Bảo hiểm xe cơ giới đón cơ hội phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau những tháng đầu năm sụt giảm doanh thu do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, những thông tin mới từ chính sách và thị trường mang lại kỳ vọng phục hồi cho mảng bảo hiểm xe cơ giới của các doanh nghiệp bảo hiểm từ quý III/2020. 
Dự báo tiêu thụ xe trong 2 quý cuối năm sẽ cao hơn so với 2 quý đầu năm, giúp nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới hồi phục trở lại.

Dự báo tiêu thụ xe trong 2 quý cuối năm sẽ cao hơn so với 2 quý đầu năm, giúp nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới hồi phục trở lại.

Số liệu bán hàng tháng 5/2020 vừa được Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) công bố cho thấy, tổng doanh số bán hàng gồm xe các loại tăng 62% so với tháng 4. Theo các doanh nghiệp xe hơi, đây là kết quả sau quá trình giảm giá xe 50-200 triệu đồng/chiếc thời gian qua.

Thị trường xe hơi được nhìn nhận sẽ nhộn nhịp hơn khi Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 70/2020 quy định mức thu lệ phí trước bạ mới dành cho xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước sẽ giảm 50% so với mức cũ tại Nghị định 20/2019 có hiệu lực từ ngày 28/6 đến hết năm 2020.

Các doanh nghiệp phân phối xe ước tính, quy định mới sẽ giúp doanh số bán xe trong nước tăng lên và dự báo tiêu thụ xe trong 2 quý cuối năm sẽ cao hơn so với 2 quý đầu năm.

Thị trường mua bán xe nhộp nhịp trở lại sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm “dễ thở” hơn bởi trước đó, hoạt động kinh doanh vận tải giảm mạnh do tác động của dịch bệnh khiến mảng bảo hiểm xe cơ giới chững lại, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Bảo hiểm BIDV (BIC), việc doanh số bán xe sụt giảm mạnh ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu khai thác mới của sản phẩm xe cơ giới, đặc biệt trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh ưu tiên mở rộng thị phần với chính sách giảm phí mạnh và chi phí khai thác cao…

Theo thống kê của VAMA, doanh số bán xe ô tô 4 tháng đầu năm 2020 giảm 36% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó riêng tháng 4 giảm 39% so với tháng 3 và giảm 44% so với tháng cùng kỳ 2019.

Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đánh giá, năm 2020, nghiệp vụ xe cơ giới sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, doanh thu ước sụt giảm khoảng 15-20% so với năm 2019 do khan hiếm lượng xe bán ra và người tiêu dùng hạn chế các khoản chi tiêu lớn.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 mới đây, lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Minh (MBI) cũng chia sẻ tình hình khó khăn trong khai thác nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới khi nhiều đơn vị kinh doanh vận tải do không có khách nên không tái tục, xin hủy hợp đồng, xin gia hạn thanh toán phí, nợ phí bảo hiêm…

“Ngoại trừ các trường hợp vay vốn qua ngân hàng, nhìn chung xe cơ giới chủ yếu mua bảo hiêm trách nhiệm dân sự, mà ít tham gia bảo hiểm vật chất khiến doanh thu nghiệp vụ này giảm mạnh”, lãnh đạo BMI thông tin.

Hiện nay, trong cơ cấu sản phẩm của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tập trung chủ yếu vào 3 nhóm chính là xe cơ giới, tài sản và con người.

Đây cũng là động lực tăng trưởng chính của thị trường bảo hiểm nói chung, đặc biệt bảo hiểm xe cơ giới luôn chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất, nên sự sụt giảm doanh thu từ nghiệp vụ này sẽ tác động mạnh đến sự tăng trưởng phí của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Tuy nhiên, sau cơn “bĩ cực”, các doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội mới. Theo đó, ngoài việc doanh thu bán xe hơi có dấu hiệu tăng trưởng trở lại thì thông tin bên lề một cuộc tọa đàm tìm giải pháp về xuất khẩu nông sản mới được tổ chức tại TP.HCM cho biết, theo yêu cầu của Trung Quốc, từ ngày 1/7/2020, tất cả các phương tiện vận tải của Việt Nam nhập cảnh vào Trung Quốc phải mua bảo hiểm phương tiện với giá 86 nhân dân tệ (khoảng 300.000 đồng)/xe/7 ngày. Chính sách này áp dụng tại tất cả các cửa khẩu và trước mắt triển khai ở cửa khẩu Pò Chài (Bằng Tường, Trung Quốc).

Trong khi đó, Việt Nam cũng đang xem xét áp dụng một chính sách tương tự, tức xe hàng Trung Quốc vào Việt Nam cũng phải mua bảo hiểm phương tiện.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, quy định mới mang đến cơ hội tăng doanh thu cho nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, song còn phụ thuộc vào số lượng xe từ Trung Quốc sang Việt Nam thì mới biết tăng nhiều hay ít. Theo vị này, các công ty bảo hiểm đã sẵn sàng các sản phẩm, quan trọng là quy định trên bao giờ được triển khai và cần làm rõ đây là bảo hiểm trách nhiệm dân sự hay vật chất.

“Theo tôi, cơ hội tăng doanh thu bảo hiểm cơ giới từ kênh này là có, nhưng sẽ không nhiều, quan trọng hơn cả vẫn là từ thị trường xe trong nước”, vị đại diện trên nhìn nhận.

Tin bài liên quan