Thị trường BHNT được dự báo tăng trưởng khoảng 20% trong năm 2016

Thị trường BHNT được dự báo tăng trưởng khoảng 20% trong năm 2016

Bảo hiểm nhân thọ, thêm một năm 2016 tăng trưởng mạnh

(ĐTCK) “Tôi chưa thấy yếu tố có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của khối bảo hiểm nhân thọ (BHNT) trong năm 2016”, lãnh đạo cấp cao của một công ty bảo hiểm chia sẻ như vậy với Đầu tư Chứng khoán về tương lai của BHNT năm 2016.

Vị này còn dự báo, tốc độ tăng trưởng của thị trường BHNT năm 2015 sẽ được lặp lại trong năm 2016 với mức tăng gần 30%. Tất nhiên, đây là cái nhìn rất lạc quan và có những cơ sở nhất định.

2016: Tăng trưởng trên 20%?

Đại diện Prudential Việt Nam đánh giá, có 5 yếu tố giúp thị trường BHNT tăng trưởng mạnh trong năm 2015, đó là:

Thứ nhất, sự tăng trưởng của khai thác phí mới, thể hiện qua nhận thức của người dân về nhu cầu bảo vệ đang ngày càng cao. Đây là cơ hội cho sự tăng trưởng, phát triển của thị trường trong những năm tới.

Thứ hai, những cách tiếp cận mới của các doanh nghiệp BHNT tạo ra những sản phẩm gần gũi và thiết thực hơn, tiệm cận gần nhất với nhu cầu của khách hàng, từ đó tạo nên những định hướng, chuyển biến của ngành, thu hẹp khoảng cách cung cầu.

Thứ ba, thu nhập của người dân đang tăng lên. Thu nhập GDP bình quân đầu người đã tiệm cận “điểm uốn” của thị trường (3.000 USD), là thời điểm người dân bắt đầu có nhu cầu và tiêu dùng các sản phẩm liên quan đến bảo hiểm nhiểu hơn.

Thứ tư, lãi suất ngân hàng thấp, nên bảo hiểm sẽ hấp dẫn hơn khi được coi là kênh vừa đầu tư, vừa bảo vệ kết hợp với nhau.

Thứ năm, các doanh nghiệp bảo hiểm đều có chiến lược kinh doanh vững chắc và dài hạn, cộng thêm thế mạnh từ thương hiệu nên tạo được niềm tin nơi khách hàng.

“Với những dấu hiệu lạc quan, năm 2016 sẽ là năm tăng trưởng nhanh, tăng trưởng cao của ngành bảo hiểm”, đại diện Prudential Việt Nam nhìn nhận. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, mức độ tăng trưởng của thị trường BHNT sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố vĩ mô, điển hình là từ lãi suất.

Không chỉ từ phía doanh nghiệp, một số cơ quan liên quan cũng có cái nhìn lạc quan về thị trường BHNT trong năm tới. Theo nhận định của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), thị trường BHNT sẽ đạt mức tăng trưởng trên 20% trong năm 2016.

Về mô hình phân phối năm 2016, bà Nguyễn Ngọc Trang, Tổng giám đốc VietinAviva cho rằng, Bancassurance sẽ có nhiều bứt phá so với những năm trước đây để trở thành một kênh quan trọng trên thị trường bảo hiểm.

Thực tế, tất cả các doanh nghiệp đang phát triển kênh Bancassurance đều đang cố gắng đẩy doanh thu kênh này lên mức 10% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm của công ty mình. Đối với việc phát triển sản phẩm, một số ý kiến cho rằng, sẽ có thêm nhiều dòng sản phẩm mới, đặc biệt là những sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư khi thị trường chứng khoán hồi phục.

Không chỉ là sự thay đổi của kênh phân phối và sản phẩm, theo bà Trang, tính cạnh tranh trên thị trường BHNT sẽ khốc liệt hơn khi tiếp tục đón thêm nhiều “tân binh”. Chính vì thế, các công ty bảo hiểm sẽ ngày càng chú trọng đến chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng để tăng cường năng lực cạnh tranh, cũng như tạo ra các giá trị cốt lõi cho một ngành kinh doanh đầy tính nhân văn như bảo hiểm. 

Nhìn lại, chưa hẳn toàn “màu hồng”

Không phủ nhận thị trường BHNT đang có đà tăng trưởng tốt và tương lai cũng lạc quan. Tuy nhiên, thị trường này có thực sự “toàn màu hồng” theo tốc độ tăng trưởng của cả doanh thu khai thác mới và tổng doanh thu?

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia trong ngành cho biết, thị trường BHNT đang tăng trưởng nhanh cả về doanh thu phí khai thác mới và tổng doanh thu phí, nhưng số lượng hợp đồng lại không tăng tương ứng, thậm chí còn giảm so với cùng kỳ.

9 tháng đầu năm 2015, tổng số lượng hợp đồng bảo hiểm đã giảm 2% so với cùng kỳ 2014 và giảm 6% so với đầu năm. Số lượng hợp đồng giảm so với đầu năm là do hợp đồng đáo hạn hoặc bị hủy, điều này cũng có nghĩa là quy mô thị trường tăng về doanh thu, nhưng lại suy giảm về độ bao phủ, tức là số người được bảo hiểm bảo vệ đang suy giảm.

Nguyên nhân của thực trạng này có thể là vì hợp đồng bị hủy trong kỳ bởi nhiều lý do khác nhau (không đủ tiền đóng tiếp, đáo hạn… ); hợp đồng đáo hạn nhưng không tiếp tục được bảo hiểm vì khách hàng không đủ khả năng tài chính do tuổi tham gia bây giờ lớn hơn 10 - 15 năm trước nên giá phí cao hơn nhiều, hoặc điều kiện sức khỏe kém hơn nên không được công ty bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm mới.

Ngoài ra, cũng có thể do kiến thức về bảo hiểm nhân thọ chưa đầy đủ, khách hàng mua những hợp đồng bảo hiểm dạng tiết kiệm mệnh giá quá nhỏ, nên khi đáo hạn thấy không như kỳ vọng, hoặc so với trượt giá nên khách hàng không tái tục những hợp đồng mới… 

Khơi thông “dòng chảy”

Thực tế, để tỷ lệ khách hàng tiếp tục duy trì cũng như tái tục hợp đồng cao hơn  luôn là trăn trở của các doanh nghiệp bảo hiểm. Bởi vậy, bên cạnh việc đưa ra thị trường nhiều sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu bảo hiểm của người dân, các công ty bảo hiểm cũng rất nỗ lực trong việc nâng cao nhận thức người dân về bảo hiểm thông qua việc đẩy mạnh chất lượng các đại lý tư vấn tài chính bảo hiểm….

“Quan trọng hơn cả là đại lý tư vấn phải tư vấn đúng và đủ về nhu cầu bảo hiểm của từng khách hàng. Đây là yếu tố rất quan trọng không chỉ để có thêm khách hàng mới, mà còn là một trong những lý do để khách hàng tiếp tục đóng phí đến hết hiệu lực hợp đồng”, một chuyên gia trong ngành cho biết.

Nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng của thị trường bảo hiểm, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hơn nữa, hoàn thành tốt các mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2020, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã xây dựng hai Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh bảo hiểm theo nguyên tắc đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch, tính bình đẳng cho các chủ thể tham gia thị trường bảo hiểm.

Về cơ bản, 02 Nghị định mới sẽ kế thừa nội dung của 04 Nghị định hiện hành (Nghị định 45/2007/NĐ-CP, Nghị định 46/2007/NĐ-CP, Nghị định 103/2008/NĐ-CP, Nghị định 123/2011/NĐ-CP) và sửa đổi, bổ sung 15 nội dung gồm: mức giữ lại trong trường hợp tái bảo hiểm; đối tượng được hưởng hoa hồng bảo hiểm; quy định về người có liên quan; hệ thống công nghệ thông tin, thời hạn chứng chỉ đại lý bảo hiểm; đầu tư, dự phòng nghiệp vụ đối với bảo hiểm sức khỏe, dự phòng rủi ro thiên tai; doanh thu hoạt động môi giới bảo hiểm; phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm; điều kiện, tiêu chuẩn của các cổ đông xin thành lập công ty cổ phần bảo hiểm; điều kiện đầu tư kinh doanh và các vấn đề khác có liên quan…. Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành trong quý III/2016.            

Bảo hiểm nhân thọ, thêm một năm 2016 tăng trưởng mạnh ảnh 1

Ông Phùng Đắc Lộc,  Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI)
 

Cùng với việc đạt được tốc độ tăng trưởng cao năm 2015, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã đầu tư vào nền kinh tế từ dự phòng nghiệp vụ và vốn chủ sở hữu ước đạt 152.540 tỷ đồng tăng 18% so với năm 2014 (129.000 tỷ đồng). Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong đó có các doanh nghiệp BHNT đã mua trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm giá trị trên 6.000 tỷ đồng, thể hiện vai trò của ngành bảo hiểm là kênh huy động vốn trung và dài hạn của Chính phủ…. 

Năm 2016, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đón nhận nhiều cơ hội cũng như thử thách. Việc chuẩn bị triển khai các Hiệp định thương mại như TPP (Hiệp định thương mại châu Á Thái Bình dương) hay các FTA và khối cộng đồng kinh tế ASEAN… sẽ tạo ra nhiều nhu cầu để doanh nghiệp bảo hiểm khai thác. 
Ngoài ra, trong thời gian tới, chế độ quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ được tăng cường với việc sửa đổi, bổ sung nghị định thay thế các nghị định hướng dẫn thi hành luật kinh doanh bảo hiểm; quy định điều kiện kinh doanh cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện kể từ ngày 1/6/2016; xử lý hình sự các hành vi trục lợi bảo hiểm… nên đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ pháp luật, nâng cao năng lực quản trị và điều hành, qua đó cải thiện năng lực cạnh tranh tốt hơn. Dự báo năm 2016, kinh doanh BHNT sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 20%. 
Tin bài liên quan