Bảo hiểm nông nghiệp, vẫn còn nhiều khó khăn để mở rộng

Bảo hiểm nông nghiệp, vẫn còn nhiều khó khăn để mở rộng

(ĐTCK) Mở rộng bảo hiểm nông nghiệp vẫn là bài toàn khó với cơ quan quản lý, một giải pháp hiệu quả vẫn chưa tìm được công thức chung.

Đoàn công tác Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vừa có cuộc khảo sát thực tế tại Quảng Ninh, Bắc Giang và tọa đàm với một số sở, ngành nhằm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định về bảo hiểm nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo góp ý của đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh với đoàn công tác, để tránh  tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngân sách, để người dân có trách nhiệm kiểm soát rủi ro khi tham gia bảo hiểm, Nhà nước chỉ nên hỗ trợ một phần phí, không nên hỗ trợ phần lớn như trước đây.

Thay vì hỗ trợ chung trên diện rộng, sự hỗ trợ về phí đóng bảo hiểm nên ưu tiên cho các đối tượng hộ cận nghèo (70% thay vì 75% như dự thảo Nghị định), các hộ nghèo nên giữ ở mức hỗ trợ cao là 90%. Ngoài ra, xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ phí sang các chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã (hiện không trong danh sách hỗ trợ - PV).

Các đối tượng là nông hộ lớn, chủ trang trại…, về lý thuyết là có nguồn thu tốt, không nên hỗ trợ phí bảo hiểm. Nhưng thực tế cho thấy, đây lại là các cơ sở sản xuất nông nghiệp lớn, việc hỗ trợ một phần phí sẽ có tác dụng khuyến khích mua bảo hiểm, mở rộng diện tích được bảo hiểm.

Đại diện một chủ nhiệm hợp tác xã ở Bắc Giang cho biết, hợp tác xã của ông cũng muốn mua bảo hiểm nông nghiệp nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ phí, nên mong được hỗ trợ một phần phí.

Tương tự như vậy, một hộ sản xuất chuyên trồng na dai ở tỉnh này cho hay, do sản xuất loại cây hay bị sâu cuốn lá, rệp nên rất mong có chương trình bảo hiểm để có thể tham gia và đề nghị có sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của phía doanh nghiệp bảo hiểm trong tư vấn,  đánh giá rủi ro, bồi thường kịp thời, giúp người nông dân khắc phục khó khăn nếu không may xảy ra rủi ro.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở NN&PTNN Bắc Giang nêu thực tế, Bắc Giang là tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp không nhỏ nên rất cần được bảo hiểm nông nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, hướng tới tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Tùng cho rằng, để khuyến khích phát triển bảo hiểm nông nghiệp, Nhà nước cần hỗ trợ một phần phí cho hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đồng thời, ông Tùng nhất trí với đề xuất cần mở rộng đối tượng hỗ trợ phí là những chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã trong giai đoạn đầu tham gia bảo hiểm này.

Ngoài các vấn đề liên quan tới hỗ trợ của Nhà nước, một trong những khó khăn lớn nhất để thu hút các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển sản phẩm với lĩnh vực nông nghiệp là tập quán canh tác và chăn nuôi của nông dân.

Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt nêu ví dụ, việc quản lý rủi ro, xác định giá trị thiệt hại là 2 khâu khó khăn, nhất là với bảo hiểm thủy sản. Nguyên nhân là do thói quen mua con giống không có hóa đơn chứng từ, dẫn đến thiếu hồ sơ khi xem xét bồi thường thiệt hại.

Ngoài vấn đề hồ sơ chứng từ thì việc tuân thủ quy trình sản xuất của nhiều vùng, khu vực còn yếu. Khi xảy ra thiệt hại, rất khó xác định có phải là do rủi ro hay do chính việc không tuân thủ quy trình sản xuất hay không.

Phát triển bảo hiểm nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển sản xuất khu vực nông thôn. Tuy nhiên, sau nhiều năm thí điểm, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp trong nhiều lĩnh vực như cây lúa, cây công nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản… đạt được kết quả còn khiêm tốn.    

Giai đoạn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp 2011- 2013 theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, kết quả đạt được như sau: có 304.017 hộ nông dân và tổ chức sản xuất tham gia; tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường bảo hiểm là 712,9 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ người nông dân giảm thiểu rủi ro, ổn định sản xuất.

Tin bài liên quan