Cầu thủ là một nghề rất đặc thù và tai nạn nghề nghiệp nếu xảy ra thường có di chứng nặng nề

Cầu thủ là một nghề rất đặc thù và tai nạn nghề nghiệp nếu xảy ra thường có di chứng nặng nề

Bảo hiểm cầu thủ, "phát súng" khơi thông những phân khúc bảo hiểm đặc thù

(ĐTCK) Một sự kiện có thể mang tính lịch sử đối với bóng đá Việt Nam và có thể khá lạ đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ là việc CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đang đàm phán với một công ty bảo hiểm lớn nhất nhì khối phi nhân thọ để mua bảo hiểm thân thể không chỉ cho cầu thủ mà còn cho đội ngũ trọng tài, giám sát ở giải bóng đá chuyên nghiệp ở mùa 2016.

Đến thời điểm hiện tại, thương vụ bảo hiểm “khủng” này vẫn đang được các bên liên quan tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, nếu hợp đồng được ký kết sẽ là tiền lệ tốt để các công ty bảo hiểm tiếp tục khơi thông mảng bảo hiểm màu mỡ này.

Trước thời điểm thương vụ đang được đàm phán này thì vấn đề bảo hiểm thân thể cho cầu thủ vẫn chưa được quan tâm đúng mức, các câu lạc bộ hay đội bóng chỉ mua bảo hiểm y tế để hỗ trợ ốm đau thông thường. Tuy nhiên, cầu thủ là một nghề rất đặc thù và mức độ tai nạn nghề nghiệp (liên quan đến thân thể) nếu có xảy ra sẽ có di chứng khá nặng nề, nên chỉ bảo hiểm y tế không là chưa đủ.

Việc VPF nổ phát súng đầu tiên phá tan tảng băng ở phân khúc này có thể giúp các công ty bảo hiểm khác có thêm động lực khai phá tiếp. Không chỉ là việc xây dựng và chào bán các gói bảo hiểm thân thể cho cầu thủ các đội bóng, mà còn là những gói bảo hiểm thân thể cho những ngành nghề đặc thù như ca sỹ, diễn viên….

Tất nhiên, đây là những phân khúc không hề “dễ xơi” và không phải công ty bảo hiểm nào cũng đủ khả năng và kinh nghiệm để nhận bảo hiểm trong lĩnh vực này. Ngay cả thương vụ mua bảo hiểm thân thể cho cầu thủ mùa giải 2016 đã đề cập ở trên, đến thời điểm này vẫn đang phải đàm phán.

Cùng với việc phát triển phân khúc bảo hiểm thân thể cho những người làm công việc đặc thù, hiện một số công ty bảo hiểm cũng đang đẩy mạnh và phát triển phân khúc sản phẩm bảo hiểm nghề nghiệp.

Đại diện một công ty bảo hiểm cho biết, có một số nghề thường mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là luật sư, các cơ sở khám chữa bệnh, kiến trúc sư - tư vấn công trình, kiểm toán, bảo vệ…., trong đó bảo hiểm nghề kiến trúc sư và tư vấn công trình có tỷ trọng doanh thu cao nhất, do sản phẩm này thường được bán cùng sản phẩm bảo hiểm công trình.

Theo quy định của pháp luật, có một số ngành bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm, chẳng hạn như từ thời điểm 1/1/2016 tới, các cơ sở khám chữa bệnh bắt buộc cũng phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các cán bộ y tế…. Các doanh nghiệp bảo hiểm từng hy vọng đây là một cơ hội tốt để họ mở rộng thị phần. Nhưng thực tế, sản phẩm này không hề dễ bán, không chỉ người dân mà doanh nghiệp và bản thân những người làm ngành nghề cần phải mua bảo hiểm cũng không mấy quan tâm.

Được biết, đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, Bảo hiểm Liberty đang triển khai bảo hiểm cho luật sư, PTI bán khá tốt bảo hiểm bảo hiểm tư vấn xây dựng, hay AIG đang rất nỗ lực với phân khúc bảo hiểm trách nhiệm giám đốc…

Việc VPF nổ phát súng đầu tiên phá tan tảng băng ở phân khúc bảo hiểm thân thể cầu thủ có thể giúp các công ty bảo hiểm khác có thêm động lực khai phá tiếp.  

Dù thời gian gần đây, sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm giám đốc (bảo hiểm D&O) đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán, thường xuyên phải đối mặt với những rủi ro về pháp lý. Nhưng thực tế, việc đẩy mạnh doanh thu của nghiệp vụ này không dễ. Các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang hết sức nỗ lực với những phân khúc còn khá mới mẻ này ở thị trường Việt Nam.

Được biết, cũng trong nỗ lực khơi thông thị trường ở những phân khúc bảo hiểm mới, thời gian tới sẽ có  công ty bảo hiểm phi nhân thọ “lấn sân” vào lĩnh vực bảo hiểm bệnh hiểm nghèo. Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ chưa có nhiều sản phẩm bảo hiểm đặc thù như vậy và đây có thể là công ty bảo hiểm phi nhân thọ đầu tiên trên thị trường đưa ra sản phẩm này.

Sản phẩm mang đến một số quyền lợi cơ bản cho khách hàng, chẳng hạn như trường hợp người được bảo hiểm mắc phải bệnh hiểm nghèo trong thời hạn bảo hiểm, doanh nghiệp sẽ chi trả toàn bộ số tiền bảo hiểm được nêu trong hợp đồng…

Thực tế, hiện nay trên thị trường cũng có sản phẩm bảo hiểm tương tự về bệnh hiểm nghèo, nhưng thường là dưới hình thức là sản phẩm bổ trợ của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, cũng có công ty bảo hiểm nhân thọ thiết kế bảo hiểm bệnh hiểm nghèo là sản phẩm chính.

Sản phẩm đang được kỳ vọng là có nhiều tiềm năng do xu hướng bệnh các bệnh hiểm nghèo đang ngày càng tăng nhanh, khi người dân ngày càng lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình do tình trạng thực phẩm “bẩn” đang tràn lan.

Tin bài liên quan