Cần ngăn chặn tình trạng trục lợi BHYT để đảm bảo 
quyền lợi cho người dân

Cần ngăn chặn tình trạng trục lợi BHYT để đảm bảo quyền lợi cho người dân

Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực ngăn chặn trục lợi

(ĐTCK) Ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự 2017 sẽ có hiệu lực, trong đó có một số tội danh liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm y tế. Đây được kỳ vọng là biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm đang ngày càng phổ biến.

Thực trạng trục lợi Bảo hiểm tại Việt Nam

Tại các hội nghị thông tin về hoạt động bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) gần đây, BHXH Việt Nam liên tiếp đưa ra thống kê về các biểu hiện của trục lợi bảo hiểm như đi khám nhiều lần ở nhiều cơ sở, cấp trùng thuốc...

Qua kiểm soát từ Hệ thống thông tin giám định BHYT, phát hiện nhiều trường hợp người bệnh khám bệnh nhiều lần. Cụ thể, có 1.580 bệnh nhân khám chữa bệnh bình quân từ 8 lần/tháng, khám chữa bệnh tại 3 cơ sở y tế trở lên.

Cá biệt, có trường hợp bệnh nhân đi khám tới 17 lần/tháng. Trong cùng 1 ngày, bệnh nhân này đi khám ở 2, 3 nơi vừa bệnh viện, vừa trạm y tế phường, vừa trung tâm y tế thành phố. Hàng chục lần bệnh nhân được cấp trùng thuốc, mỗi lần cấp thuốc chỉ cách nhau 1, 2 ngày khám.

Không chỉ người tham gia, các bác sỹ, cơ sở khám chữa bệnh cũng có dấu hiệu trục lợi BHYT. Đơn cử, trường hợp BS. Lê Thành Phước tại Trung tâm Y tế Nguyễn Văn Thủ (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đã có hành vi làm khống hồ sơ khám chữa bệnh nhằm trục lợi tiền BHYT. Đối với các cơ sở y tế, có tình trạng ngày điều trị kéo dài, chỉ định một số loại xét nghiệm gia tăng đột biến, chia tách các dịch vụ kỹ thuật...

Thêm chế tài răn đe

Mặc dù đã được nhận diện và thông tin rộng rãi, nhưng các trường hợp có dấu hiệu trục lợi BHYT vẫn không giảm. Theo BHXH Việt Nam, đó là do chưa có chế tài đủ sức răn đe. Bởi vậy, khi sửa đổi Bộ luật Hình sự, BHXH Việt Nam đã đề xuất bổ sung các tội danh trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Riêng lĩnh vực BHYT, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 có Điều 215 quy định về tội gian lận bảo hiểm y tế.

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, để chuẩn bị cho việc thực thi Bộ luật Hình sự 2017, mới đây, BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã thống nhất ban hành Quy chế phối hợp số 1853/QCPH-TCCSPCTP-BHXH trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, góp phần bảo vệ trật tự quản lý kinh tế và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội tại các đơn vị thuộc hệ thống BHXH Việt Nam.

Trước đó, trong giai đoạn 2012-2017, giữa 2 cơ quan cũng có quy chế phối hợp trong công tác này. Qua rà soát, kiểm tra phát hiện nhiều trường hợp lạm dụng, vi phạm. Theo đó, cơ quan quản lý đã yêu cầu chủ sử dụng lao động làm thủ tục tham gia BHXH bắt buộc cho 4.812 lao động thuộc diện phải tham gia BHXH; thực hiện khắc phục tiền nợ và truy thu (gồm cả tiền lãi chậm đóng) với số tiền là 576,073 tỷ đồng; yêu cầu truy thu 17,043 tỷ đồng tiền truy đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và tiền chi sai do lạm dụng các chế độ BHXH; yêu cầu thu hồi, xuất toán 48,861 tỷ đồng do lạm dụng các chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Trong quá trình triển khai đôn đốc thu hồi số tiền do thanh tra, kiểm tra và phát hiện trục lợi, kết quả số tiền đã khắc phục nợ là 252,797 tỷ đồng, đồng thời đã thu hồi được số tiền 6,447 tỷ đồng tiền truy đóng BHXH, BHTN, BHYT, tiền chi sai do lạm dụng các chế độ BHXH và số tiền 3,134 triệu đồng do chi sai, lạm dụng các chi phí khám chữa bệnh BHYT...

“Trong giai đoạn mới, BHXH Việt Nam sẽ thường xuyên cung cấp thông tin, hồ sơ để cơ quan cảnh sát để nắm bắt tình hình hoạt động liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, cơ quan cảnh sát sẽ chủ động xác minh, điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật”, ông Sơn nói.

Điều 215 quy định về tội gian lận bảo hiểm y tế

Theo đó, người nào thực hiện các hành vi: (a) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống, hoặc kê tăng số lượng, hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; (b) Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ BHYT đã bị thu hồi, thẻ BHYT bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ BHYT trái quy định để chiếm đoạt tiền BHYT từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khung hình phạt nhẹ nhất là từ phạt tiền, cải tạo không giam giữ đến tù giam, với mức án cao nhất 10 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định liên quan đến bảo hiểm từ 1 - 5 năm.

Tin bài liên quan