6 công ty bảo hiểm đã ra mắt sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện, sản phẩm hứa hẹn mang lại sự đột phá về doanh thu cho những năm tới

6 công ty bảo hiểm đã ra mắt sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện, sản phẩm hứa hẹn mang lại sự đột phá về doanh thu cho những năm tới

Bảo hiểm chờ những thay đổi toàn diện

(ĐTCK) Ngành bảo hiểm đã có một năm 2015 rất thành công, với mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm đầy ấn tượng. Thị trường đang chờ đợi một cuộc “lột xác” toàn diện của khối doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2016, khi lộ trình tái cấu trúc ngành vào giai đoạn cuối và xu hướng M&A trong ngành được đẩy mạnh.

Khối nhân thọ tăng trưởng ấn tượng

Theo thống kê  sơ bộ của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 36.600 tỷ đồng, tăng trưởng 29% với gần 6 triệu hợp đồng bảo hiểm chính và 6 triệu hợp đồng bổ trợ (tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua). Mức tăng trưởng mạnh này vẫn chủ yếu đến từ 2 nghiệp vụ chính: nghiệp vụ truyền thống bảo hiễm hỗn hợp và bảo hiểm liên kết đầu tư cũng như nhóm bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ và tai nạn.

Nhìn nhận về tốc độ tăng trưởng vượt dự đoán của ngành trong năm nay,  đại diện một số công ty bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khối cho rằng, nhờ thuận lợi từ khách quan và nỗ lực chủ quan của các doanh nghiệp.

Bảo hiểm chờ những thay đổi toàn diện ảnh 1

Sản phẩm “Bảo gia An thịnh” của Generali hứa hẹn là sự lựa chọn hàng đầu cho những người thành đạt 

Đại diện Công ty Bảo hiểm Generali Việt Nam phân tích, nền kinh tế vĩ mô đang phục hồi tích cực với tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2015 ước đạt 6,5%, trong khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp là tiền đề hết sức quan trọng để thị trường bảo hiểm có được cơ hội phát triển mạnh trong năm nay.

Ngoài ra, nhận thức của người dân về vai trò của bảo hiểm nhân thọ ngày càng thay đổi, theo xu hướng chủ động tìm đến sản phẩm bảo hiểm cũng là yếu tố khách quan quan trọng giúp khối này có được tốc độ tăng trưởng tốt.

“Lâu nay, gần 100% số hợp đồng là do chúng tôi chủ động tìm kiếm và tư vấn cho khách hàng. Nhưng, thời gian gần đây, việc tương tác với khách hàng có chút thay đổi, khá nhiều khách hàng đã chủ động gọi cho công ty cũng như đại lý/tư vấn bảo hiểm để tìm hiểu sản phẩm và ký hợp đồng”, Giám đốc bán khu vực phía Nam của một công ty bảo hiểm nhân thọ khác chia sẻ.

Theo các chuyên gia, việc người dân ngày càng chủ động tìm đến các sản phẩm bảo hiểm là một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành này trong tương lai.

Tất nhiên, để có được con số tăng trưởng trên cũng phải kể đến rất nhiều nỗ lực của các công ty bảo hiểm trong việc đổi mới phong cách phục vụ khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm mới đáp ứng từng nhu cầu nhỏ nhất và thiết thực nhất của khách hàng. 

Phi nhân thọ tự tin tăng trưởng hai  con số

Bảo hiểm phi nhân thọ cũng có một năm kinh doanh khá thành công với doanh thu ước đạt 31.500 tỷ đồng, tăng trưởng 15% (bảo hiểm phi nhân thọ đã phục hồi lại tốc độ tăng trưởng như trước năm 2010 khi bắt đầu có khủng hoảng kinh tế).

Đây cũng là năm các doanh nghiệp khối này bắt đầu ngăn chặn tình trạng nợ đọng, dây dưa phí bảo hiểm và nhờ đó kết quả kinh doanh tăng lên rõ rệt. Những nghiệp vụ đóng góp vào tổng doanh thu của khối này vẫn là bảo hiểm xe cơ giới,  bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại…

Không quá khó khi bảo hiểm xe cơ giới vẫn giữ được “phong độ” là nghiệp vụ mang lại tỷ trọng doanh thu lớn nhất. Trong năm 2015, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh khai thác mảng nghiệp vụ này, đặc biệt qua kênh trực tuyến. Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng rất tích cực trong việc đàm phán tìm đối tác là hãng xe để bán hàng.

“Việc hợp tác chặt chẽ hơn giữa bảo hiểm và nhà sản xuất ô tô, từ tặng bảo hiểm cho khách hàng mua xe đến chọn công ty bảo hiểm vào danh sách nhà bảo hiểm được khuyến nghị đến phát triển sản phẩm bảo hiểm mang tên nhà sản xuất… là những ứng dụng thú vị về “Complementors” (sản phẩm bổ trợ) trong mô hình phân tích kinh doanh của Slater & Olson”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ.

Bảo hiểm chờ những thay đổi toàn diện ảnh 3

Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến đạt mức tăng trưởng 18% năm 2016 

Thực tế, không chỉ đem lại doanh thu cho bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm trực tuyến cũng đang phát triển tốt ở những dòng sản phẩm khác như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm du lịch… Trong phân khúc bảo hiểm trực tuyến, hiện PTI đang nổi lên với doanh thu phí bảo hiểm thông qua kênh này lớn nhất thị trường.

PTI cũng là doanh nghiệp tiên phong trong việc thúc đẩy bảo hiểm trực tuyến với một chuỗi các hoạt động được triển khai trong năm 2015 như: triển khai thành công phiên bản mobile với đầy đủ tính năng thanh toán cho khách hàng, triển khai 6 chương trình ưu đãi, chăm sóc khách hàng, trong đó, chương trình Giờ vàng Bảo hiểm là chương trình khách hàng đón nhận nhiều nhất… BIC hay Liberty cũng là những doanh nghiệp đang phát triển mảng bảo hiểm trực tuyến rất tốt.

Cùng với việc tự tìm những lối đi cho riêng mình, khối bảo hiểm phi nhân thọ trong năm qua cũng được nhìn nhận là phát triển khá ổn định, vì Bộ Tài chính đã xiết chặt quy định về việc đăng ký sản phẩm và tính phí đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Quy định này không chỉ giúp thị trường ổn định, giảm áp lực cạnh tranh không lành mạnh, mà cũng khiến các doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ cảm thấy “dễ thở” hơn.

Tuy nhiên, dù có những tiến bộ, nhưng vấn đề muôn thủa của thị trường này là cạnh tranh theo kiểu bán phá giá dưới nhiều hình thức vẫn chưa chấm dứt. Doanh thu cao, nhưng chi phí bán hàng cũng nhiều nên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp giảm sút. Thêm vào đó, vấn đề trục lợi ở mảng bảo hiểm tài sản, xe cơ giới và sức khỏe ngày càng khiến các doanh nghiệp đau đầu hơn khi quy mô trục lợi ngày càng lớn và mức độ ngày càng tinh vi. 

Tiếp tục tái cơ cấu

Thực tế, dù doanh thu toàn ngành đang tăng trưởng tốt, nhưng tốc độ tăng trưởng lại không đồng đều giữa các doanh nghiệp trong ngành. Không chỉ ở những doanh nghiệp đang tái cơ cấu nên lợi nhuận chưa nhiều, mà cả doanh nghiệp đang chiếm giữ thị phần lớn cũng có lợi nhuận không tương xứng.

Chính vì thế, tái cơ cấu để không tụt hậu về mọi mặt so với những doanh nghiệp bảo hiểm khác đang là yêu cầu được đặt ra với một số doanh nghiệp bảo hiểm thuộc nhóm trên.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ cũng đang chờ một “hơi thở mới” khi các doanh nghiệp có thị phần còn nhỏ như Bảo hiểm AAA hay VASS hoàn tất quá trình tái cơ cấu. Được biết, trong thời gian tới, BIC sẽ hoàn thành giao dịch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà bảo hiểm toàn cầu đến từ Canada, FairFax và đây sẽ là bước ngoặt quan trọng mở ra một thời kỳ mới với nhiều vận hội dành cho BIC…

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, năm 2016, bảo hiểm nhân thọ vẫn có thể tiếp diễn được đà tăng trưởng như năm 2015.

Trao đổi với ĐTCK về tương lai của khối phi nhân thọ trong năm 2016, một chuyên gia trong ngành cho rằng, xu hướng của 2016 là Bộ Tài chính vẫn sẽ tăng cường quản lý hoạt động phát triển sản phẩm và định phí của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ nhằm ổn định thị trường.

Bên cạnh đó, việc tham gia của các đối tác ngoại trong các doanh nghiệp cổ phần kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp này quan tâm nhiều hơn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, thay vì chạy theo những chỉ tiêu mang nhiều tính hình thức như thị phần, vị trí cạnh tranh hay tỷ lệ tăng trưởng. Ngoài ra, thị trường vẫn hồi hộp với câu hỏi lớn là các doanh nghiệp hàng đầu như PVI, Bảo Việt, Bảo Minh sẽ chuyển mình như thế nào, đặc biệt là khi SCIC thoái vốn.

Đối với khối nhân thọ, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, năm 2016, bảo hiểm nhân thọ vẫn có thể tiếp diễn được đà tăng trưởng như năm 2015.

“Với sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế và sự sẵn sàng của thị trường cũng như các doanh nghiệp, chúng tôi tin rằng, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới”, đại diện Generali Việt Nam nhìn nhận.

Thực tế, cùng với những nguyên nhân khách quan như đã phân tích ở trên, năm 2016, các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ vẫn tiếp tục đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới, tăng cường đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đại lý, đầu tư tổ chức các hội nghị khách hàng và bản thân đại lý cũng rất năng động và không ngừng sáng tạo trong cách tiếp cận, thuyết phục và phục vụ khách hàng. Đối với các mô hình bán hàng, dù đã được đầu tư mạnh mẽ, nhưng bancassurance được nhìn nhận chưa thể tạo ra doanh thu lớn trong năm 2016.

“Năm 2016, có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều cặp đôi đối tác chiến lược ngân hàng - bảo hiểm, nhưng để  bancassurance phát triển ở tầm cao mới thì vẫn cần thêm thời gian, ít nhất cũng là để các đối tác chiến lược có thời gian thích ứng với nhau”, một chuyên gia trong ngành đánh giá.

Vị này cũng cho rằng, năm 2016 có thể sẽ là năm của M&A, với việc cơ cấu lại cổ đông của các công ty bảo hiểm như  PVI Sunlife, Phú Hưng Life, Great Eastern… Nhân sự cấp cao của khối bảo hiểm nhân thọ năm 2016 sẽ có sự đổi thay, có thể là những nhân vật không xa lạ gì với thị trường này.

Tin bài liên quan