Để toàn dân hiểu đúng về bảo hiểm xã hội

Để toàn dân hiểu đúng về bảo hiểm xã hội

(ĐTCK) Người dân tham gia hệ thống an sinh xã hội không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm đối với xã hội. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 29% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Một mình Bảo hiểm xã hội Việt Nam không thể chuyển biến được tình hình, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Hiểu đúng vấn đề

Tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội ban hành ngày 23/5/2018, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được mở rộng với “nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.

Thực tế, phần lớn người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt tập trung trong nhóm lao động phi chính thức. Chính vì vậy, theo nhận định của giới chuyên gia, đây là cơ hội cho người lao động phi chính thức tham gia BHXH, nhưng cũng là thách thức với ngành bảo hiểm.

Điểm mấu chốt ở đây là phải giúp người dân hiểu rõ về vai trò, sự cần thiết của việc tham gia BHXH và nhận thức rõ về đối tượng tham gia như thế nào, từ đó phát huy tính chủ động, tự giác của người dân trong vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam chia sẻ, đây là điểm khó nhất vì nhóm này không phải khu vực chính thức quản lý nên nắm bắt được rất khó. Vì vậy, cần sự liên kết, kết nối giữa các tổ chức, cơ quan, chính sách khác để động viên người dân tham gia.

“Chính sách đóng bảo hiểm từ trước đến nay rất ổn định, nhưng bây giờ thu nhập của họ không ổn định thì tạo điều kiện cho họ đóng theo kiểu không ổn định. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chúng tôi sẽ tham mưu để hoàn thiện chính sách tạo ra tầng đế thật vững, đế vững thì phải rất rộng, nhưng mức đóng có thể thấp cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước”, bà Minh nói.

“Sau này, chúng tôi sẽ phấn đấu ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ với điện thoại thông minh, người dân có thể tham gia BHXH, đọc các chính sách BHXH. Với những người dân không có điện thoại thông minh, chúng tôi có những đại lý tiếp cận thông tin về quyền lợi người dân hưởng như thế nào. Nếu đồng bộ toàn diện những giải pháp như thế thì chắc chắn các mục tiêu có thể đạt được”, bà Minh cho biết.

Tính đến năm 2017, cả nước có 13,9 triệu lao động tham gia BHXH, trong đó 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc (tăng hơn 10 triệu người so những năm 1995 - 1996), 300.000 người tham gia BHXH tự nguyện và 11,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, “trong tư tưởng của những người tham gia BHXH tự nguyện, chi phí quản lý bảo hiểm của chúng ta là ăn trong tiền đóng BHXH”. Đó là nhận thức sai vì toàn bộ tiền đóng BHXH của người dân được tập trung thống nhất quản lý và tiền đó được đầu tư tăng trưởng. BHXH chỉ được trích một tỷ lệ rất nhỏ để chi phí quản lý bộ máy.

“Chúng ta phải làm chuyển biến nhận thức của người dân về tính ưu trong chính sách của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội. Ví dụ, tuyên truyền cho người dân tự nhận thức thấy hưởng BHXH một lần là không nên. Người dân tham gia hệ thống an sinh xã hội thể hiện không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm đối với xã hội. Một mình BHXH không thể chuyển biến được tình hình, việc này phải cả hệ thống chính trị vào cuộc”, ông Lợi nhấn mạnh. 

Sẽ hành động đúng

Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thực hiện chính sách BHXH và sửa đổi luật nhiều lần, nhưng hiện mới đạt 29% lực lượng lao động tham gia hệ thống BHXH.

Việc thực hiện chính sách đảm bảo lương hưu, thực hiện các chính sách rất tốt, nhưng tại sao xu hướng người dân tham gia BHXH không nhanh?

Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã mở ra thời kỳ mới cho mọi người được tham gia vào hệ thống BHXH, đáp ứng yêu cầu Hiến pháp năm 2013 (Điều 34 có nêu: Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội) và đưa ra một mô hình mới của BHXH, từ đơn tầng sang đa tầng. Đây chính là sự linh hoạt, kết nối giữa các loại hình BHXH.

Nghị quyết số 28-NQ/TW yêu cầu cải cách chính sách BHXH kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội.

Có thể nói, Nghị quyết số 28-NQ/TW là cơ hội để Việt Nam thực hiện tốt chính sách cho người dân và đảm bảo lợi ích cho người dân, quyền lợi của người dân sẽ tăng lên rất nhiều.

Bà Nguyễn Thị Minh cho rằng, phát triển BHXH không phải công việc của riêng ngành BHXH mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Chính vì vậy, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW thể hiện sự quan tâm sâu sắc toàn diện. Trong nội hàm của Nghị quyết có nêu rõ công việc của tất cả các ngành, các cấp.

“Chúng tôi nhận thấy, công việc ngành BHXH đảm nhận rất lớn, nhất là việc phát triển đối tượng mà quan trọng nhất là phải làm cho mỗi người dân nhận thức đúng đắn về chính sách này và quyền lợi của người dân được bảo đảm nâng cao”, bà Minh nói.

Theo đại diện BHXH Việt Nam, với việc hoàn thiện chính sách và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp đẩy mạnh công tác thực hiện chính sách theo quy định của pháp luật BHXH, người dân đã hiểu đúng hơn về chính sách và có những hành đồng sát thực.

Chính vì vậy, trong những năm qua, số người tham gia BHXH tăng cao hơn so với mức tăng lực lượng lao động. Tính đến năm 2017, cả nước có 13,9 triệu lao động tham gia BHXH, trong đó 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc (tăng hơn 10 triệu người so những năm 1995 - 1996), 300.000 người tham gia BHXH tự nguyện và 11,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Qua việc mở rộng đối tượng tham gia, đến nay, mỗi năm có khoảng 150.000 người được hưởng BHXH hằng tháng; hơn 700.000 người hưởng BHXH một lần; hơn 9 triệu người được hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn khi ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; hơn 600.000 lao động thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp..., với tổng số chi hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Từ đó, góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động và gia đình họ khi người lao động hết tuổi lao động hay gặp rủi ro về sức khỏe, việc làm trong quá trình làm việc.      

Tin bài liên quan