Bảo hiểm xe cơ giới, có còn đất dụng võ?

Bảo hiểm xe cơ giới, có còn đất dụng võ?

(ĐTCK) Dù tỷ lệ bồi thường cao nhưng các DN bảo hiểm phi nhân thọ vẫn bị hấp dẫn bởi tiềm năng của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới.

Chính vì thế, xu hướng chung năm 2013 là các DN vẫn sẽ tiếp tục khai thác nhưng sẽ chú trọng kiểm soát rủi ro, chọn lọc khách hàng tốt hơn, chứ không theo hướng mở rộng “ồ ạt” bằng mọi giá như trước đây.

Trên thực tế, đẩy mạnh doanh số bán lẻ, đặc biệt là mảng bảo hiểm xe cơ giới chính là chiến lược đã được xác định từ cuối năm 2012 của nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ. Có thương hiệu gắn liền với sự phát triển của nghiệp vụ bảo hiểm này nên bảo hiểm xe cơ giới luôn là sản phẩm chủ lực của Liberty . Đại diện công ty này cho biết, năm 2013 vẫn sẽ tập trung phát triển mảng bảo hiểm xe cơ giới trong khi mở rộng khai thác một số sản phẩm khác, trong đó có bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm DN. Tháng 5 vừa qua, Liberty cũng đã trình làng sản phẩm mới là “Bảo hiểm đâm va”. Sản phẩm này sẽ giúp Liberty khai thác tốt hơn từ mảng xe hơi cũ (đã sử dụng từ 4 năm trở lên). Sản phẩm mới sẽ đáp ứng các nhu cầu bảo hiểm đối với những rủi ro thông dụng nhất. Chi phí thấp hơn nhiều so với mua bảo hiểm AutoCare (25% đến 45%)…

Bảo hiểm xe cơ giới, có còn đất dụng võ? ảnh 1

Bảo hiểm Pjico đang nỗ lực đa dạng hóa kênh bán bảo hiểm xe cơ giới

Trong khi đó, các DN bảo hiểm khác như Bảo Việt, cùng với việc xây dựng quy tắc bảo hiểm ô tô và cháy nổ xe máy mới, xây dựng các chương trình thi đua kinh doanh, cũng đang đẩy mạnh khai thác sản phẩm này tại TP. HCM. Song song với việc hạn chế dịch vụ không hiệu quả như xe đông lạnh, xe khách đường dài, taxi…, Bảo hiểm Bảo Minh đang chú trọng vào công tác phục hồi và mở rộng kênh phân phối trực tiếp tại các quận, huyện, đại lý và cộng tác viên tại các công ty thành viên. Đặc biệt, công ty này tập trung mở rộng các công ty thành viên tại các địa bàn trọng tâm như TP. HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương để đẩy mạnh bán sản phẩm xe… Bảo hiểm Pjico cũng xem xét điều chỉnh cơ chế phù hợp với từng vùng miền; hướng mạnh vào dòng xe có hiệu quả, có số lượng lớn. Ngoài ra, DN này còn phát triển đại lý xây dựng các điểm bán bảo hiểm tai nạn dân sự ô tô tại các cây xăng, điểm đăng kiểm, đăng ký xe…

Đại diện một DN bảo hiểm phi nhân thọ trong nước thừa nhận, thị trường bán lẻ bảo hiểm xe cơ giới vẫn là sản phẩm chủ chốt của các DN, bởi nghiệp vụ này không những dư địa rất lớn mà còn mang lại doanh thu cao, dễ khai thác và có tác dụng hỗ trợ quảng bá thương hiệu. 

Tại thị trường Việt Nam , phần đông người sở hữu xe ô tô mua bảo hiểm vật chất xe để đề phòng trường hợp xe bị hư hỏng do tai nạn hay mất cắp. Trong khi đó, rất ít người mua thêm bảo hiểm tai nạn cho những người ngồi trên xe. Đây có lẽ cũng là cơ hội cho các DN bảo hiểm tiếp tục “cày xới” tại phân khúc này. Bảo hiểm xe máy (thuộc bảo hiểm xe cơ giới) còn đang là “miếng bánh” hấp dẫn đối với các DN bảo hiểm, bởi rủi ro thấp và tâm lý cần phải có để “chìa ra” khi cảnh sát giao thông hỏi thăm. Nắm bắt được tâm lý này, các DN đã tung nhiều “chiêu” để phát triển sản phẩm như: triển khai thêm các sản phẩm liên quan bổ trợ cho bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc như bảo hiểm trách nhiệm dân sự tự nguyện, bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe với hạn mức trách nhiệm cao, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm vật chất (mất cắp, đâm va…). Đồng thời, mở rộng mạng lưới đại lý, cộng tác viên bán bảo hiểm cũng như các hình thức bán hàng để đẩy mạnh nghiệp vụ này…

Đối với những rủi ro của nghiệp vụ này như tỷ lệ bồi thường quá cao do trục lợi, Hiệp hội Bảo hiểm cũng đã cùng các DN triển khai cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và hợp tác xây dựng tiêu chuẩn chất lượng garage sửa chữa xe tổn thất cho bảo hiểm... để giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, xác định phát triển nghiệp vụ này là chiến lược dài hơi, nên nhiều DN đang khai thác nghiệp vụ này thời gian qua đã liên tục đưa ra những chính sách xiết chặt rủi ro như đưa ra mức miễn thường hay tăng phí bảo hiểm…

“Nếu muốn đi đường dài thì việc giảm phí hay tăng hoa hồng cho bảo hiểm xe cơ giới trong thời điểm này đều không phải là một động thái tích cực, bởi tỷ lệ tổn thất của sản phẩm này đang quá cao, phí thì quá thấp và một vấn đề đang làm đau đầu các công ty bảo hiểm có triển khai nghiệp vụ này là hiện tượng trục lợi của khách hàng và garage còn rất phổ biến”, đại diện một DN bảo hiểm chia sẻ.