Một số DN có tỷ lệ bồi thường trên 50%, nhưng chủ yếu rơi vào nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới

Một số DN có tỷ lệ bồi thường trên 50%, nhưng chủ yếu rơi vào nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới

Bảo hiểm phi nhân thọ, những tín hiệu vui

(ĐTCK) Dù con số tăng trưởng doanh thu còn khá khiêm tốn, nếu so với mức tăng trưởng doanh thu của khối phi nhân thọ (hơn 19%), nhưng tỷ lệ bồi thường được đưa về gần chuẩn là một tín hiệu vui của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong 6 tháng đầu năm 2014.

Theo ước tính sơ bộ của cơ quan chức năng, trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu phí bảo hiểm của khối phi nhân thọ ước đạt 12.906 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm 2013; bồi thường ước đạt 4.599 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ bồi thường gần 36% (chưa tính đến dự phòng bồi thường).

Dựa trên số liệu chung của các cơ quan chức năng, một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước tính, bảo hiểm xe cơ giới vẫn dẫn đầu, với ước doanh thu 3.390 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái; số tiền bồi thường 1.383 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ bồi thường 40% (chưa tính đến dự phòng bồi thường). Tiếp đến là bảo hiểm tài sản thiệt hại ước đạt 2.714 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, số tiền bồi thường 1.114 tỷ đồng, tăng 156% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ bồi thường 41% (chưa tính đến dự phòng bồi thường). Bảo hiểm sức khỏe ước đạt 2.093 tỷ đồng, tăng trưởng 1%, số tiền bồi thường 897 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ bồi thường 42% (chưa tính đến dự phòng bồi thường).

Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển ước đạt 1.126 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, số tiền bồi thường 184 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ bồi thường 16% (chưa tính đến dự phòng bồi thường). Bảo hiểm cháy nổ ước đạt 816 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, số tiền bồi thường 277 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 33% (chưa tính đến dự phòng bồi thường). Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu ước đạt 917 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, số tiền giải quyết bồi thường 239 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ bồi thường 26% (chưa tính đến dự phòng bồi thường).

Các nghiệp vụ bảo hiểm khác gồm bảo hiểm trách nhiệm ước đạt 288 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, bồi thường ước 30 tỷ đồng, tăng 91%; bảo hiểm hàng không ước đạt 225 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, bồi thường ước 18 tỷ đồng, giảm 70%; bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính ước đạt 43 tỷ đồng, tăng trưởng 19%, bồi thường ước 40 triệu đồng, giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoái; bảo hiểm thiệt hại kinh doanh ước đạt 54 tỷ đồng, tăng trưởng 1% so với cùng kỳ, bồi thường ước 10 tỷ đồng, tăng trưởng 254%; bảo hiểm nông nghiệp ước đạt 12 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ năm ngoái, bồi thường 45 tỷ đồng, giảm 85%.

Tỷ lệ bồi thường của từng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ 6 tháng đầu năm cũng có xu hướng giảm, chỉ còn 3/29 doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động trên thị trường có tỷ lệ bồi thường trên 100%. Tỷ lệ bồi thường dưới 35% chiếm vị trí chủ đạo, một vài doanh nghiệp vẫn còn tỷ lệ bồi thường trên 50%, nhưng rơi vào nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới là chính (đối với bảo hiểm xe cơ giới, tỷ lệ bồi thường dưới 58% là mức có thể chấp nhận được).

Doanh thu phí bảo hiểm gốc của các doanh nghiệp trong Top 5 doanh nghiệp có thị phần dẫn đầu thị trường có sự tăng trưởng không đồng đều. Mức tăng trưởng cao nhất là 16% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng thấp nhất là 0,4%, có hai doanh nghiệp trong nhóm này có mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. 24 công ty còn lại chiếm thị phần 35% thị trường có mức tăng trưởng bình quân gần 18%. Thứ bậc của các doanh nghiệp trong Top 5 không có sự thay đổi nhiều, ngoại trừ doanh nghiệp đứng thứ 2 đang tạm vươn lên dẫn đầu. Tuy nhiên, sự thay đổi này chưa nói lên điều gì, bởi thị phần khối phi nhân thọ luôn có sự thay đổi vào phút chót. Đặc biệt là vào thời điểm những quý, tháng cuối năm, khi tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm đều tập trung tung quân “chạy đua nước rút”. Đối với một số doanh nghiệp, thời điểm tăng tốc thường bắt đầu từ tháng 9, tức là quý III của năm, trong khi đó cũng có doanh nghiệp doanh thu hai quý đầu năm khá hoành tráng, nhưng có thể đuối dần vào những tháng tiếp theo. Chính vì vậy, doanh thu và thị phần những tháng đầu năm không mang tính quyết định. Thị phần cả năm của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sẽ được quyết định bởi “thời điểm vàng”, những tháng chạy đua doanh thu cuối năm.

Tin bài liên quan