Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị ASSA 35, do Việt Nam đăng cai tổ chức ngày 18/9/2018.

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị ASSA 35, do Việt Nam đăng cai tổ chức ngày 18/9/2018.

ASSA 35, dấu mốc hợp tác quốc tế mới trong lĩnh vực an sinh xã hội

(ĐTCK) Nhiều quyết sách cũng như tầm nhìn hợp tác quan trọng về các hoạt động an sinh xã hội trong khối ASEAN đã được đề cập và bàn thảo tại ASSA 35 do Việt Nam đăng cai tổ chức. 

Dấu mốc hợp tác quốc tế mới

Ngày 18/9/2018, tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 35 (ASSA 35) đã được tổ chức trọng thể với sự tham gia của 20 tổ chức an sinh xã hội thành viên đến từ 10 quốc gia Đông Nam Á.

Theo quy chế luân phiên của Hiệp hội, Hội nghị lần này do Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đăng cai tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, Phó chủ tịch đương nhiệm ASSA khẳng định, tham gia ASSA từ những ngày đầu thành lập năm 1998, trải qua hai thập kỷ, đến nay, BHXH Việt Nam tự hào sát cánh cùng các tổ chức thành viên đóng góp xây dựng và phát triển ngôi nhà chung ASSA trưởng thành và lớn mạnh như hiện nay.

"Hệ thống an sinh xã hội ASEAN đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức do tác động lan tỏa từ cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình tự do dịch chuyển lao động trong khu vực, đòi hỏi ASSA cần có cách tiếp cận sáng tạo, tầm nhìn dài hạn, nhằm phát huy thế mạnh về kinh nghiệm và công nghệ của các tổ chức thành viên;

Đồng thời, liên kết hiệu quả tạo nên sự cộng hưởng sức mạnh của cả Hiệp hội vì sự nghiệp an sinh xã hội bền vững cho mọi người dân trong Cộng đồng ASEAN", bà Nguyễn Thị Minh khẳng định.

Trong khi đó, theo ông Suradej Waleeittikul, Tổng thư ký Hiệp hội An sinh xã hội Thái Lan, Chủ tịch đương nhiệm ASSA, sau hai thập kỷ phát triển, ASSA đã trở thành diễn đàn hợp tác đa phương về an sinh xã hội hàng đầu khu vực, có vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, với việc phát triển của công nghệ thông tin và sự dịch chuyển lao động tự do ngày càng lớn trong khu vực và thế giới đang đặt ra rất nhiều thách thức cho các tổ chức an sinh xã hội xây dựng hệ thống chính sách, mạng lưới bảo hiểm của mình.

“Trong vai trò Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ qua, tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, ủng hộ từ các thành viên trong Hiệp hội. Năm nay, cương vị Chủ tịch sẽ do BHXH Việt Nam đảm nhận. Tôi tin tưởng BHXH Việt Nam sẽ thành công trong vai trò chủ đạo, lãnh đạo hoạt động của Hiệp hội”, ông Suradej Waleeittikul chia sẻ. 

Việt Nam phấn đấu “không để ai bị bỏ lại phía sau"

Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định, cách mạng công nghệ 4.0 với trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật… sẽ mở ra một thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại. Đây chính là cơ hội lịch sử, song cũng đầy thách thức đối với công cuộc cải cách, phát triển đất nước và các tổ chức an sinh xã hội.

"Tôi rất ấn tượng với chủ đề của Hội nghị ASSA lần này. Cách đây mấy ngày cũng đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF ASEAN với chủ đề về cách mạng công nghệ 4.0.

Qua diễn đàn đó, các nhà lãnh đạo, đại biểu tham dự đã dành nhiều thời gian trao đổi về cơ hội, thách thức mà cách mạng công nghệ 4.0 đem lại.

Các đại biểu đã thống nhất rằng, cần lạc quan trước các cơ hội mang lại từ cuộc cách mạng này, nhưng cũng cần chú trọng giải quyết các vấn đề mà cuộc cách mạng này đặt ra", Phó thủ tướng nói.

Cũng vì vậy, theo Phó thủ tướng, cần có các giải pháp để các quốc gia khác nhau đều có cơ hội để vươn lên, không xa rời mục tiêu con người là trung tâm của quá trình phát triển.

Nhận thức sâu sắc điều này, Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm cao độ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, phát triển hạ tầng thông tin, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số, với trung tâm là con người, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

"Đây cũng là mục tiêu và nỗ lực của tất cả các bộ, ngành. Tôi được biết, Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế của BHXH Việt Nam được bạn bè ASEAN đánh giá cao, minh chứng cho một ngành nỗ lực vươn lên, tận dụng cơ hội", Phó thủ tướng dẫn chứng, đồng thời cho rằng, yếu tố con người là quan trọng không kém.

Do đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, tác động của quá trình tự do dịch chuyển lao động, đòi hỏi mỗi quốc gia phải có sự đổi mới đào tạo nguồn nhân lực, để người lao động sẵn sàng nâng cao trình độ, thích ứng với những thay đổi, yêu cầu mới.

Phó thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam đang đồng hành với hệ thống an sinh xã hội thế giới, hướng đến một hệ thống an sinh xã hội đa tầng, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Trong tiến trình này, Việt Nam mong muốn có sự chia sẻ kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn của Hiệp hội An sinh xã hội thế giới nói chung và Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN nói riêng, nhằm tạo môi trường phát triển bền vững “BHXH cho mọi người lao động và bảo hiểm y tế cho toàn dân”. 

Tin bài liên quan