Mở rộng khách hàng là một trong những thách thức mà kênh bancassurance đang phải đối diện.

Mở rộng khách hàng là một trong những thách thức mà kênh bancassurance đang phải đối diện.

Bancassurance dự báo sẽ gặp khó trong năm nay

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm thuộc Top đầu thị trường cho rằng, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) khả năng sẽ gặp khó khăn trong năm 2020, sau khi bùng nổ trong năm 2019.

Vị này đưa ra 2 lý do để minh chứng cho nhận định của mình: Thứ nhất, nguồn khách hàng sẽ dần cạn kiện sau khi đã được khai thác triệt để từ những năm trước, đến năm 2020 có thể họ sẽ tiếp tục tái tục với số phí bảo hiểm cũ, nên tổng doanh thu phí bảo hiểm thu về không thay đổi;

Thứ hai, đã có những phản ứng từ đơn vị phân phối do bị “thúc” doanh số trong suốt thời gian qua, nên năm 2020 có thể bị kiểm soát chặt chẽ hơn, gây ảnh hưởng đến nguồn thu từ kênh này.

Thực tế, vào những ngày cuối năm 2019 (3/12), Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh Long An đã gửi giám đốc các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đề nghị báo cáo rõ ngân hàng hiện đang giới thiệu những loại bảo hiểm nào?

Có hay không việc ép khách hàng mua bảo hiểm khi làm thủ tục vay vốn?...

Chưa kể, theo ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, việc một khách hàng mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khiến sự mức độ cạnh tranh tăng cao, dẫn đến ngân hàng và công ty bảo hiểm phải tăng chi cho dịch vụ, phí ưu đãi… để có thể giữ chân khách hàng cũ, cũng như có thêm khách hàng mới.

Ông Chu Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Best Life - doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức đại lý bảo hiểm tổ chức cũng tỏ ra lo ngại, năm 2020 có thể có nhiều hợp đồng bị hủy (sau khi đã mua bảo hiểm năm đầu vào năm 2019 thuộc diện “bị ép mua” để vay được tiền, nên 2020 không muốn tái tục - PV).

Việc thiếu hụt nguồn thu tái tục có thể ảnh hưởng đến doanh thu từ kênh bancassurance trong năm nay.

Sự lo ngại trên cũng là mối quan tâm chung của nhiều thành viên thị trường đối với các hợp đồng ảo, không  được mua theo nhu cầu thực của khách hàng - đã từng là vấn nạn của kênh đại lý truyền thống trong nhiều năm qua, gây méo mó thị trường.

Và thực tế, từng có thời điểm nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đã phải dồn sức xử lý lượng hợp đồng ảo quá lớn của mình, dẫn đến sụt giảm doanh thu.

Một thách thức khác được một số công ty bảo hiểm nhân thọ chỉ ra, đó là bancassurance vẫn chưa đạt kỳ vọng xét dưới góc độ niềm tin khách hàng, cho dù đạt tăng trưởng doanh thu cao.

Theo kỳ vọng của các công ty bảo hiểm, một trong những lý do chi mạnh cho ngân hàng là muốn thông qua các nhân viên ngân hàng - là những người có kiến thức về tài chính, được đào tạo bài bản… để nâng cao ý thức của người gửi tiền về bảo hiểm, từ đó chắp thêm niềm tin của người dân đối với bảo hiểm, nhưng thực tế chưa đạt kỳ vọng.

Tất nhiên, bên cạnh những ý kiến lo ngại, vẫn có nhiều nhận định lạc quan đối với kênh bancassurance.

Ông Lê Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TC Advisors (TCA) - một doanh nghiệp đại lý bảo hiểm tổ chức khác thì nhận định, bancassurance sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.

Theo chia sẻ của ông Hải, từ cách đây 2 năm, TCA đã khẳng định đối thủ cạnh tranh chính không phải hệ thống đại lý truyền thống, mà là bancassurance.

“Dù sao thì tôi vẫn thấy ngân hàng làm việc chuyên nghiệp. Ở mảng nhân thọ, hệ thống đại lý truyền thống toàn ngành chỉ tăng 5%.

Một loạt công ty giảm doanh số kênh đại lý như Dai-ichi Life, Prudential..., thậm chí có doanh nghiệp thuộc Top 5 tuyên bố sẽ bỏ hẳn kênh tổng đại lý. Năm 2019, thị trường tăng chủ yếu ở kênh bancassurance và năm 2020 xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì”, ông Hải nhấn mạnh.

Tin bài liên quan