Đặt ra điều kiện về chỉ tiêu tài chính cũng là cách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DNBH

Đặt ra điều kiện về chỉ tiêu tài chính cũng là cách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DNBH

Cần nâng yêu cầu tài chính cho nhà bảo hiểm

(ĐTCK) Trước thực tế từng có DNBH phi nhân thọ yếu về năng lực tài chính, buộc phải tái cơ cấu, trong khi cũng tiềm ẩn mối quan ngại về việc DNBH lâm vào tình cảnh kiểm soát đặc biệt nếu khả năng thanh toán thấp hoặc lỗ, làm vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định, các chuyên gia trong ngành cho rằng, đã đến lúc phải nâng chỉ tiêu tài chính cho DNBH.

Khoảng cách lớn về năng lực

Theo ghi nhận của ĐTCK, mặc dù cùng hoạt động trên thị trường, nhưng khối bảo hiểm phi nhân thọ hiện có khoảng cách khá lớn về tiềm lực tài chính cũng như năng lực kinh doanh, thể hiện qua các con số về vốn điều lệ, doanh thu phí bảo hiểm, bồi thường, vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, dự phòng nghiệp vụ, đầu tư tài chính.

Tính đến ngày 31/12/2014, trong tổng số vốn điều lệ gần 17.000 tỷ đồng từ 29 DNBH, DN có vốn điều lệ cao nhất, đạt 2.100 tỷ đồng (Bảo hiểm PVI), nhưng cũng có DN chỉ khiêm tốn ở mức 300 tỷ đồng (bằng đúng mức vốn theo quy định tại thời điểm thành lập) dù đã trải qua nhiều năm hoạt động.

Về doanh thu phí bảo hiểm, trong tổng số hơn 27.305 tỷ đồng doanh thu phí đạt được của toàn thị trường phi nhân thọ (từ 29 DNBH), có DN đạt cao ngất với 5.806 tỷ đồng (Bảo hiểm PVI), nhưng có DN chỉ vỏn vẹn 28,9 tỷ đồng (Bảo hiểm Phú Hưng).

“Nên tách riêng quy định về vốn pháp định tối thiểu khi thành lập DNBH với quy định về vốn pháp định khi DNBH đang hoạt động nhằm đảm bảo đủ biên khả năng thanh toán” - AVI.

8 tháng đầu năm 2015, số liệu từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng cho thấy, mặc dù có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trên 50% so với cùng kỳ năm 2014 như Bảo hiểm Phú Hưng (đạt 33 tỷ đồng, tăng 89,05%), Bảo hiểm Hùng Vương (đạt 98 tỷ đồng, tăng 65,80%), nhưng vẫn còn một khoảng cách khá lớn so với DN đứng nhất nhì thị trường là Bảo hiểm PVI (ước đạt 4.612 tỷ đồng), Bảo hiểm Bảo Việt (ước đạt 3.661 tỷ đồng).

Đó là chưa kể có một số DNBH phi nhân thọ vì cạnh tranh gay gắt hoặc tăng trưởng nóng nên không kiểm soát nổi rủi ro, dẫn đến thua lỗ 2 năm liên tiếp, khiến một số nghiệp vụ buộc phải làm theo sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, thậm chí, cũng có không ít DNBH bị hụt hơi trong cạnh tranh nên phải khôi phục, cơ cấu lại. 

Quy định vốn pháp định cả khi đang hoạt động

Bởi thế, góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 45/2007/NĐ-CP, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), quy định mức tối thiểu về vốn pháp định (khi thành lập DNBH) chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ phải là bổ sung quy định về vốn pháp định ngay cả khi DNBH đang hoạt động.

“Nên tách riêng quy định về vốn pháp định tối thiểu (khi thành lập DNBH) với quy định về vốn pháp định khi DNBH đang hoạt động nhằm đảm bảo đủ biên khả năng thanh toán”, AVI đề xuất.

Chia sẻ với ĐTCK, ông Phùng Đắc Lộc cho biết, theo kế hoạch đến ngày 5/12 mới hết hạn xin ý kiến DNBH nên cũng không rõ quan điểm đồng thuận với đề xuất trên đến đâu. Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng, quy định vốn pháp định cả khi đang hoạt động là xu thế tất yếu, khá phổ biến tại các thị trường tiên tiến.

Vì sao có đề xuất trên, theo ông Lộc, đó là do điều kiện về cấp phép thành lập DN chỉ bao gồm những cơ sở ban đầu để các cơ quan/tổ chức căn cứ vào đó để xem DN có đủ điều kiện để thành lập hay không. Còn trong quá trình tồn tại và hoạt động, cần có sự thay đổi về vốn pháp định (theo rủi ro nhận bảo hiểm hoặc biên khả năng thanh toán).

Không phải đến nay, việc kiểm soát DNBH thông qua công tác xây dựng khung vốn trên cơ sở rủi ro mới được đặt ra. Trước đó, tại buổi tọa đàm “Khung vốn trên cơ sở rủi ro”, sau phần chia sẻ bài học kinh nghiệm của các nước trong khu vực về tác động của vốn trên cơ sở rủi ro tới ngành bảo hiểm từ ông Sumit Narayanan (Chuyên gia Dịch vụ tính toán đến từ Ernst & Young Singapore), Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, sẽ nghiên cứu khả năng ứng dụng đối với quản lý, giám sát DNBH Việt Nam. Tại đây, các chuyên gia cũng cho rằng, một DNBH vốn chỉ 300 tỷ đồng không thể mãi “ôm” quá nhiều rủi ro từ phía khách hàng, và nếu mãi như thế sẽ rủi ro cho chính mình và cho cả khách hàng.

Ngoài đề xuất trên, AVI cũng cho rằng, cần bổ sung một số điều kiện khác như quy định hệ thống cơ sở dữ liệu phải được trang bị đầy đủ và vận hành tốt đáp ứng nhu cầu quản trị điều hành, quản trị rủi ro trong khai thác, đánh giá rủi ro, giám định tổn thất, giải quyết bồi thường, trích lập dự phòng, tính biên khả năng thanh toán và lập các báo cáo theo quy định của Bộ Tài chính...

Tin bài liên quan