Bảo hiểm trách nhiệm D&O: Tiềm năng nhưng chưa khai thác hết

Bảo hiểm trách nhiệm D&O: Tiềm năng nhưng chưa khai thác hết

(ĐTCK) Kinh tế càng khó khăn, bảo hiểm trách nhiệm lãnh đạo DN (D&O) càng cần thiết. Tuy nhiên, tại Việt Nam sản phẩm này đang bị các DN coi nhẹ.

Bảo hiểm trách nhiệm D&O: Tiềm năng nhưng chưa khai thác hết ảnh 1Khi nền kinh tế gặp khó khăn, bảo hiểm D&O càng phát triển mạnh

 

Gia tăng đơn bảo hiểm D&O ở châu Á

Trước thập kỷ 1990, nhu cầu bảo hiểm D&O tại châu Á, nhất là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gần như không đáng kể. Tuy nhiên, đã có những thay đổi rõ rệt từ sau khủng hoảng tài chính năm 1997, với sự mở rộng của khu vực tư nhân và dòng vốn đổ vào các DN châu Á niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài. Một số lượng lớn nhà điều hành và nhân viên các DN tìm kiếm sự bảo vệ trước những khiếu kiện tiềm tàng có thể phát sinh bất cứ lúc nào. Theo số liệu điều tra do Lloyd’s tiến hành năm 2006, có tới 63% các nhà quản lý DN châu Á đánh giá bảo hiểm D&O ở mức “cực kỳ quan trọng” hoặc “quan trọng” đối với họ.

Dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 - 2012, một lần nữa thị trường bảo hiểm D&O lại chứng kiến những thay đổi đáng kể. Với sự gia tăng nhanh chóng về tần suất và mức độ nghiêm trọng của các khiếu nại gian lận đã khiến cho tỷ lệ tham gia bảo hiểm tăng cao. Kéo theo đó, số vụ khiếu nại đòi bồi thường bảo hiểm trách nhiệm D&O cũng có xu hướng tăng nhanh (xem bảng).

Số vụ khiếu nại đòi bồi thường bảo hiểm trách nhiệm D&O tại châu Á

Năm

2005

2010

9/2011

Châu Á

180

246

368

Thay đổi

 

+36,7% (so với 2005)

+49,6% (so với 2010)

 

Tuy nhiên, trước sự gia tăng nhanh chóng về nguy cơ rủi ro và mức độ tổn thất, đơn bảo hiểm D&O ngày càng được điều chỉnh theo hướng tăng phí bảo hiểm và thu hẹp phạm vi bảo hiểm. Việc tối đa hóa khả năng bảo vệ thông qua các hợp đồng bảo hiểm D&O giờ đây trở nên khó khăn hơn, do các nhà bảo hiểm đang nỗ lực tìm cách hạn chế nguy cơ rủi ro đối với chính họ.

Về nguyên nhân dẫn tới khiếu nại bồi thường bảo hiểm trách nhiệm D&O tại DN, chủ yếu là do: vi phạm các quy định, pháp luật của nhà nước; giao dịch nội gián; cung cấp thông tin sai lệch hoặc không cung cấp đủ thông tin; thiếu sự quản lý; vi phạm sự tín nhiệm, lòng trung thành hoặc thiếu sự chăm sóc cần thiết; sa thải vô lý, phân biệt đối xử; làm mất danh dự; hối lộ, tham nhũng; gian lận; các trách nhiệm về công nghệ thông tin.

Đối tượng khiếu kiện trách nhiệm của nhà quản lý và cán bộ - nhân viên công ty chủ yếu bao gồm: cổ đông, khách hàng, nhà lập pháp, chủ nợ và thậm chí ngay cả các nhân viên của chính công ty đó.

 

Tiềm năng D&O ở thị trường Việt Nam

Với đặc điểm là một thị trường mới nổi, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng cho các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nói chung và trách nhiệm D&O nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nguy cơ xuất hiện các khiếu kiện đối với DN là khá lớn. Vì vậy, nhu cầu được bảo vệ đối với trách nhiệm của người điều hành, người quản lý, cũng như bất kỳ cán bộ - nhân viên nào trong DN đang dần trở nên thiết thực và có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Dẫu vậy, sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm D&O còn khá mới mẻ với đa số các tổ chức, DN Việt Nam và nguồn cung sản phẩm bảo hiểm này trên thị trường khá hạn chế. Đại diện Công ty GINET, đơn vị tư vấn bảo hiểm trực tuyến cho biết, hiện tại, các sản phẩm bảo hiểm dạng này chủ yếu được cung cấp bởi các công ty bảo hiểm nước ngoài như Chartis, Liberty, ACE, với doanh thu phí hàng năm chỉ khoảng vài tỷ đồng. Tỷ trọng phí bảo hiểm của loại hình nghiệp vụ này cũng còn khiêm tốn, cao nhất như ACE cũng chỉ đạt trên 20% tổng phí bảo hiểm trách nhiệm. Bên cạnh đó, số vụ khiếu nại bồi thường trong lĩnh vực này khá ít ỏi, năm 2010 có 2 vụ, 9 tháng đầu năm 2011 có 4 vụ.

Công ty GINET cho rằng, sự thiếu vắng các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm D&O hiện nay phần lớn là do thói quen mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp còn khá xa lạ đối với nhiều tổ chức, cá nhân. Trong trường hợp phải đối mặt với các khiếu kiện liên quan tới các trách nhiệm phát sinh trong quá trình thực thi công việc, đa phần DN, cá nhân buộc phải chấp nhận tự trang trải các phí tổn để bù đắp cho bên bị thiệt hại. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về trách nhiệm của nhà quản lý, của cán bộ - nhân viên trước quyền lợi của cổ đông và các đối tác có liên quan có những điểm chưa thật rõ ràng, khiến cho việc truy cứu khi phát sinh trách nhiệm gặp khó khăn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thân cho các DN, nhà đầu tư, cũng như tất cả các bên có liên quan, việc đẩy mạnh phát triển và phân phối sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm D&O là rất cần thiết. Để thực hiện được điều đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về lợi ích của sản phẩm bảo hiểm này, nhất là đối với các tổ chức, DN. Đồng thời, hoàn thiện hơn nữa các văn bản pháp quy trong việc quy định trách nhiệm của người quản lý và cán bộ - nhân viên DN trước những thiệt hại do họ (vô tình hay cố ý) gây ra đối với cổ đông, các bên liên quan, cũng như với cộng đồng.