Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chi trả cho 3.398 bệnh nhân với mức cao từ 200 đến 300 triệu đồng/người

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chi trả cho 3.398 bệnh nhân với mức cao từ 200 đến 300 triệu đồng/người

Bảo hiểm y tế chi trả hàng tỷ đồng, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh

(ĐTCK) Không ít trường hợp bệnh nhân đã được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả ở mức rất cao, lên tới hàng tỷ đồng, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn những dấu hiệu bất thường trong thanh toán BHYT, ảnh hưởng đến cân đối thu chi của quỹ BHYT.

Một bệnh nhân được chi trả 2,8 tỷ đồng

Theo ông Đàm Hiếu Trung, Phó giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía bắc, một bệnh nhân trú tại huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn mắc bệnh về máu đã được chi trả số tiền bảo hiểm y tế rất cao, tới 2,8 tỷ đồng.

Bệnh nhân này có mã thẻ BT, thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật với mức đóng BHYT thấp nhất. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến di truyền về máu và phải điều trị tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Tính đến ngày 30/6/2018, trải qua tám lần điều trị, quỹ BHYT đã chi trả 2,8 tỷ đồng cho bệnh nhân. Riêng thuốc đặc trị dùng cho bệnh nhân là 2,7 tỷ đồng và hoàn toàn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngoài trường hợp này, còn rất nhiều bệnh nhân khác được BHYT chi trả với mức cao. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chi trả cho 3.398 bệnh nhân với mức cao từ 200 đến 300 triệu đồng/người, trong đó có 1.301 bệnh nhân được chi trả vượt mức 300 triệu đồng.

Theo ông Đàm Hiếu Trung, người bệnh được thụ hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh là theo bệnh tật. Nhờ chính sách BHYT có tính bù trừ cho nhau, nên những bệnh nhân này mới có cơ hội được chi trả mức cao như vậy.

Một số dấu hiệu bất thường

Tuy nhiên, bên cạnh những bệnh nhân được Bảo hiểm xã hội chi trả cao nhằm đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh thì vẫn có những bất thường trong thanh toán khám, chữa bệnh BHYT. Ông Trung cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa tăng cao bất thường tại một số cơ sở khám chữa bệnh.

Đơn cử, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, có 371/375 trường hợp phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa (chiếm tỷ lệ 98,93%) trên tổng số các trường hợp viêm ruột thừa. Tại Bệnh viện đa khoa huyện Krông Pắc, tỉnh Đác Lắc, có 86/86 trường hợp (chiếm tỷ lệ 100%). Tại Trung tâm Y tế thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương có 62/62 trường hợp (chiếm tỷ lệ 100%). Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có 147/147 trường hợp (chiếm tỷ lệ 100%).

Qua kiểm tra hồ sơ bệnh án tại các cơ sở khám, chữa bệnh, phát hiện thấy có sai sót. Cụ thể, ở Bệnh viện đa khoa huyện Krông Pắc, 100% số bệnh án được kiểm tra không phải là viêm phúc mạc ruột thừa. Tại Trung tâm y tế Thuận An, có 60/62 trường hợp không phải viêm phúc mạc ruột thừa (chiếm tỷ lệ 96,77%). Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Lục Ngạn, có 18/75 trường hợp không phải viêm phúc mạc ruột thừa (chiếm tỷ lệ 24%). Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, có 18/383 trường hợp không phải viêm phúc mạc ruột thừa (chiếm tỷ lệ 4,69%).

Toàn bộ chi phí sai sót, cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương đã từ chối thanh toán.

Ngoài ra, chi phí tiền giường bệnh nội trú 6 tháng đầu năm 2018 ở một số tỉnh, thành phố tăng cao so với tỷ lệ chung toàn quốc. Tại tỉnh Hậu Giang, tỷ lệ tiền giường bệnh so với tổng chi nội trú là 46,9%, ở Đồng Tháp là 42%, Đắk Nông là 41,5%, Cao Bằng là 41,1%. Trong khi đó, tỷ lệ chung toàn quốc là 26,3%.

Tại 4 tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, Đắk Nông, Cao Bằng, có một số cơ sở khám chữa bệnh có tỷ lệ tiền giường so với tổng chi nội trú cao bất thường. Ví dụ, Trung tâm y tế huyện Châu Thành A (Hậu Giang) là 63%; Trung tâm y tế huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) là 65,8%; Bệnh viện đa khoa huyện Phục Hòa (Cao Bằng) là 62%, Bệnh xá công an tỉnh Đắk Nông là 66,6%.  

Tính đến 30/6/2018, theo số liệu trên Hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội, đã tiếp nhận 83,82 triệu lượt khám chữa bệnh, chi phí đề nghị thanh toán: 46.922 tỷ đồng, tỷ lệ sử dụng so với dự toán cả năm: 51,97%.

Tại một số tỉnh, tỷ lệ sử dụng so với dự toán cả năm cao như: Quảng Ninh 57,63%; Khánh Hòa: 56,86%; Tiền Giang: 56,65%; Đồng Tháp 56,39% và Bạc Liêu: 56,36%.

Tin bài liên quan