Bảo hiểm trách nhiệm ngành y: Sốc với số đăng ký

Bảo hiểm trách nhiệm ngành y: Sốc với số đăng ký

(ĐTCK) “Tấm lá chắn” bảo vệ đội ngũ y, bác sĩ chưa được nhiều cơ sở y tế quan tâm sử dụng, dù rủi ro nghề nghiệp đang xảy ra ngày càng nhiều.

Bảo hiểm trách nhiệm ngành y: Sốc với số đăng ký  ảnh 1Riêng Bảo hiểm QBE Việt Nam đang thụ lý trên 100 sự cố y khoa

 

Tại Hội thảo về thực trạng khiếu nại, tố cáo, tranh chấp trong lĩnh vực y tế vừa được tổ chức tại TP. HCM, bà Lê Vũ Thúy Hằng, Phó chi hội trưởng Chi hội Luật gia Sở Y tế TP. HCM cho biết, thời gian gần đây, Thanh tra Sở Y tế đã tiếp nhận, giải quyết nhiều vụ phản ánh, khiếu kiện liên quan đến trách nhiệm ngành y. Các khiếu kiện có xu hướng phức tạp xảy ra, với số tiền đòi bồi thường ngày càng cao, một số trường hợp đã phải giải quyết tại Tòa án. Tuy nhiên, điều đáng buồn là mặc cho khiếu kiện liên quan đến trách nhiệm ngành y đang gia tăng, hầu hết cơ sở y tế và bệnh viện vẫn chưa quan tâm, coi trọng các biện pháp bảo vệ người lao động, dù cho công cụ bảo vệ trong lĩnh vực này đã có, thậm chí đã được luật hóa.

Thực tế, bảo hiểm trách nhiệm ngành y đã được luật hóa tại Luật Khám chữa bệnh năm 2009, cụ thể là quy định các cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề y phải mua bảo hiểm trách nhiệm. Nghị định 102 của Chính phủ đã quy định chi tiết về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Với việc sử dụng sản phẩm bảo hiểm này, các cơ sở khám chữa bệnh sẽ được bảo vệ trước các khiếu kiện về các thiệt hại do sơ sót của bác sĩ hành nghề, được hỗ trợ về thu xếp hòa giải ngoài Tòa án, bồi thường các trách nhiệm pháp lý theo phán quyết của Tòa án, chi trả các chi phí pháp lý và phí tổn bào chữa liên quan...

Quy định pháp lý là thế, đòi hỏi của thực tế là vậy, nhưng con số bệnh viện, cơ sở y tế tham gia bảo hiểm trách nhiệm ngành y có thể khiến bất cứ ai cũng phải giật mình. Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này mới cấp đơn bảo hiểm cho khoảng gần 20 cơ sở y tế và bệnh viện. Đa phần trong số đó là bệnh viện tư nhân và phòng khám tư của nước ngoài. Các khách hàng này đều mua trên tinh thần tự nguyện.

Trên thị trường, hiện có khoảng 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang cung cấp bảo hiểm trách nhiệm nghề y. Riêng Công ty Bảo hiểm QBE Việt Nam chiếm khoảng 60% thị phần (tính trên tổng doanh thu phí bảo hiểm nghiệp vụ này).

Được biết, QBE đang thụ lý trên 100 sự cố y khoa đã được báo cáo, giá trị đòi bồi thường có trường hợp lên tới 2 triệu USD. Thực tế, Công ty đã giải quyết bồi thường khoảng 5 tỷ đồng đối với nghiệp vụ này.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện một công ty bảo hiểm đang triển khai mạnh nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm ngành y nhận xét, nhận thức và hiểu biết về sản phẩm này của các cơ sở y tế, bệnh viện chưa cao, thậm chí nhiều cơ sở y tế, bệnh viện còn không biết được rằng mình là đối tượng bắt buộc phải mua loại hình bảo hiểm này.

Một số cơ sở bệnh viện khi được công ty bảo hiểm tiếp xúc tư vấn còn cho rằng, họ không có rủi ro, ít bị kiện tụng, hoặc kiện thì cũng không tới đâu (do hành lang pháp lý còn yếu và thủ tục rất nhiêu khê).

Ngoài ra, các công ty bảo hiểm cũng thừa nhận, phí bảo hiểm và mức miễn thường (mức miễn thường là số tiền mà tổn thất nếu có thấp hơn số này thì công ty bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường) của sản phẩm này nói chung còn cao so với khả năng của người mua. Đặc biệt, đối với những bệnh viện công, phòng khám và cơ sở y tế quy mô nhỏ, thì khoản phí bảo hiểm nghiệp vụ này là cả một vấn đề,

Được biết, bảo hiểm trách nhiệm ngành y được định phí tùy thuộc vào chuyên khoa, quy mô hoạt động, loại hình hoạt động, sai sót từng mắc phải trước đây... Lộ trình bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm y tế chậm nhất là ngày 31/12/2015 đối với các cơ sở hoạt động theo hình thức bệnh viện và ngày 31/12/2017 cho tất cả các loại hình cơ sở y tế còn lại (theo Nghị định 102/2011/NĐ-CP).