời giao quyền điều hành DN cho một cá nhân cũng được thực hiện các bước giống như thay đổi tổng giám đốc. Việc chấp thuận hay từ chối vị trí “CEO tạm” này cũng được thực hiện giống như đối với CEO. Theo đó, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có văn bản trả lời. Trong trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính phải nêu rõ lý do. Nếu quá thời hạn trên, Bộ Tài chính không có văn bản trả lời, việc đề nghị tạm thời giao quyền điều hành DN cho một cá nhân của DN bảo hiểm đương nhiên được chấp thuận.

Tiêu chuẩn “CEO tạm” tương đương CEO

Theo ghi nhận của ĐTCK từ thành viên Tổ soạn thảo thì quy định mới về “CEO tạm” nhằm tránh cho DN gặp nhiều xáo trộn nếu bổ nhiệm/phân công “CEO tạm” không đủ năng lực, từ đó, tạo điều kiện cho DN hoạt động ổn định, khi tiêu chuẩn của người CEO tạm cũng tương đương với một CEO thông thường. Theo đó, CEO tạm cũng phải có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, trong đó có tối thiểu 3 năm giữ chức vụ tổng giám đốc chi nhánh nước ngoài hoặc giữ chức vụ từ trưởng phòng, trưởng ban nghiệp vụ tại trụ sở chính hoặc giám đốc chi nhánh của DN bảo hiểm trở lên. Còn theo quy định hiện hành, CEO tạm - phó tổng giám đốc phụ trách - chỉ cần tối thiểu 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng hoặc lĩnh vực chuyên môn dự kiến đảm nhiệm.

Ngoài ra, cũng nhằm chấn chỉnh việc bổ nhiệm các vị trí chủ chốt khác tại DN bảo hiểm, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 124/2012/TT-BTC cũng bổ sung một số quy định liên quan đến bổ nhiệm chuyên gia tính toán, hay bổ sung quy định chức danh quản trị, điều hành, quản lý của DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không được thực hiện kiêm nhiệm các chức danh quản trị, điều hành, quản lý khác tại DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài đó. 

Theo Thông tư 124/2012/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 123/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, người được bổ nhiệm vào vị trí tổng giám đốc (giám đốc) hoặc người đại diện trước pháp luật (cũng áp dụng đối với CEO tạm) phải đáp ứng điều kiện:

Tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, Điều 13, Nghị định số 45/2007/NĐ-CP và các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 23 Thông tư này;

-Có bằng đại học hoặc trên đại học;

-Có bằng cấp hoặc chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp trong và ngoài nước cấp;

-Có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, trong đó có tối thiểu 3 năm giữ chức vụ tổng giám đốc (giám đốc) chi nhánh nước ngoài hoặc giữ chức vụ từ trưởng phòng, trưởng ban nghiệp vụ tại trụ sở chính hoặc giám đốc chi nhánh của DN bảo hiểm trở lên.

Tin bài liên quan