Các doanh nghiệp top đầu về bảo hiểm tài sản - kỹ thuật gồm có PVI, Bảo Việt, Bảo Minh, PTI...

Các doanh nghiệp top đầu về bảo hiểm tài sản - kỹ thuật gồm có PVI, Bảo Việt, Bảo Minh, PTI...

Bảo hiểm sôi động nhờ bất động sản

(ĐTCK) Nhiều phân khúc bảo hiểm sau một thời gian èo uột đã bắt đầu sôi động nhờ sự “ấm” lên của thị trường bất động sản, tạo cơ hội cho các sản phẩm bảo hiểm xây dựng, tài sản - kỹ thuật, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc phát triển.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường chế tài xử phạt nếu không thực hiện đầy đủ các quy định về loại hình bảo hiểm bắt buộc khiến phân khúc bảo hiểm này sôi động hơn.

Những dòng sản phẩm khác của nghiệp vụ bảo hiểm tài sản - kỹ thuật cũng đón nhận nhiều tác động tích cực. Bảo hiểm tài sản, gián đoạn kinh doanh đang lấy lại tốc độ tăng trưởng ổn định do ý thức mua bảo hiểm của các doanh nghiệp sản xuất tăng lên rõ rệt.

Trước đây, chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài hoặc các doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng có tỷ lệ rủi ro cao như vải sợi, bông, xăng dầu… mới quan tâm và mua loại sản phẩm bảo hiểm này. Tuy nhiên, những tổn thất ngày càng nhiều do thiên tai đã khiến cho các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn vai trò quan trọng của bảo hiểm trong việc hạn chế các tổn thất cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cũng có dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nghề bác sĩ. Theo Nghị định số 102/NĐ-CP ngày 14/11/2011 của Chính phủ, đến hết 31/12/2015, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh hoạt động theo hình thức là bệnh viện bao gồm: bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền… bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề bác sĩ.

Số liệu sơ bộ của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, 7 tháng đầu năm 2015, doanh thu bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại là nghiệp vụ đứng thứ ba về doanh thu, đạt 3.361 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,9% tổng doanh thu. Dù doanh thu và tăng trưởng của nghiệp vụ này chưa tương xứng so với tiềm năng của thị trường, nhưng đây là sự khởi sắc đáng mừng sau một một thời gian dài khá “ế ẩm” do các doanh nghiệp không mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhất là trong năm 2013.

Trên thị trường bảo hiểm hiện nay, các doanh nghiệp nghiệp đang dẫn đầu về bảo hiểm tài sản - kỹ thuật gồm có PVI, Bảo Việt, Bảo Minh, PTI… Được biết, PTI dự kiến sẽ tham gia nhiều hơn vào sân chơi này và tiếp tục đầu tư phát triển các dịch vụ gia tăng cho nghiệp vụ bảo hiểm tài sản - kỹ thuật. Mới đây, PTI chính thức trở thành đơn vị bảo hiểm cho Khu du lịch phức hợp Vinpearl Luxury Resort tại Đà Nẵng, với mức tiền trách nhiệm lên tới 1.178 tỷ đồng.

Theo hợp đồng, PTI sẽ bảo hiểm trách nhiệm công cộng cho khu Vinpearl Luxury Resort Đà Nẵng, bao gồm bồi thường cho những thiệt hại về thương tật thân thể hay tài sản của các bên thứ ba; bảo hiểm mọi rủi ro tài sản và gián đoạn kinh doanh cho Vinpearl Luxury Resort, bao gồm cả bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; bảo hiểm gián đoạn kinh doanh bao gồm cả bảo hiểm cho lợi nhuận gộp và chi phí hoạt động gia tăng gây ra bởi thiệt hại hoặc tổn thất đối với tài sản bảo hiểm…

Dù phân khúc bảo hiểm tài sản - kỹ thuật đang khởi sắc trở lại, các công ty bảo hiểm ký kết được nhiều hợp đồng hơn, nhưng để các doanh nghiệp thực sự hiểu hết tầm quan trọng của các nghiệp vụ bảo hiểm này thì các bên cần phải hiểu nhau nhiều hơn nữa.

Tại cuộc hội thảo về giải pháp quản lý rủi ro hiệu quả vừa tổ chức tại TP. HCM, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn cho biết, trong một số trường hợp, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và công ty bảo hiểm chưa đạt được hiệu quả do cung cấp thiếu thông tin, dẫn đến việc đánh giá rủi ro của nhà bảo hiểm gặp khó khăn.

Đại diện công ty bảo hiểm này cho rằng, đối với các nghiệp vụ bảo hiểm thường có tổn thất lớn, bản chào phí thấp nhất chưa chắc đã tốt nhất, mà điều quan trọng là khả năng chi trả giải quyết bồi thường và kinh nghiệm, uy tín của nhà bảo hiểm.

Tin bài liên quan