Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải lựa chọn một phần mềm lõi có thể đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của mình

Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải lựa chọn một phần mềm lõi có thể đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của mình

Bảo hiểm phi nhân thọ chạy đua đầu tư công nghệ

(ĐTCK) Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của BIC, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Công ty cho biết, BIC dự chi 3 triệu USD để đầu tư phát triển hệ thống phần mềm lõi (core) mới.

“Khoản đầu tư này không phải là quá lớn nếu có thể đáp ứng được các mục tiêu về nâng cao năng lực cạnh tranh, quản trị điều hành của BIC”, ông An nói.

Thực tế, với các hãng bảo hiểm đã hoạt động trên 10 năm và có quy mô doanh thu gần 2.000 tỷ đồng như BIC thì việc đầu tư cho một hệ thống công nghệ hiện đại với chi phí vài triệu USD không phải là quá sức.

Bảo Việt, Liberty, PVI, PTI…, là các hãng đã đi trước BIC một bước trong lĩnh vực này và bắt đầu thu “quả ngọt”. Đơn cử, Bảo Việt hiện đang dẫn đầu thị trường về cả doanh thu và lợi nhuận, trong khi PTI đang chiếm vị trí số 2 về lợi nhuận…

Không như Liberty là doanh nghiệp hiểm toàn cầu, ngay từ khi gia nhập thị trường đã đưa vào sử dụng phần mềm bảo hiểm sẵn có để quản lý toàn bộ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, các doanh nghiệp trong nước sẽ cần phải nghiên cứu, khảo sát và đánh giá để lựa chọn được một phần mềm phù hợp nhất với mình, đặc biệt là việc đảm bảo tương thích với hoạt động kinh doanh hiện tại.

Điểm khó ở chỗ, đa số doanh nghiệp trong nước không có điều kiện để đầu tư ngay từ đầu như Liberty. Chẳng hạn, với sự hỗ trợ của Fairfax, BIC đang rốt ráo khảo sát hệ thống phần mềm của Fairfax tại một số nước để đánh giá và quyết định lựa chọn phần mềm của Fairfax hay một phần mềm khác phù hợp hơn.

Điều mà BIC, cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm khác phải cân nhắc là lựa chọn một phần mềm lõi có thể đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của mình, song song với những thay đổi cần thiết và hợp lý nhằm đáp ứng được các yêu cầu đặt ra khi áp dụng hệ thống mới.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Bảo Minh vừa qua cũng đã thông qua việc thực hiện các giải pháp phát triển và quản lý kinh doanh bán hàng online, giám định khai báo tai nạn trực tuyến và sử dụng hóa đơn điện tử.

Hãng bảo hiểm này cũng sẽ rà soát, xem xét triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chi phí công nghệ thông tin, từng bước nâng cao mức độ an toàn bảo mật cho các hệ thống công nghệ và nhận thức của người sử dụng công nghệ, nhằm hạn chế tối đa các rủi ro trong công tác khai thác, vận hành và sử dụng.

Thực tế, Bảo Minh cũng là hãng bảo hiểm phi nhân thọ triển khai các phần mềm khá sớm so với thị trường, nhưng để các ứng dụng kỹ thuật mới phát huy hết hiệu quả cũng cần tương thích với hệ thống công nghệ hiện tại, bởi việc hoàn thiện hệ thống công nghệ mới như Best, SAP, BM care, đẩy mạnh việc khai thác thông tin dữ liệu, hướng tới tự động hóa hệ thống báo cáo quản trị nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị kinh doanh, quản lý khách hàng…, là những nhiệm vụ trọng tâm được Bảo Minh đặt ra trong kế hoạch kinh doanh từng năm.

Một trong những doanh nghiệp bảo hiểm đang trên đà phát triển mạnh là PTI năm nay cũng quyết tâm cao trong việc đầu tư công nghệ hiện đại và đồng bộ hóa hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác bán hàng. PTI cho biết, Công ty sẽ tận dụng thế mạnh về công nghệ của đối tác chiến lược Dongbu (Hàn Quốc) để hoàn thiện chiến lược này.

Theo một số chuyên gia công nghệ thông tin trong ngành bảo hiểm, các phần mềm lõi bảo hiểm trên thế giới hiện nay rất tân tiến so với nhu cầu của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước.

Chẳng hạn, các phần mềm bảo hiểm hiện đại có thể hỗ trợ rất tốt các công cụ bán hàng qua mạng, hay công cụ bán hàng cho đại lý đã được áp dụng từ khá lâu tại một số thị trường phát triển như Mỹ, Anh, Pháp…, song lại chưa thể áp dụng được ở Việt Nam.

Hay các hệ thống core bảo hiểm hiện đại đều hướng tới việc số hóa và tự động hóa toàn bộ các quy trình, trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, hầu hết các sản phẩm bảo hiểm phải in ra bản cứng để gửi khách hàng…

Điều này làm giảm tính tiết kiệm và hiệu quả của hệ thống phần mềm nước ngoài…

Trình độ của nhân sự không đồng đều cũng là một vấn đề mà các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cần tính đến khi sử dụng phần mềm công nghệ hiện đại, mang tính tự động hóa rất cao. Tổng giám đốc BIC cho biết, dự kiến sẽ mất khoảng 2-3 năm để BIC đánh giá, lựa chọn và bắt đầu việc chuyển đổi sang phần mềm công nghệ hiện đại.

“Song song với việc khảo sát và đánh giá, BIC vẫn liên tục thực hiện nâng cấp phần mềm hiện có để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về kết xuất báo cáo, quản trị nội bộ…”, Tổng giám đốc BIC chia sẻ. 

Tin bài liên quan