Bảo hiểm online chưa đạt kỳ vọng tạo thay đổi

Bảo hiểm online chưa đạt kỳ vọng tạo thay đổi

(ĐTCK) Mùa dịch, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng cải thiện doanh thu từ kênh online, nhưng kết quả thực tế chưa như mong đợi.

Theo tìm hiểu của Báo Ðầu tư Chứng khoán, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ thậm chí còn chưa triển khai kênh này. “Tốt khoe, xấu che”, nên dễ hiểu khi hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm dù đã thử nghiệm bán online đều ngại chia sẻ doanh thu đạt được từ kênh này.

Lý giải về việc chưa thực sự quan tâm đến kênh bảo hiểm trực tuyến, lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhân thọ thuộc top đầu thị trường cho biết, đầu tư cho kênh này tốn kém, áp lực cạnh tranh lớn, trong khi hiệu quả không cao.

Ðó là chưa kể các sản phẩm nhân thọ thường bán dài hạn (trên 10 năm), mức độ phức tạp cao nên chủ yếu được bán qua các kênh trung gian, đại lý.

Ghi nhận từ Hanwha Life, hãng này đang hợp tác với một số đối tác như Thebank.vn, GoBear theo mô hình
“hybrid” - mô hình kết hợp giữa online và offline để tạo dữ liệu khách hàng có nhu cầu thực, sau đó chuyển giao cho các tư vấn tài chính chuyên nghiệp để tư vấn, giúp khách hàng hiểu sâu hơn về sản phẩm

Với khối bảo hiểm phi nhân thọ, việc đầu tư cho kênh online được tập trung hơn bởi tính chất sản phẩm không quá phức tạp, lại được bán theo năm (ngắn hạn), có thể cấp đơn ngay mà không đòi hỏi phải thẩm định kỹ…, song kết quả mang lại cũng không nhiều khả quan.

Theo Sàn thương mại điện tử về bảo hiểm bihama.com, doanh thu thực tế đến từ bảo hiểm trực tuyến của nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng doanh thu, chứ không đạt 10% như công bố..

Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Phạm Anh Ðức, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI cho biết, tỷ lệ doanh thu của mảng bảo hiểm trực tuyến hiện ở mức dưới 5% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm của Công ty.

Không tiết lộ con số chi tiết, song lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Minh cũng cho hay, doanh thu từ kênh này rất khiêm tốn và chưa đáp ứng kỳ vọng.

Ðể đẩy mạnh kênh bán bảo hiểm online, theo ông Lê Tuấn Anh, nhà sáng lập bihama.com, doanh nghiệp bảo hiểm cần phải đổi mới hình thức phân phối, nhất là trong bối cảnh cách mạng 4.0 bùng nổ như hiện nay.

“Một trong những giải pháp là doanh nghiệp bảo hiểm hợp tác với sàn giao dịch thương mại điện tử như đang diễn ra tại nhiều thị trường bảo hiểm phát triển.

Ngoài ý nghĩa có thêm một kênh bán hàng trực tuyến mới, doanh nghiệp còn có thể tận dụng sự chuyên nghiệp và hệ thống công nghệ hiện đại của đối tác để đẩy mạnh hoạt động bán hàng...", ông Tuấn Anh phân tích.

Ðồng quan điểm, đại diện Hanwha Life cho rằng, việc bán hàng trực tuyến sẽ hiệu quả hơn khi có sự phát triển đồng bộ về hệ thống, nền tảng công nghệ, sản phẩm...

Ghi nhận từ Manulife Việt Nam cho thấy, sau khi đưa sản phẩm lên trang thương mại điện tử Shopee trong quý I/2019, kênh này đón nhận phản hồi tích cực của nhóm khách hàng trẻ.

Hiện Công ty đang phát triển giai đoạn 2 như 100% quy trình là trực tuyến, hợp đồng điện tử có thể được cấp ngay trong vòng 24 giờ, nộp yêu cầu bồi thường chỉ trong vài phút…

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, về công nghệ bán online và quy trình quản lý hiện không khó để thực hiện. Khó nhất là thay đổi thói quen người mua với sản phẩm tài chính. Và để bảo hiểm online phát triển tốt như các nước tiên tiến, cần nhiều thời gian và nỗ lực.

Tin bài liên quan