Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Bất cập từ cơ sở pháp lý

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Bất cập từ cơ sở pháp lý

Hơn 10 năm qua, bảo hiểm tiền gửi (BHTG) VN vẫn hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý chưa tương xứng và duy trì một hạn mức chi trả bảo hiểm quá “hẻo” dành cho người gửi tiền. Qua đó cho thấy, chính sách BHTG của chúng ta đang thể hiện nhiều bất cập. Xoay quanh vấn đề này, DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Khắc Sơn - Tổng giám đốc BHTG VN.

Ông Sơn cho biết, tổng số phí BHTG thu được từ các tổ chức tham gia BHTG đến hết năm 2010 là 4.484 tỷ đồng, số thu phí hàng năm tăng trung bình trên 20%.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Bất cập từ cơ sở pháp lý ảnh 1

- Ông đánh giá thế nào về năng lực tài chính của BHTG VN trong giai đoạn hiện nay ?

 

Theo thông lệ quốc tế, quỹ BHTG/tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm (tỷ lệ dự trữ) thường là 2,5% - 3%. Tỷ lệ này ở nước ta là khoảng 1% và thấp so với các nước khác. Bên cạnh đó, hạn mức chi trả BHTG vẫn được duy trì 50 triệu VND/người gửi tiền (theo Nghị định 109/2005/NĐ-CP). Số tiền này được trả cho tất cả các khoản bao gồm gốc và lãi của người gửi tiền. Nếu số tiền gửi gồm cả gốc và lãi vượt quá 50 triệu VND, khách hàng sẽ nhận được phần tài sản còn lại trong quá trình thanh lý tài sản của ngân hàng.

 

Thực tế, trong bối cảnh lạm phát hiện nay, 50 triệu đồng không phải là con số lớn đối với một gia đình trung lưu thành thị. Không ít nhà đầu tư, người dân gửi tiết kiệm ngân hàng với con số lên tới hàng trăm triệu đồng hoặc hơn.

 

Bên cạnh đó, việc vẫn đang áp dụng chính sách phí BHTG đồng hạng (0,15% trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm) đối với tất cả các ngân hàng mà không dựa trên cơ sở mức độ rủi ro của mỗi ngân hàng cũng xem là một bất cập hiện nay. Bản thân người gửi tiền cũng khó có sự phân biệt độ tin cậy giữa các ngân hàng khi các ngân hàng áp dụng một mức phí như nhau.

 

- Vậy theo ông, với hạn mức chi trả hiện nay có ảnh hưởng như thế nào đến tính hiệu quả của chính sách BHTG ?

 

Hạn mức chi trả BHTG thấp sẽ làm giảm hiệu quả chính sách bảo hiểm. Vào thời điểm thiết lập, hạn mức trên tương đương với gần 5 lần GDP bình quân đầu người và bảo vệ được khoảng 90% người gửi tiền. Tuy nhiên, hạn mức trên đã dần trở nên không còn phù hợp do tăng trưởng kinh tế của VN duy trì ở mức cao nên mức thu nhập bình quân đầu người hiện ở mức trên 1.100USD.

 

Mặt khác, chính sách BHTG hiện hành quy định không bảo hiểm đối với tiền gửi là ngoại tệ. Điều này đồng nghĩa với việc một bộ phận không nhỏ người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG chưa được bảo vệ lợi ích khi tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ.

 

- Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu khiến cho ngành BHTG không thể thoát khỏi giai đoạn phát triển “ì ạch” hiện nay chính là quyền hạn, trách nhiệm không được trao đầy đủ. Còn quan điểm của ông ?

 

Tôi cũng rất đồng tình với quan điểm mà các chuyên gia đưa ra. Bởi hoạt động chi trả BHTG hiện nay mới chỉ bó hẹp trong khuôn khổ chi trả bảo hiểm cho các quỹ tín dụng nhân dân, còn các NHTM thì mặc dù họ phải đóng BHTG, nhưng trên thực tế, tổ chức BHTG lại không có nghĩa vụ chi trả.

 

Lẽ ra, trong những trường hợp có sự cố thì BHTG cần phải được các ngân hàng đăng ký bảo hiểm phá sản và phải đứng ra làm đầu mối xử lý các ngân hàng đổ vỡ.

 

- Trước không ít những bất cập nêu trên cũng như vai trò ngày càng lớn của BHTG trong xu thế hội nhập toàn cầu, đòi hỏi phải có các giải pháp nào để nâng cao hơn nữa hoạt động BHTG trong giai đoạn tới, thưa ông ?

 

Hiện nay, chúng ta đang dần hoàn thiện cơ sở pháp lý để tháo gỡ bất cập, nâng cao hơn nữa hoạt động của BHTG VN. Đặc biệt, Quốc hội đã đưa Luật BHTG vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2011.

 

Được biết, đã có một số chuyên gia tư vấn đã đề xuất áp dụng hệ thống BHTG phân biệt dựa trên loại hình sở hữu. Thế nhưng, theo tôi, đề xuất trên không phù hợp trong bối cảnh VN thực hiện cổ phần hóa NHTM nhà nước và phí phân biệt theo loại hình sở hữu không phản ánh được rủi ro của từng nhóm ngân hàng, không đảm bảo nguyên tắc tổ chức có rủi ro cao phải nộp phí cao hơn và ngược lại.

 

Do đó khung hạn mức chi trả tiền bảo hiểm cao hơn mức 50 triệu đồng cần phải được quy định tại cơ sở pháp lý hiện hành. Đặc biệt, phải xác định rõ thẩm quyền điều chỉnh hạn mức BHTG theo hướng điều chỉnh hạn mức trong biên độ giới hạn của khung, trong một số trường hợp như lạm phát cao trong thời gian dài, thu nhập quốc dân bình quân đầu người tăng cao, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh hạn mức trong khung quy định tại Luật trên cơ sở đề nghị của tổ chức BHTG sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính và NHNN.

 

Bên cạnh đó, cần điều chỉnh khung hạn mức ngoài biên độ giới hạn của khung trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc trường hợp bất thường khác, Chính phủ trình phương án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thay đổi hạn mức ngoài khung hoặc chuyển sang chi trả không giới hạn.

 

Đồng thời, để đảm bảo tính độc lập, khách quan và nghiêm minh vì lợi ích của nền kinh tế và sự ổn định của hệ thống tài chính thì chính phủ cần phải nhanh chóng tổ chức lại và nâng cao năng lực của hệ thống giám sát. Bởi lẽ, thực tế, hệ thống giám sát tài chính còn rất yếu, không độc lập, khách quan và thiếu minh bạch. Sự yếu kém này thể hiện rõ nhất ở chỗ chính phủ dường như phải bảo hiểm 100% tiền gửi ngay cả trong điều kiện bình thường (như trong điều kiện khủng hoảng). Vì vậy, phải giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng theo chuẩn mực rủi ro để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền nhưng cũng nhằm giảm thiểu rủi ro cho BHTG.

 

- Xin cảm ơn ông!