Kế hoạch lợi nhuận 2021 của BIC giảm tới hơn 22% so với năm 2020

Kế hoạch lợi nhuận 2021 của BIC giảm tới hơn 22% so với năm 2020

Bảo hiểm phi nhân thọ “bảo hiểm” lợi nhuận 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất ở mức thấp khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải thận trọng cho kế hoạch kinh doanh 2021.

Dù vừa kết thúc năm 2020 với các chỉ tiêu kinh doanh đều hoàn thành vượt mức với tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc (chưa bao gồm doanh thu bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/2014) đạt 3.498 tỷ đồng, tăng 14,6% so với thực hiện năm 2019 và lợi nhuận đạt được cũng cao nhất từ trước tới nay với 217 tỷ đồng, hoàn thành 120 kế hoạch năm và tăng 8,1% so với năm 2019, nhưng Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) vẫn thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2021 khi lường trước được những khó khăn trước mắt.

Theo đó, trong năm 2021, PJICO đặt mục tiêu tổng doanh thu bảo hiểm gốc đạt 3.565 tỷ đồng (không bao gồm doanh thu bảo hiểm tàu cá), tăng 6% so với thực hiện năm 2020; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 202 tỷ đồng, giảm 15 tỷ đồng so với kết quả năm 2020.

Theo đại diện PJICO, lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2020 chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính, nên việc lãi suất tiền gửi dự báo tiếp tục duy trì ở mức thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận năm nay.

Đối với các nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm, năm 2021 dự báo kinh doanh các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, tàu thủy, hàng hóa, tài sản kỹ thuật sẽ khó khăn hơn do khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề sau 03 đợt dịch Covid-19 và giãn cách xã hội từ đầu năm 2020, dẫn đến việc khách hàng cắt giảm hoặc không mua bảo hiểm để tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, trong quý IV/2020, Việt Nam đã xảy ra nhiều thiên tai với tổn thất lớn về người và tài sản. Các vụ việc phát sinh trong cuối năm 2020 sẽ được giải quyết và chi trả trong năm 2021 và điều này cũng tác động mạnh đến hiệu quả kinh doanh của PJICO.

“Trên cơ sở đánh giá điều kiện thực tiễn thị trường bảo hiểm cũng như của doanh nghiệp, HĐQT PJICO đã quyết định điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận phù hợp”, một lãnh đạo cấp cao PJICO nói.

Tại Bảo hiểm BIDV (BIC), doanh nghiệp cũng gặp nhiều thuận lợi trong năm 2020 khi tỷ lệ bồi thường xe cơ giới thấp do tần suất bồi thường giảm, một phần đáng kể nhờ các giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể tăng trở lại trong năm 2021 khi các hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Về hoạt động đầu tư tài chính, các hợp đồng tiền gửi có lãi cao (trên 7%/năm) từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2020 đã hết hạn vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, các hợp đồng tái tục sẽ có lãi suất sụt giảm đáng kể… nên doanh thu tài chính sẽ không còn cao như năm trước.

Trên cơ sở đó, BIC xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 2.830 tỷ đồng, tăng 10,5% so với thực hiện năm 2020, nhưng lợi nhuận hợp nhất trước thuế giảm tới 22,2% về mức 292 tỷ đồng.

Cũng trong tâm thế thận trọng khi đưa ra chỉ tiêu kinh doanh năm 2021, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đặt kế hoạch tổng doanh thu 6.600 tỷ đồng và lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm 141 tỷ đồng, tăng lần lượt 9,2% và 8, 7% so với kết quả năm 2020.

Tuy nhiên, đối với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế, PTI đặt mục tiêu ở mức 208 tỷ đồng, giảm 16,9% so với năm 2020, đồng thời giữ nguyên mức cổ tức là 10%. Theo đại diện PTI, lợi nhuận đầu tư dự kiến giảm là do lãi suất tiền gửi trong năm 2021 giảm mạnh so với năm 2020. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh số hóa quy trình, hệ thống nhằm mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, nên cần nguồn ngân sách lớn để đầu tư cho công nghệ.

Lãnh đạo PTI cho biết, trước mắt, PTI sẽ tập trung ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực giải quyết bồi thường, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và minh bạch toàn bộ quy trình làm việc với khách hàng. Cuối năm 2020, PTI đã cho ra mắt ứng dụng PTI - Giám định viên và bước đầu thu được kết quả khả quan, bao gồm năng suất lao động của giám định viên tăng 30%, thời gian giải quyết bồi thường được rút ngắn 50% so với trước đây...

“PTI xác định đầu tư cho công nghệ là chiến lược dài hơi và tốn kém, khi thành công sẽ mang lại những ‘trái ngọt’ về lòng tin của khách hàng, với thương hiệu cùng lợi thế cạnh tranh vượt trội trong bối cảnh thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ngày một phát triển hơn”, vị lãnh đạo PTI nhấn mạnh.

Theo các công ty bảo hiểm, một trong những yếu tố giúp đạt doanh thu cao trong năm 2020 là nghiệp vụ bảo hiểm bán lẻ tăng trưởng tích cực. Cụ thể, dịch bệnh giúp người dân quan tâm đến bảo vệ sức khỏe và bảo hiểm hơn; bảo hiểm xe cơ giới cũng được hưởng lợi từ Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ và nhu cầu mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới tăng…

Tuy nhiên, năm 2021, nghiệp vụ bảo hiểm xe máy sẽ không còn hiệu ứng này nữa. Ở mảng bán lẻ, cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt, không chỉ các doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ mà cả doanh nghiệp bảo hiểm lớn cũng thực hiện chủ trương tăng doanh thu bằng việc hạ phí, tăng khuyến mãi, mở rộng điều kiện điều khoản bảo hiểm… nhằm chiếm lĩnh thị phần. Trong khi đó, thị trường tái bảo hiểm Việt Nam và thế giới được cho là tiếp tục gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, điều này dẫn đến việc đàm phán tái tục các hợp đồng tái bảo hiểm cho các lĩnh vực bảo hiểm hàng hải, tài sản, hỗn hợp, kỹ thuật… ngày càng khó hơn.

Bên cạnh đó, việc lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng có thể giảm về mức thấp hơn so với hiện nay để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi đại dịch theo yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng góp phần làm sụt giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm, bởi theo định, các doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo một tỷ lệ tiền gửi nhất định tại ngân hàng để đảm bảo an toàn vốn.

“Lợi nhuận tiền gửi chiếm tỷ trọng chính trong lợi nhuận hoạt động đầu tư tài chính của BIC, cho nên mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm mạnh sẽ khiến lợi nhuận chung năm 2021 giảm đáng kể so với năm 2020”, lãnh đạo BIC thông tin.

Tin bài liên quan