Có 5 DN đang cung cấp sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là Chartis, QBE, Bảo Việt, Bảo Minh và PVI.

Có 5 DN đang cung cấp sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là Chartis, QBE, Bảo Việt, Bảo Minh và PVI.

Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu: Sân chơi của doanh nghiệp ngoại

(ĐTCK-online) Nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển, nhưng đến nay bảo hiểm tín dụng xuất khẩu vẫn là "sân chơi" của các nhà tái bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài. Với các doanh nghiệp Việt Nam, cả doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp bảo hiểm, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu vẫn là sản phẩm còn mới.

Theo ông Christopher Shortell, Phó chủ tịch cấp cao của Chartis khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp bảo hiểm gặp phải đó là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam không biết về loại hình bảo hiểm này và họ không nhận thức được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm tín dụng.

Tuy nhiên, vì bảo hiểm cũng chỉ mới phát triển ở Việt Nam chưa lâu, nên theo ông Christopher Shortell, nhận thức của các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ là vấn đề về thời gian và nhiệm vụ của các công ty bảo hiểm là giới thiệu sản phẩm bảo hiểm này đến doanh nghiệp.

Tất nhiên, không chỉ có các công ty bảo hiểm nước ngoài nhận thức được Việt Nam là nước mạnh về xuất khẩu, có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển nghiệp vụ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Thực tế, một số doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cũng đã nghiên cứu triển khai sản phẩm này là Bảo Việt, Bảo Minh, PVI (nghiên cứu và triển khai khoảng 3 năm nay).

Mặc dù vậy, theo nhận định của phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm trong nước, có một số khó khăn chung cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước khi triển khai sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Cụ thể là chưa có cán bộ có kinh nghiệm triển khai nên phụ thuộc vào việc thẩm định đánh giá từ công ty mẹ hoặc công ty tái bảo hiểm; tỷ lệ phí giữ lại ít (khoảng 1%); khi triển khai sản phẩm này yêu cầu rất cao về hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ trong khâu tìm kiếm, thẩm định thông tin khách hàng. Trong khi đó, rủi ro của sản phẩm này tương đối cao như: rủi ro chính trị, rủi ro tỷ giá hối đoái, phụ thuộc vào bên thứ ba… Ngoài ra, hiện tại vẫn chưa có quy định và cơ chế chính sách rõ ràng trong quá trình phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp xuất khẩu.

Hiện chỉ có 5 đơn vị đã triển khai sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là Chartis, QBE, Bảo Việt, Bảo Minh và PVI. Trong đó, 3 doanh nghiệp trong nước chỉ có được một vài đơn hàng nhỏ lẻ, chủ yếu vẫn là hai doanh nghiệp nước ngoài. Chính vì thế, cán cân cung cấp sản phẩm này đang nghiêng về các công ty bảo hiểm nước ngoài (Chartis và QBE), vì đây là những doanh nghiệp bảo hiểm lớn đã có kinh nghiệm triển khai thành công ở nhiều thị trường trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… Họ có mạng lưới rộng khắp nên có thể dễ dàng tìm hiểu về đối tác nhập khẩu của khách hàng Việt Nam.

Thực tế, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đòi hỏi phải có hệ thống thông tin tài chính toàn cầu, trong đó lưu trữ thông tin về tình hình tài chính và xếp hạng tài chính của rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở các nước khác nhau. Qua đó, các doanh nghiệp bảo hiểm có cơ sở để đánh giá rủi ro và thẩm định năng lực tài chính của đối tác nhập khẩu nước ngoài. Về điều này, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam có lợi thế hơn, nhất là khi có được sự hỗ trợ từ công ty mẹ ở nước ngoài.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Trung Tính, Phó tổng giám đốc phụ trách nghiệp vụ của Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC) nhận định, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là loại hình bảo hiểm rất phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới, song ở Việt Nam thì vẫn được xem là sản phẩm tiềm năng và đang bị bỏ ngỏ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi đề án hỗ trợ triển khai thí điểm sản phẩm tín dụng xuất khẩu được Chính phủ phê duyệt, cả doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng sẽ có cơ hội đến gần hơn với sản phẩm này.

"Nếu Nhà nước và doanh nghiệp bảo hiểm có thông điệp rõ ràng hơn và có cách tiếp cận hợp lý để tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của sản phẩm với các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời có một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ để giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhận thức rõ về những lợi ích mà bảo hiểm tín dụng xuất khẩu mang lại, thì sản phẩm này sẽ có cơ hội để phát triển", ông Tính nói.