Sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đang có sự  cạnh tranh gay gắt giữa hai khối DN bảo hiểm

Sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa hai khối DN bảo hiểm

Bảo hiểm sức khỏe: nhân thọ than “thiệt”

(ĐTCK) Tại Hội nghị ngành bảo hiểm năm 2014 vừa qua, lần đầu tiên 2 khối bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ thảo luận nhiều hơn về chung một chủ đề, đó là sản phẩm bảo hiểm sức khỏe. Đây là sản phẩm duy nhất mà cả 2 khối cùng tham gia phân phối và cạnh tranh lẫn nhau không kém gì nội khối.

Phi nhân thọ lấn lướt

Năm 2013, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, với sự song hành thiết kế, phân phối bởi cả 2 khối bảo hiểm có đóng góp đáng kể vào doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành.

Với khối bảo hiểm phi nhân thọ, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), bảo hiểm sức khỏe - tai nạn con người đứng vị trí thứ ba về doanh thu phí, sau bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản và thiệt hại, với 5.067 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 26%, cao nhất trong số các nghiệp vụ chính. Chưa có thông tin chính thức về Top DN dẫn đầu về bảo hiểm sức khỏe - tai nạn con người năm 2013, nhưng theo một số chuyên gia, nhiều khả năng vẫn thuộc về các tên tuổi lớn như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo hiểm PVI, PTI và ABIC. Năm 2012, 5 DN này chiếm gần 80% thị phần của nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe - tai nạn con người.

Sản phẩm bảo hiểm sức khỏe do các DN bảo hiểm phi nhân thọ thiết kế, ngoài mang tính cạnh tranh nội khối (giữa các DN phi nhân thọ với nhau) hiện còn được xem là đối thủ đáng gờm với các DN ngoại khối (các DN bảo hiểm nhân thọ). Tính cạnh tranh thể hiện rõ nét ở sản phẩm bảo hiểm tử kỳ, tai nạn cá nhân.

Ở khối DN bảo hiểm nhân thọ, năm 2013, bảo hiểm tử kỳ là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng hợp đồng bảo hiểm khai thác mới (ước khoảng 32,8% so với năm 2012). Đồng thời, bảo hiểm tử kỳ có doanh thu khai thác mới tăng trưởng cao nhất, tăng 230%. Những DN bảo hiểm sử dụng kênh phân phối bưu điện và ngân hàng như Prevoir, VCLI, Vietinbank Aviva có số lượng hợp đồng bảo hiểm tử kỳ khai thác mới chiếm đa số.

Không ít sản phẩm sức khỏe do khối DN bảo hiểm phi nhân thọ thiết kế có quyền lợi về chăm sóc y tế, thương tật, tử vong cao, đặc biệt hấp dẫn khách hàng có thu nhập cao.

Ngay trong nội bộ Bảo Việt thì các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của Bảo hiểm Bảo Việt (DN bảo hiểm phi nhân thọ) cũng được thị trường đánh giá cao hơn so với sản phẩm tương tự của Bảo Việt Nhân thọ (DN bảo hiểm nhân thọ).

Tuy nhiên, để thu hút khách hàng, một số DN đã “quá tay” tối đa hóa quyền lợi cho khách hàng, trong khi hiện tượng trục lợi bảo hiểm có dấu hiệu tăng và quản lý điều hành nghiệp vụ chưa chặt chẽ, nên đã bị lỗ nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Đây cũng là lý do khiến năm 2014, nghiệp vụ này rơi vào diện bị cơ quan quản lý chấn chỉnh. Cụ thể, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) sẽ rà soát, đánh giá hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, trên cơ sở đó, yêu cầu các DN bảo hiểm điều chỉnh và phê chuẩn lại bảo hiểm sức khỏe phù hợp, tránh tình trạng lỗ nghiệp vụ.

Nhân thọ than “thiệt”

Trước sự cạnh tranh từ khối bảo hiểm phi nhân thọ, các DN bảo hiểm nhân thọ cho rằng, cần hướng tới một sân chơi bình đẳng cho cả hai khối trong triển khai bảo hiểm sức khỏe. Bởi trên thực tế, những khác biệt trong quy định về triển khai bảo hiểm sức khỏe giữa hai khối gây bất lợi cho các DN bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể, cùng triển khai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, nhưng khối nhân thọ phải có đủ điều kiện về vốn và có sự phê duyệt sản phẩm bảo hiểm của cơ quan quản lý. Trong khi đó, đối với khối phi nhân thọ, để thiết kế một sản phẩm bảo hiểm sức khỏe mới, hầu hết DN khối này đều cải tiến sản phẩm sẵn có trên thị trường, không phải đăng ký với Bộ Tài chính.

Những khó khăn trong cạnh tranh với các DN bảo hiểm phi nhân thọ trong sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tai nạn cá nhân, đặc biệt là cạnh tranh hạ phí bảo hiểm trong các hoạt động chào bán gói bảo hiểm sức khỏe cho khách hàng DN được ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch AVI chỉ ra như một trong những tồn tại của thị trường bảo hiểm nhân thọ và cần có giải pháp khắc phục.

“Bảo hiểm sức khỏe phi nhân thọ đang là nhu cầu của xã hội, với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm, nhưng việc DN bảo hiểm cải tiến sản phẩm sẵn có trên thị trường để thiết kế sản phẩm bảo hiểm sức khỏe mới cho thấy sự khó khăn trong thiết kế sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của khối này. Đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn mẫu nội dung chính cần đề cập trong quy tắc điều khoản biểu phí để được Bộ Tài chính phê duyệt. Từ đó, các DN bảo hiểm có căn cứ thiết kế, phát triển sản phẩm bảo hiểm sức khỏe”, ông Tuyến nói.

Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, các DN bảo hiểm cần tận dụng nhiều hơn các lợi thế, đặc trưng của mình trong thiết kế, phát triển sản phẩm, phù hợp với mạng lưới phân phối; phát huy tiềm năng, nâng cao hiệu quả hoạt động; xây dựng kế hoạch kinh doanh; tránh cạnh tranh không lành mạnh.   

Tin bài liên quan