Bảo hiểm trực tuyến: Trông chờ dài hạn

Bảo hiểm trực tuyến: Trông chờ dài hạn

(ĐTCK-online) Đầu tư lớn cho kênh bán hàng trực tuyến, nhưng để kênh bán hàng này thực sự "chín" phải mất 3 - 5 năm nữa. Vậy các DN kỳ vọng gì ngoài bài toán doanh thu và lợi nhuận khi đầu tư phát triển kênh bán hàng này? ĐTCK trao đổi với ông Tôn Lâm Tùng, Quyền tổng Giám đốc BIC về bức tranh bảo hiểm trực tuyến hiện nay. Ngọc Lan thực hiện.

Mua bán trực tuyến gần như yêu cầu tất cả mọi thủ tục đều phải được hoàn tất qua mạng. Tuy nhiên, với một số nghiệp vụ bảo hiểm, DN còn tiếp tục phải thẩm định mức độ rủi ro trước khi cấp hợp đồng bảo hiểm. Như vậy, bán hàng trực tuyến với bảo hiểm vẫn chưa thực sự phát triển đúng nghĩa, thưa ông?

Hầu hết các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế cho kênh bán hàng trực tuyến là các sản phẩm theo gói, đơn giản và thông dụng, có các điều kiện, điều khoản chuẩn. Để mua bảo hiểm trực tuyến, khách hàng chỉ cần truy cập website, chọn loại hình bảo hiểm, điền đầy đủ thông tin yêu cầu về nội dung bảo hiểm, hệ thống sẽ tự động tính phí, sau khi khách hàng chọn hình thức và tiến hành thanh toán phí bảo hiểm là giao dịch hoàn tất. Khách hàng sẽ được trao hợp đồng/giấy chứng nhận bảo hiểm sau đó.

Tuy nhiên, khi mở rộng loại hình sản phẩm để đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường, một số sản phẩm bảo hiểm như bảo hiểm vật chất ô tô, các công ty bảo hiểm bắt buộc phải kiểm tra xe trước khi cấp giấy chứng nhận bảo hiểm. Đây là quy định nghiệp vụ hết sức bình thường và quy định này cũng không làm cho việc cấp đơn bảo hiểm khi bán qua kênh trực tuyến chậm hơn so với các kênh bảo hiểm truyền thống. Bởi ngay sau khi khách hàng chấp nhận mua bảo hiểm ô tô trên website, công ty bảo hiểm có thể cử cán bộ đến kiểm tra và cấp đơn ngay sau thời điểm kiểm tra xe của khách hàng.

 

Bảo hiểm là một ngành đặc thù, ý thức phải mua bảo hiểm của người dân còn thấp, trong khi đó, mua bán trực tuyến cũng mới chỉ xuất hiện trong một bộ phận nhỏ khách hàng. Vậy theo ông, mua hàng trực tuyến có phải là một giải pháp hay hơn kênh đại lý?

Thói quen mua sắm trực tiếp của người dân Việt Nam hiện vẫn là một rào cản đối với việc bán hàng qua mạng, các DN kinh doanh trực tuyến sẽ phải nỗ lực để vượt qua rào cản đó. So với việc mua bảo hiểm qua đại lý, khi mua bảo hiểm trực tuyến, khách hàng dễ có cảm giác là thiếu sự tư vấn, chăm sóc trực tiếp của nhân viên bán hàng. Tuy nhiên, đối với khách hàng đã làm quen với hình thức mua bảo hiểm này sẽ cảm nhận được những ưu điểm vượt trội như: các giao dịch mua và thanh toán phí bảo hiểm qua website mất rất ít thời gian; khách hàng có thể chủ động lựa chọn và ra quyết định một cách riêng tư trên cơ sở có đầy đủ thông tin để tham khảo, so sánh và đánh giá, mà không có cảm giác bị nhân viên bán hàng thuyết phục; do loại bỏ được các chi phí bán hàng trung gian, DN bảo hiểm có thể cung cấp sản phẩm với mức phí cạnh tranh hơn so với các kênh bán hàng truyền thống. Tôi cho rằng, một khi các lợi thế trên được khách hàng trải nghiệm, chắc chắn sẽ gỡ bỏ được tâm lý e ngại.

 

Dù có nhiều tiện ích, nhưng đến nay, hầu hết công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn vẫn chưa phát triển hình thức bán hàng này. Theo ông là do đâu?

Đầu tư cho kênh bán bảo hiểm trực tuyến là việc đầu tư đón đầu xu hướng trong dài hạn, trong đó, những người tiên phong sẽ đóng vai trò khai phá và hiệu quả sẽ chưa tương xứng với chi phí đầu tư ban đầu. Chính vì tâm lý e ngại này mà nhiều công ty bảo hiểm chưa triển khai. Một số công ty khác thì đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm.

 

Vậy khó khăn lớn nhất của các DN bảo hiểm khi phát triển kênh bảo hiểm này là gì, thưa ông?

Thứ nhất là thanh toán trực tuyến vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Các hệ thống thanh toán qua các ngân hàng còn chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ. Người tiêu dùng Việt Nam còn chưa quen với các hình thức thanh toán trực tuyến. Ví dụ cụ thể là thẻ Visa, mặc dù thẻ Visa đã khá phổ biến ở Việt Nam, nhưng cũng chỉ dùng thanh toán qua máy POS. Một chức năng quan trọng của thẻ Visa là thanh toán trực tuyến, mới được rất ít khách hàng biết và đăng ký. Thứ hai là thói quen mua sắm: người tiêu dùng ở Việt Nam rất ngại việc mua hàng qua mạng, thanh toán trước và nhận hàng sau. Chúng tôi dự đoán, các DN kinh doanh thương mại điện tử sẽ còn mất rất nhiều thời gian và công sức để thuyết phục được khách hàng tin tưởng vào hình thức mua sắm qua mạng.