Rủi ro đạo đức
Theo Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), rủi ro đạo đức trong hệ thống BHTG là việc người gửi tiền hoặc các chủ nợ chấp nhận quá nhiều rủi ro khi họ tin rằng mình luôn được bảo vệ trước thiệt hại, hoặc các tổ chức tham gia BHTG sẽ không bao giờ đổ vỡ. Theo đó, người gửi tiền sẽ ít quan tâm tới việc thu thập thông tin để kiểm soát hoạt động của tổ chức gửi tiền, dẫn đến tình trạng một số ngân hàng yếu kém có thể huy động tiền gửi với mức lãi suất không tương xứng mức độ rủi ro mà ngân hàng đó có thể gây nên.
Ngoài ra, việc các tổ chức tham gia BHTG cho rằng sẽ không bao giờ có đổ vỡ khiến khả năng chấp nhận rủi ro cao thông qua việc giảm vốn và dự trữ, từ đó gây khó khăn hơn trong việc giải quyết thanh khoản, đặc biệt khi xảy ra khủng hoảng.
Rủi ro đạo đức sẽ ảnh hưởng tới quy luật cung cầu về tiền gửi và làm nguy hại tới tính ổn định hoạt động ngân hàng. Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình tổ chức BHTG hiệu quả nhằm thiết lập kỷ cương thị trường, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực từ rủi ro đạo đức là một yêu cầu thiết yếu.
Rủi ro của tổ chức BHTG
Tổ chức BHTG được đánh giá là hoạt động hiệu quả khi đạt được những mục tiêu cơ bản về mô hình tổ chức, vốn hoạt động và vai trò, chức năng của tổ chức BHTG. Việc không đảm bảo ba yếu tố này sẽ được coi là rủi ro của tổ chức BHTG.
Thứ nhất là rủi ro về mô hình tổ chức. Rủi ro này phản ánh tình trạng xây dựng mô hình tổ chức BHTG không phù hợp, gây khó khăn cho quá trình thực hiện hiệu quả vai trò và chức năng đề ra. Theo đó, để chiếm được niềm tin của công chúng, tổ chức BHTG cần được thành lập theo mô hình tổ chức công, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Như vậy, chi phí về hoạt động BHTG mà người gửi tiền, tổ chức huy động tiền gửi và người đóng thuế phải chịu sẽ được giảm tối đa.
Ngoài ra, hoạt động BHTG tại một số quốc gia có thể được thành lập theo hình thức sở hữu tư nhân hoặc liên doanh nhà nước - tư nhân. Đối với các quốc gia có Ngân hàng Trung ương hoạt động độc lập với điều hành của Chính phủ đồng thời hệ thống ngân hàng có đầy đủ môi trường pháp lý để cạnh tranh bình đẳng, mô hình BHTG có thể được tổ chức dưới dạng phi chính phủ hay hoạt động theo hình thức hiệp hội.
Thứ hai, rủi ro về thiếu vốn hoạt động. Vốn hoạt động của tổ chức BHTG cần được đảm bảo để duy trì bộ máy vận hành cũng như triển khai các hoạt động hỗ trợ đối với tổ chức tham gia BHTG và chi trả kịp thời cho người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ. Trong trường hợp tổ chức BHTG không đủ khả năng tài chính để chi trả BHTG cho người gửi tiền, dẫn tới những khó khăn đe dọa sự ổn định của nhiều ngân hàng khác khi người gửi tiền kéo đến rút tiền hàng loạt tạo ra đổ vỡ mang tính dây chuyền. Trước tình trạng đó, tổ chức BHTG bị đóng cửa cũng là điều khó tránh khỏi.
Thứ ba, rủi ro khi không đảm bảo vai trò và chức năng của tổ chức BHTG. Việc quy định không đầy đủ hoặc thiếu tính hiệu lực trong thực thi vai trò và chức năng của tổ chức BHTG sẽ làm cho tổ chức đó không đạt được mục tiêu hoạt động đã đề ra đặc biệt với tổ chức BHTG chỉ đơn thuần thực hiện chức năng chi trả.
Với mục tiêu nâng cao niềm tin công chúng đối với hoạt động ngân hàng, chính sách BHTG thực thi vai trò bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền theo 2 hình thức bảo vệ trực tiếp và gián tiếp. Bảo vệ trực tiếp được thực hiện thông qua chi trả BHTG khi tổ chức tham gia BHTG mất khả năng thanh toán và chấm dứt hoạt động. Bảo vệ gián tiếp được thực hiện thông qua kiểm tra, giám sát, cảnh báo để đảm bảo kiểm soát rủi ro trong hoạt động của tổ chức tham gia BHTG. Chính vì vậy, trên cơ sở những kinh nghiệm quốc tế về các rủi ro được định vị đối với tổ chức BHTG, BHTG Việt Nam có thể tham khảo để triển khai hiệu quả chính sách BHTG, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền và duy trì an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng.