Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ vượt mức kế hoạch năm 2018

Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ vượt mức kế hoạch năm 2018

(ĐTCK) Mặc dù chưa hết quý III, nhưng ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam tự tin rằng, năm 2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, đặc biệt là trong công tác phát triển đối tượng.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13,97 triệu người. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 241.000 người; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 11,93 triệu người và số tham gia bảo hiểm y tế là 81,76 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,25% dân số.

Với số lượng người tham gia như trên, lũy kế 8 tháng đầu năm 2018, ngành bảo hiểm xã hội đạt doanh thu 202.917 tỷ đồng, tương đương 61,5% kế hoạch cả năm.

Đối với việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thống kê cho thấy, tháng 8/2018, cơ quan bảo hiểm xã hội đã giải quyết 9.135 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.

Đáng chú ý, có gần 70.000 người hưởng trợ cấp 1 lần. Lũy kế 8 tháng đầu năm, đã giải quyết 78.092 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; 539.527 người hưởng trợ cấp 1 lần; 6.360.226 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Về bảo hiểm y tế, cả nước có khoảng 15,13 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng số lượng người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế lũy kế 8 tháng đầu năm lên 116 triệu lượt người.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 90.200 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 4.313 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Lũy kế 8 tháng đầu năm, giải quyết cho 464.087 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 23.299 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.

Tính đến hết tháng 8/2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp số tiền 201.973 tỷ đồng, đạt 68,61% kế hoạch cả năm.

Trong đó, chi bảo hiểm xã hội từ nguồn ngân sách là 29.920 tỷ đồng, chi từ Quỹ Bảo hiểm xã hội là 101.822 tỷ đồng, chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 5.801 tỷ đồng và ước chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 64.429 tỷ đồng.

Trong tháng 9/2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình; phối hợp với ngành giáo dục đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2017-2018; triển khai bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2018-2019.

Đánh giá kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm, ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, đây là những kết quả ghi nhận nỗ lực của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chẳng hạn số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp hiện đạt 11,9 triệu người, tăng 5,25% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành 92,8% kế hoạch cả năm 2018. Tương tự với bảo hiểm y tế, số lượng người tham gia đạt trên 98% kế hoạch năm.

“Công tác thu, phát triển đối tượng trong năm 2018 sẽ vượt mức kế hoạch để ra”, ông Ánh khẳng định.

Bên cạnh sự tích cực, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng nhìn nhận, vẫn còn nhiều thách thức mà các cơ quan bảo hiểm xã hội phải quyết tâm, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ. Đơn cử, công tác phát triển đối tượng bảo hiểm tự nguyện vẫn còn nhiều thách thức, bởi đây là nhóm đối tượng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên khó duy trì việc đóng bảo hiểm tự nguyện hàng tháng.

Đối với việc giải quyết chính sách chế độ cho người tham gia bảo hiểm, trong 8 tháng đầu năm nay, có hơn 470.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đồng nghĩa với 470.000 người rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội. Ông Ánh cho rằng, con số này vẫn cao và cần có giải pháp để giữ đối tượng này ở lại hệ thống.

Trong 8 tháng qua, số tiền chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chiếm khoảng 71% Quỹ Bảo hiểm y tế. Theo ông Ánh, đây là tỷ lệ tương đối lớn và nếu không có giải pháp quyết liệt thì năm 2018 sẽ khó đạt chỉ tiêu 91.000 tỷ đồng đề ra.

Để giải quyết những thách thức trên, ông Ánh cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tăng cường thực hiện giám định điện tử tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, kiên quyết từ chối thanh toán chi phí bất hợp lý, không đúng quy định.

Được biết, một trong những công cụ kiểm soát hiệu quả việc chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế. Nhờ hệ thống này, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát hiện nhiều bất thường trong thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Từ đó, cơ quan bảo hiểm xã hội từ chối những khoản chi không phù hợp, không đúng thực tế. Đồng thời, rà soát và có những kiến nghị chính sách nhằm đảm bảo việc chi bảo hiểm y tế đúng người, đúng bệnh, hạn chế trục lợi.

Tin bài liên quan