Phát triển bảo hiểm trực tuyến được xác định là chiến lược dài hơi cho 3 đến 5 năm tới, và thời điểm này cần phải có những bước đi đầu tiên. Chính vì thế, doanh thu phí khai thác mới đến từ mô hình trực tuyến không phải là mục tiêu chính mà các công ty bảo hiểm nhắm tới ở thời điểm này.
“Dù còn nhiều nghi ngại về chiến lược phát triển kỹ thuật số của các công ty bảo hiểm, tuy nhiên vấn đề này sẽ sớm được giải quyết. Chúng tôi vẫn quyết tâm tập trung phát triển bảo hiểm trực tuyến vì đây là một xu thế lớn”, ông Kim Kang Wook, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bảo hiểm PTI cho biết.
Cũng theo ông Kim Kang Wooh, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang biến đổi rất nhanh. Những công ty bảo hiểm mới vào thị trường và chuẩn bị bước vào thị trường này đã nắm bắt được nhu cầu và tiềm năng rất lớn của phân khúc bảo hiểm trực tuyến.
Với định hướng xây dựng nền tảng công nghệ số vào lĩnh vực bảo hiểm, hãng bảo hiểm OPES đang có tham vọng khai phá thị trường bảo hiểm Việt Nam đầy tiềm năng, với mong muốn ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực bảo hiểm. OPES là một công ty cổ phần bảo hiểm phi nhân thọ có vốn góp của VPBank và một số cổ đông khác.
Cuối tháng 1/2019, Allianz và FPT đã ký biên bản hợp tác về liên doanh số trong lĩnh vực bảo hiểm nhằm giúp Allianz thâm nhập thị trường bảo hiểm của Việt Nam, đồng thời mở rộng quy mô tại châu Á.
Ðược biết, Allianz đang làm việc với 50 đối tác kỹ thuật số trong khu vực. Ngoài ra, Allianz và JD.com đã đạt được thỏa thuận thành lập một doanh nghiệp bảo hiểm kỹ thuật số - tận dụng lợi thế của JD.com với tư cách là một trong những tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc.
Trong khi đó, ở các thị trường bảo hiểm phát triển như Hàn Quốc cũng đang thay đổi liên tục với xu hướng phát triển mới về bảo hiểm trực tuyến. Công ty Bảo hiểm DB Insurance cũng đã quyết định tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI, chatbot và các sản phẩm bảo hiểm dựa trên mức độ sử dụng, thông qua các quan hệ đối tác về InsurTech khác nhau. Bảo hiểm trực tuyến với Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Tất nhiên, tiềm năng thì như vậy, nhưng việc khai thác thị trường hiện vẫn có những khó khăn nhất định. Tại thị trường Việt Nam, khi phát triển bảo hiểm trực tuyến, các công ty bảo hiểm cũng gặp trở ngại trong việc thiết kế các sản phẩm bảo hiểm để bán qua kênh này.
Thực tế thì sản phẩm bán qua kênh trực tuyến của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ không phải là sản phẩm được xây dựng hoàn toàn mới, mà vẫn là những sản phẩm truyền thống nên có nhiều yếu tố chưa thực sự phù hợp với mô hình bán online.
Chẳng hạn, với bảo hiểm xe cơ giới, khách hàng sau khi chụp trạng thái xe vẫn phải chờ một thời gian để công ty bảo hiểm phê duyệt. Trong khi đó, với bảo hiểm trực tuyến, khách hàng cần sản phẩm đơn giản, không phải mất thời gian chờ đợi. Ðây là một trong những trở ngại khiến doanh thu bảo hiểm trực tuyến của khối phi nhân thọ còn rất khiêm tốn.
Khác với khối phi nhân thọ, các công ty bảo hiểm nhân thọ khi bắt đầu triển khai bán bảo hiểm trực tuyến đã thiết kế được những sản phẩm phù hợp với mô hình bán hàng này.
Chẳng hạn như các sản phẩm FWD Việt Nam đang bán trên trang thương mại điện tử Tiki hay sản phẩm bảo hiểm ung thư Generali Việt Nam bán qua trang Genvita.vn và tới đây là bán qua Shopee đều thỏa mãn các yếu tố nhanh chóng, đơn giản, dễ hiểu, khách hàng chỉ cần thao tác tối đa 15 phút là có thể mua sản phẩm (tùy mệnh giá).
Khi thị trường phát triển hơn, khách hàng đã quen với mua bảo hiểm nhân thọ online thì các công ty bảo hiểm sẽ phát triển thêm nhiều phiên bản sản phẩm mới để đưa lên kênh này.
“Doanh thu phí mới từ mô hình trực tuyến còn rất khiêm tốn vì phí bảo hiểm của những sản phẩm bán qua kênh này rất thấp. Chúng tôi cũng không quá kỳ vọng doanh thu kênh này sẽ phát triển nhanh trong một vài năm tới. Tuy nhiên, bán bảo hiểm trực tuyến sẽ là xu thế, hơn nữa phát triển bảo hiểm trực tuyến cũng giúp các công ty bảo hiểm thu nhập được các dữ liệu khách hàng nhằm phát triển các dòng sản phẩm tiếp theo”, lãnh đạo cấp cao của một công ty bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.