Bảo hiểm hàng hải vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bảo hiểm hàng hải vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bảo hiểm phi nhân thọ gần cán đích kinh doanh bảo hiểm

(ĐTCK) Các sản phẩm bảo hiểm mới giúp cho bảo hiểm phi nhân thọ bù đắp phần khó khăn từ bảo hiểm hàng hải, tài sản kỹ thuật và cháy nổ.

Theo ghi nhận từ các công ty bảo hiểm ở thời điểm cuối tháng 11/2019, nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện do tình hình khủng hoảng của ngành vận tải biển, dẫn đến giá trị tàu/số tiền bảo hiểm thân tàu giảm mạnh.

Số liệu cập nhật đến tháng 9/2019 thì ngành bảo hiểm có truyền thống nhất Việt Nam này mới tăng trưởng hơn 5%, trong khi các nghiệp vụ khác tăng từ 12-16%. Hai nghiệp vụ quan trọng khác là bảo hiểm tài sản kỹ thuật và bảo hiểm cháy nổ cũng không tăng trưởng như kỳ vọng của lãnh đạo các doanh nghiệp.

Dù vậy, vẫn có những điểm sáng giúp tổng doanh thu của ngành phi nhân thọ vượt lên.

Tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), doanh nghiệp này đã chính thức cán mốc 5.000 tỷ đồng doanh thu, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất thị trường, đạt gần 40% so với cùng kỳ.

Tính đến cuối tháng 11, doanh thu từ các nghiệp vụ chính liên tục tăng mạnh, trong đó hai nghiệp vụ chính là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người chiếm đến 83% tổng doanh thu.

Cụ thể, bảo hiểm xe cơ giới đạt mức doanh thu 2.213 tỷ đồng, tăng trưởng 24,3% và bảo hiểm con người đạt mức doanh thu 1.918 tỷ đồng, tăng trưởng 61,9%.

Hai nghiệp vụ này vẫn đang giữ vững vị trí thứ 2 trên thị trường. Hai nghiệp vụ còn lại là bảo hiểm tài sản kỹ thuật và bảo hiểm hàng hải tuy không đạt được tốc độ tăng trưởng cao như bảo hiểm con người và xe cơ giới, nhưng cũng đạt mức doanh thu ấn tượng, lần lượt là 700 tỷ đồng và 186 tỷ đồng.

Một trong những lý do chính giúp PTI đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất thị trường là sự linh hoạt tận dụng các thế mạnh của từng kênh phân phối để đem lại sự thuận tiện nhất cho khách hàng không chỉ trong khâu bán hàng, mà còn trong khâu bổi thường.

Bên cạnh việc xây dựng các sản phẩm mới riêng biệt, phù hợp cho từng kênh bán và nhóm đối tượng khách hàng, PTI cũng ứng dụng thành công nhiều phần mềm công nghệ nhằm đơn giản hóa quy trình quản lý, đem lại sự thuận tiện cho khách hàng và đại lý.

Dự kiến cuối năm 2019, PTI sẽ đạt khoảng 5.500 tỷ đồng, hoàn thành 117% kế hoạch đầu năm.

Tại Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI), dù doanh thu phí bảo hiểm 9 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 3.090 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 138 tỷ đồng, giảm 16% do sự sụt giảm lợi nhuận của 2 quý liền trước.

Hãng bảo hiểm này cũng bị ảnh hưởng khá nhiều bởi nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải do tình hình khủng hoảng của ngành vận tải biển chưa có dấu hiệu cải thiện, dẫn đến giá trị tàu/số tiền bảo hiểm thân tàu giảm mạnh.

Nghiệp vụ hàng hải năm 2019 theo lãnh đạo BMI dự tính chỉ đạt 90% doanh thu so với cùng kỳ, chứ không hoàn thành kế hoạch năm.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, BMI đã hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu và 75% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

Ðược biết, năm 2019, BMI đặt mục tiêu duy trì vị trí trong Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu với mức doanh thu 4.577 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 185 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,18% và 14% so với thực hiện năm 2018...

Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ngày càng cạnh tranh gay gắt, đây là mục tiêu khá thách thức.

Ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc BMI cho biết, hai quý đầu năm doanh thu của doanh nghiệp không tăng trưởng vì có một số vướng mắc ở dịch vụ khách hàng lớn, tuy nhiên doanh thu quý III/2019 đã tăng trưởng tốt. 

“Hy vọng đến hết năm Bảo Minh sẽ đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra”, ông Thành nói. 

Một số hãng bảo hiểm khác chưa có số cập nhật đến tháng 11/2019, nhưng chỉ tính đến tháng 9/2019 có hãng đã về đích hoặc gần cán đích.

Ðơn cử, tại Bảo hiểm BIDV (BIC), tính đến thời điểm 31/10/2019, doanh thu phí bảo hiểm gốc của Công ty đã tăng trưởng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng 33,6% so với cùng kỳ 2018, hoàn thành trên 100% kế hoạch năm.

Thông tin từ Bảo hiểm PVI cho biết, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 7.059 tỷ đồng, hoàn thành 109,2% kế hoạch 9 tháng và 79,9% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 484 tỷ đồng, hoàn thành 145,4% kế hoạch 9 tháng và 85,1% kế hoạch cả năm.

Bảo hiểm phi nhân thọ gần cán đích kinh doanh bảo hiểm ảnh 1

Bảo hiểm xe cơ giới đang đóng góp doanh thu tốt cho các công ty bảo hiểm.

Nghiệp vụ lõi lên ngôi

Về cơ bản, dù thị trường chưa thực sự thuận lợi, nhưng hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm khối phi nhân thọ đã gần cán đích.

Ðối với các công ty bảo hiểm nhân thọ, phân tích sâu về doanh thu năm 2019 có thể thấy một đặc điểm chung là thu nhập tài chính không tốt do lãi suất giảm và thị trường tài chính chứng khoán không thuận lợi, nên các doanh nghiệp đều chủ động đẩy mạnh tăng trưởng nghiệp vụ.

Tại một công ty bảo hiểm nhân thọ đang có thị phần trong nhóm dẫn đầu thị trường, hoạt động đầu tư cũng không tốt hơn.

Ðại diện doanh nghiệp này cho biết, tổng số tiền đem đi đầu tư cho thị trường chứng khoán là hơn 300 tỷ đồng, trong khi nguyên số tiền phải trích lập dự phòng cho năm 2019 là khoảng 70 tỷ đồng.

Ðiều này đồng nghĩa với việc, tính đến thời điểm cuối năm, hoạt động đầu tư chứng khoán của doanh nghiệp ngày đã lỗ khoảng 23%. 

Ðược biết, số lỗ từ hoạt động đầu tư chứng khoán kéo toàn bộ lợi nhuận của hoạt động đầu tư chung. Theo kế hoạch đầu năm, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư là gần 300 tỷ đồng, tuy vậy, kết quả tính đến hết tháng 11 mới chỉ đạt khoảng 200 tỷ đồng.

Hoạt động đầu tư tiền gửi cũng không khả quan vì lãi suất tiền gửi từ đầu năm không thay đổi nhiều.

“Tỷ lệ đầu tư của chúng tôi 80% là qua kênh ngân hàng. Tính đến tháng 9/2019, lợi nhuận đầu tư chúng tôi đạt gần 200 tỷ đồng, chỉ tăng 3% so với cùng kỳ”, đại diện một công ty bảo hiểm cho biết.

Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán, ông Lê Văn Thành cho biết, nghiệp vụ đầu tư của BMI năm nay khá khó khăn vì thị trường chứng khoán trong xu hướng giảm, nên Công ty đã phải trích lập dự phòng rủi ro hơn 40 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2019. BMI đã phải  trích lập dự phòng rủi ro chứng khoán 80 tỷ đồng. Mặc dù tại Ðại hội đồng cổ đông 2019, Ban lãnh đạo BMI chia sẻ việc khó dự báo của thị trường tài chính và đã đưa ra phương án giảm đầu tư vào trái phiếu cũng như chứng khoán vì dự đoán thị trường không thuận lợi, nhưng vẫn phải trích lập dự phòng những mã cổ phiếu mua từ trước đó. 

“Việc đầu tư không thuận lợi nên năm nay BMI phải đẩy mạnh tăng trưởng nghiệp vụ bảo hiểm. Tính đến tháng 9/2019, Công ty lãi 60 tỷ đồng về kinh doanh bảo hiểm”, ông Thành thông tin.

Tin bài liên quan