Tại PTI, doanh thu từ các nghiệp vụ bán lẻ như bảo hiểm con người, xe cơ giới vẫn chiếm khoảng 80% tổng doanh thu, trong khi doanh thu từ nghiệp vụ có nhiều khách hàng doanh nghiệp là hàng hải, tài sản kỹ thuật chỉ chiếm gần 20%, đạt gần 800 tỷ đồng trên tổng số 4.159 tỷ đồng doanh thu năm 2018.
Với BIC, các nghiệp vụ tăng trưởng chủ yếu trong danh mục vẫn là bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm con người. Trong đó, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm con người là động lực tăng trưởng chính của năm 2018. Doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm con người tăng 27,7% so với năm 2017 nhờ đột phá từ kênh bancassurance trong năm qua.
Năm 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu bảo hiểm xe cơ giới của BIC chỉ đạt 5,7% nhưng tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu vẫn chiếm tới 34,9% - cao nhất so với các nghiệp vụ khác.
Bảo hiểm tài sản chiếm 23% trên tổng doanh thu, tăng 36,5% so với năm 2017 nhờ tăng trưởng phí cao chủ yếu đến từ quy định biểu phí bắt buộc mới (Nghị định 23/2018 quy định về việc tăng mức phí của bảo hiểm cháy nổ, tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh, có mức tăng hoặc giảm khác nhau, nhưng mặt bằng chung đã tăng lên). Trong khi đó, nghiệp vụ bảo hiểm kỹ thuật giảm 14,6% và tàu thủy giảm 6,7% so với năm 2017 do xu hướng chung của thị trường giảm.
Lý giải về sự chênh lệch này, theo một số chuyên gia, bên cạnh các lý do khách quan như hoạt động đầu tư công giảm, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự có nhu cầu mua bảo hiểm cho hàng hoá..., thì bản thân nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng không đầu tư mạnh vào 2 nghiệp vụ này.
Mặc dù doanh thu từ 1 hợp đồng tài sản hoặc hàng hoá thường cao, nhưng công sức và thời gian bỏ ra để dành được hợp đồng thường rất lớn, các thủ tục nhận nhượng tái cũng phức tạp hơn so với bán lẻ. Ðó là chưa kể sự cạnh tranh tại 2 nghiệp vụ cũng vô cùng gay gắt, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm sẵn sàng hạ phí kịch sàn, khiến lợi nhuận thuần không cao, thậm chí chấp nhận lỗ để lấy doanh thu.
Ðơn cử, tại một doanh nghiệp bảo hiểm thuộc Top 5, doanh thu từ nghiệp vụ tài sản kỹ thuật khoảng 500 tỷ đồng, nhưng đã lỗ đến 45 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ chế hoa hồng cho người mua thường cao cũng là lý do khiến doanh nghiệp nản chí.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Lê Văn Thành - Tổng giám đốc Bảo Minh cho biết, đối với các nghiệp vụ bán buôn truyền thống như bảo hiểm hàng hải nhóm nghiệp vụ thân tàu biển và tàu sông, trong nhiều năm liên tục không có tăng trưởng, việc cạnh tranh phí và chi phí gay gắt dẫn đến thua lỗ nghiệp vụ.
Năm 2019 thị trường cũng chưa khả quan hơn, Bảo Minh đang đứng trước những thách thức lớn để duy trì nghiệp vụ truyền thống này. Ngoài ra, việc thực hiện chủ trương siết chặt kỷ luật khai thác đối với nhóm rủi ro Cat 4-5 chủ yếu tại các khu công nghiệp dự báo sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tình hình thực hiện doanh thu chung trong năm của Bảo Minh.
“Bảo Minh sẽ thay đổi chiến lược đối với nghiệp vụ bán buôn, đẩy mạnh doanh thu nghiệp vụ xe cơ giới. Ngoài ra, năm 2019, Bảo Minh sẽ tập trung vào bảo hiểm con người vốn có tiềm năng lớn, đồng thời phát triển các gói chăm sóc sức khỏe và bán qua các công ty tài chính”, CEO Bảo Minh cho hay.
Ðược biết, đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, Bộ Tài chính đã có quy định áp dụng phí sàn từ năm 2017 và bắt đầu từ năm 2019, Bộ sẽ tăng cường giám sát kiểm tra việc thực hiện quy định này với mức phạt cho các lỗi vi phạm từ 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng mỗi hành vi.