Bảo hiểm nhà ở, ai “bảo hiểm” cho DN bảo hiểm?

Bảo hiểm nhà ở, ai “bảo hiểm” cho DN bảo hiểm?

(ĐTCK) Không chỉ các doanh nghiệp xây dựng và nhiều chuyên gia trong ngành nhận định quy định bắt buộc các dự án bất động sản phải mua bảo hiểm nhà ở cho người mua nhà sẽ khó khả thi, ngay cả các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cho rằng, quy định này khó có thể triển khai.

Bảo hiểm nhà ở, ai “bảo hiểm” cho DN bảo hiểm?  ảnh 1

Trước tình hình nhiều phương án kích cầu nhằm phá băng thị trường nhà đất vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, Bộ Xây dựng dự định sẽ ban hành quy định bắt buộc các chủ đầu tư dự án phải mua bảo hiểm nhà ở cho người mua nhà. Quy định này nhằm gỡ bỏ tâm lý e ngại của người dân về tiến độ xây dựng của các dự án, đảm bảo sự an toàn cho số tiền mà người mua nhà đã đóng, lấy lại niềm tin trên thị trường bất động sản. Theo dự thảo quy định mới này, tiền bảo hiểm sẽ được tính vào giá căn hộ để trong trường hợp chủ đầu tư sử dụng vốn sai mục đích, mất khả năng thanh khoản thì khách hàng sẽ không mất tiền do đã mua bảo hiểm. Để đạt được điều này, các chuyên gia trong ngành xây dựng dự tính sẽ phải có cam kết tay ba: xây dựng - bảo hiểm - ngân hàng…

Mặc dù thông tin này mới được đưa ra, nhưng không chỉ các DN xây dựng cho rằng quy định này khó khả thi, mà các DN bảo hiểm phi nhân thọ - nhân tố tưởng chừng sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ thông tin này, cũng không mặn mà.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một DN bảo hiểm phi nhân thọ nội địa cho biết, quy định này khó khả thi vì thị trường nhà ở quá quá rủi ro nên sẽ không có nhiều DN bảo hiểm dám đứng ra bán. “DN bảo hiểm không có khả năng quản lý xem chủ đầu tư có sử dụng vốn đúng mục đích hay không, họ cũng không thể quản lý được luồng tiền của nhà đầu tư… Bán bảo hiểm như thế chả khác nào ‘thả gà ra đuổi’ ”, vị đại diện chia sẻ.

Đại diện một DN bảo hiểm khác phân tích, ngay cả trong trường hợp có phối hợp với bên thứ 3 là ngân hàng - tiền giải ngân qua ngân hàng, thì đối với các DN bảo hiểm, quy trình như vậy cũng rất phức tạp. “Theo quy trình bình thường, công ty bảo hiểm thẩm định rủi ro, ký hợp đồng rồi thu phí của khách hàng, nếu xảy ra rủi ro thì bảo hiểm bồi  thường cho khách hàng. Còn theo quy trình 3 bên, khi ký hợp đồng bảo hiểm xong, DN bảo hiểm lại phải loay hoay kiểm tra, giám sát chủ đầu tư cùng với bên thứ 3 là ngân hàng. Có nguy cơ bồi thường cả một đống tiền, nhưng DN bảo hiểm lại phụ thuộc vào một nhân tố thứ ba không kiểm soát được… Sẽ không DN bảo hiểm nào dám mạo hiểm như thế”.

Thực tế, ở phân khúc nhà ở, cũng đã có khá nhiều quy định về bảo hiểm như phải mua bảo hiểm cháy nổ trong chung cư hay bảo hiểm nhà tư nhân…, nhưng cũng không nhiều khách hàng mặn mà với các hình thức bảo hiểm này. Ngoài việc ý thức phòng ngừa rủi ro của người dân còn chưa cao thì hiện cũng đang tồn tại một thực tế là khi muốn mua bảo hiểm cháy nổ cho các khu chung cư, phải có chứng nhận đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy. Trong khi đó, nhiều căn hộ chung cư mới, nếu chiếu theo các tiêu chí để cấp chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy thì không phải nơi nào cũng đạt được.

Hay như với sản phẩm bảo hiểm nhà tư nhân là sản phẩm trọn gói, cung cấp hai giải pháp bảo hiểm cho ngôi nhà và tài sản bên trong ngôi nhà, áp dụng cho tất cả đối tượng khách hàng (chủ nhà hoặc khách thuê nhà)… Dù sản phẩm đang được hầu hết DN bảo hiểm phi nhân thọ triển khai, nhưng các DN cũng mới chỉ tiếp cận được tới số ít khách hàng, doanh thu phí còn rất thấp. Nguyên nhân thì có rất nhiều như: thủ tục kê khai giá trị tài sản phức tạp, phạm vi bảo hiểm cố định chưa linh hoạt, việc định giá tài sản khi phát sinh tổn thất khó khăn theo cơ sở bảo hiểm dưới giá trị và tính khấu hao, dẫn đến thời gian giải quyết khiếu nại kéo dài…

Trở lại với dự định sẽ xây dựng quy định bắt buộc các dự án phải mua bảo hiểm nhà ở cho người mua nhà của Bộ Xây dựng. Theo các DN bảo hiểm, ngay cả trường hợp hóa giải được những bất cập trên (khi các bên liên quan chính thức cùng nhau có những cuộc trao đổi trực tiếp tìm ra phương án tốt nhất), thì họ cũng quá không hy vọng quy định mới mẻ này có thể khơi thông được phân khúc bảo hiểm nhà ở khi chính thức được đưa vào thực thi.