Ý thức về quản trị rủi ro tại nhiều doanh nghiệp còn chưa cao khiến các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt như bảo hiểm an ninh mạng chưa có nhiều "đất diễn".

Ý thức về quản trị rủi ro tại nhiều doanh nghiệp còn chưa cao khiến các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt như bảo hiểm an ninh mạng chưa có nhiều "đất diễn".

Bảo hiểm chuyên biệt: Tiềm năng, nhưng chưa hút khách

(ĐTCK) Được đánh giá là nhiều tiềm năng bởi những lợi ích mang lại, nhưng các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt như bảo hiểm rủi ro cho các khoản phải thu, bảo hiểm an ninh mạng... lại khá chật vật trong việc thu hút khách hàng.

Chia sẻ tại buổi họp hợp tác với Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp (UIC) đưa ra chương trình bảo hiểm rủi ro cho các khoản phải thu, cũng như các giải pháp tài chính hiệu quả cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, bà Võ Thị Phương Anh, Tổng giám đốc Coface Việt Nam nhìn nhận, hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức tốt hơn về rủi ro và quản trị rủi ro tín dụng.

Tuy nhiên, do quan ngại về chi phí phải trả, cũng như hạn chế về kiến thức chuyên môn nên các doanh nghiệp khá do dự khi tham gia chương trình quản lý rủi ro tín dụng.

Đại diện Coface Việt Nam cho biết, phí bảo hiểm cho loại hình bảo hiểm này được tính dựa trên nhiều yếu tố như ngành nghề, doanh thu được bảo hiểm, nhóm đối tượng khách hàng, thời hạn công nợ, loại công nợ phải thu…

Theo ước tính của doanh nghiệp, số hợp đồng và  doanh thu phí của sản phẩm này trên toàn thị trường tính đến hết năm 2017 là khoảng 100 hợp đồng, với doanh thu phí bảo hiểm khoảng 5 triệu EUR (tương đương khoảng 120 tỷ đồng).

Những doanh nghiệp mua bảo hiểm nhằm bảo vệ rủi ro cho các khoản phải thu chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp lớn - vốn là nhóm doanh nghiệp rất chú trọng công tác quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro tài chính….

Ông Sugii Jun, Phó tổng giám đốc cấp cao, nhóm giải pháp cho các doanh nghiệp toàn cầu Nhật Bản cho biết, với chương trình bảo hiểm này, Coface Việt Nam sẽ đánh giá rủi ro, thiết kế chương trình bảo hiểm phù hợp với các khoản phải thu, thanh toán bồi thường theo các điều kiện và điều khoản của hợp đồng bảo hiểm tương ứng với tư cách là nhà tái bảo hiểm.

Về phía UIC, nhà bảo hiểm này sẽ chịu trách nhiệm thương thảo với khách hàng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Coface Việt Nam; cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tín dụng tương ứng với các dịch vụ cung cấp bởi Coface Việt Nam và thanh toán bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm đã ký...

Trên thị trường, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được cấp phép bán bảo hiểm tín dụng là Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, Bảo Việt Tokyo Marine, QBE Việt Nam, Chartis Việt Nam và UIC.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá đây là một loại hình bảo hiểm giàu tiềm năng nên quyết tâm khai thác, dù biết doanh thu còn khiêm tốn và thời gian để các doanh nghiệp xuất khẩu hiểu hơn về ý nghĩa của sản phẩm không phải là “ngày một, ngày hai”.

Tương tự bảo hiểm rủi ro cho các khoản phải thu, sản phẩm bảo hiểm an ninh mạng đã phát triển từ lâu trên thị trường bảo hiểm thế giới nói chung và châu Á nói riêng.

Thời gian gần đây, nhất là sau sự cố vi rút WannaCry, nhu cầu về bảo hiểm an ninh mạng đã tăng vọt. Chẳng hạn, tại Nhật Bản, 3 quý đầu năm nay, doanh thu phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt này tại một số công ty bảo hiểm đã tăng 3-5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, mặc dù nhận thức được mối nguy hại đến từ lỗ hổng an ninh mạng đang tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có sự chuẩn bị để đối phó với rủi ro này. Một khảo sát của hãng bảo hiểm PwC gần đây cho thấy, có 44% doanh nghiệp không có chiến lược tổng thể về an toàn thông tin; 54% không có cơ chế đối phó với tấn công mạng…

Hiện tại, chỉ có một số công ty bảo hiểm nước ngoài như AIG, QBE, Chubb… đang triển khai bán sản phảm bảo hiểm an ninh mạng trên thị trường.

Dù được đánh giá tiềm năng, nhưng do tính đặc thù của sản phẩm, cũng như ý thức về quản trị rủi ro an ninh mạng tại nhiều doanh nghiệp còn chưa cao nên tỷ trọng doanh thu phí của bảo hiểm an ninh mạng trên tổng doanh thu còn rất khiêm tốn.

Theo số liệu của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam năm 2017, tổng doanh thu của các sản phẩm này chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng doanh thu của khối phi nhân thọ.

“Vì là sản phẩm đặc thù và mới được triển khai nên số đơn cấp ra còn rất nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi không quá e ngại về điều này, lý do là bởi tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia sản phẩm bảo hiểm này còn thấp nên thị trường còn rất tiềm năng”, đại diện một doanh nghiệp đang triển khai sản phẩm bảo hiểm an ninh mạng chia sẻ.

Tin bài liên quan