Bảo hiểm phi nhân thọ “bỏ qua” quý II

Bảo hiểm phi nhân thọ “bỏ qua” quý II

(ĐTCK) Sau khi thị trường bảo hiểm phi nhân thọ quý I/2013 báo cáo tăng trưởng âm lần đầu tiên, các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục bày tỏ mối lo ngại cho viễn cảnh quý II, kỳ vọng bắt đầu từ quý III.

Bảo hiểm phi nhân thọ “bỏ qua” quý II ảnh 1Cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục gay gắt

 

Quý I: doanh thu giảm, bồi thường tăng

Theo thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, trong quý I/2013, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc ước đạt 5.832 tỷ đồng, giảm 5,58% so với cùng kỳ năm 2012. Con số tăng trưởng âm này hoàn toàn đảo ngược so với kết quả tăng trưởng hơn 20% trong quý I/2012 và tăng trưởng 10% của cả năm 2012.

Phí bảo hiểm gốc của hầu hết DN dẫn đầu thị trường đều giảm mạnh: Bảo hiểm Bảo Việt giảm 6,71%, Bảo hiểm PVI giảm 13,19%, Bảo hiểm Bảo Minh giảm 10,4%, Bảo hiểm Bưu điện giảm 42,6%. Riêng doanh thu phí của Pjico tăng 6,58%.

Góp phần chính yếu vào con số âm 5,58% nêu trên là mảng bảo hiểm tài sản thiệt hại, doanh thu phí tại mảng này giảm gần 26%, xuống 1.175 tỷ đồng. Doanh thu tại các mảng nghiệp vụ lớn khác gồm bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người vẫn tăng, lần lượt là 7,7% và 18,3%, lên 1.805 tỷ đồng và 1.015 tỷ đồng.

Trong khi doanh thu giảm, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc lại tăng đáng kể. Tỷ lệ này tăng từ 31,53% trong quý I năm ngoái lên 35,93% trong quý I năm nay, với con số bồi thường tuyệt đối ước khoảng 2.092 tỷ đồng. Những DN có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao là SVIC (94,15%), Liberty (65,54%), AAA (56,13%), Bảo Việt (55,12%) và Bảo Việt -­Tokio Marine (50,13%).

Việc giảm doanh thu và tăng bồi thường tất yếu đi kèm với giảm lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm tại nhiều công ty. Bảo hiểm PVI, công ty đứng thứ hai về thị phần phí trong quý I/2013 báo cáo lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ so với cùng kỳ năm trước giảm 35,6%, chỉ đạt 134,7 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của PVI giảm 33%, xuống 100 tỷ đồng.

Thực tế, lợi nhuận quý I đã thu hẹp mạnh đúng như dự báo từ đầu năm của các DN bảo hiểm: lợi nhuận sau thuế của Bảo Minh giảm 33%, PVI giảm 32%, Bảo Việt giảm 26%, Pjico giảm 13%, mặc dù chi phí được kiểm soát chặt.

Chính sách cắt giảm chi phí mà các DN bảo hiểm đề ra từ đầu năm được thể hiện rõ ở Bảo Minh, Pjico và BIC. Trong quý I/2013, Pjico đã giảm chi phí cho hoạt động kinh doanh tài chính xuống 4,9 tỷ đồng, từ mức 7,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái; Bảo Minh giảm chi phí cho hoạt động tài chính từ 19,1 tỷ đồng xuống 17,6 tỷ đồng; PVI và Bảo Việt có chi phí tài chính tăng, nhưng chủ yếu do không được hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư như trong quý I/2012, bởi TTCK chưa khởi sắc.

 

Kỳ vọng từ quý III

Đại diện PVI cho biết, tình hình thị trường bảo hiểm từ đầu năm đến nay rất khó khăn, chủ yếu do cắt giảm đầu tư công và các doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu, riêng mảng bảo hiểm xe cơ giới là thế mạnh của PVI cũng giảm mạnh tăng trưởng. Nói về triển vọng quý II/2013, vị này cho rằng, quý I năm ngoái là kỳ tốt nhất thị trường nên khả năng ấm lên trong các quý sau là rất thấp.

“Tôi cho rằng, quý II/2013, thị trường bảo hiểm vẫn chưa thể ấm lên được. Quý I năm nay, thị trường giảm gần 6% nên chỉ cần cả năm tăng trưởng 10% cũng đã là rất mừng”, đại diện PVI nói.

Ngay cả những công ty báo cáo kết quả kinh doanh bảo hiểm cải thiện so với cùng kỳ năm trước như Bảo Minh, Bảo Việt cũng cho rằng, khó khăn sẽ tiếp diễn trên thị trường bảo hiểm từ nay đến cuối năm.

Theo Tập đoàn Bảo Việt, đơn vị tăng 7% lợi nhuận từ hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ (đạt 55,4 tỷ đồng) trong quý I/2013, việc tăng lợi nhuận không phản ánh thị trường đã bớt khó khăn hơn. Ông Lê Hải Phong, Giám đốc Khối quản lý tài chính của Tập đoàn Bảo Việt cho biết, trong quý I/2013, Tập đoàn giảm doanh thu, nhưng đồng thời giảm được rủi ro nên đã cải thiện được kết quả lợi nhuận nghiệp vụ.

Đại diện của Bảo Minh, doanh nghiệp lãi 8,7 tỷ đồng hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong quý I/2013, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ nghiệp vụ 3,8 tỷ đồng nói rằng, ngay cả khi Công ty đã nỗ lực để có lãi nghiệp vụ trong quý I, nhưng kết quả của quý II vẫn là điều chưa thể nói trước. Tình hình cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tiếp diễn gay gắt từ đầu năm tới nay, thậm chí có phần phức tạp hơn khi các hoạt động cạnh tranh phi kỹ thuật như giảm phí, mở rộng điều khoản, tăng điều khoản bổ sung đang phổ biến hơn.

“Chúng tôi đã hoạt động tốt trong quý I, nhưng với tình hình khó khăn tiếp diễn, kết quả quý II là chưa khẳng định trước được”, đại diện Bảo Minh nói.

“Sau những thông tin về giải pháp hỗ trợ thị trường như Công ty Quản lý tài sản Việt Nam chuẩn bị được thành lập, gói tín dụng ưu đãi cho thị trường bất động sản trị giá 30.000 tỷ đồng được triển khai…, hiện có hai luồng ý kiến chính: nền kinh tế sẽ ấm lên từ quý III hoặc cuối năm. Chúng tôi nghiêng về luồng ý kiến thứ hai”, đại diện Bảo Minh nói.