Quyền lợi kém linh hoạt, thuế, phí cao… là những lý do khiến bảo hiểm hưu trí tự nguyện chưa phát triển ở Việt Nam. Ảnh: Shutter

Quyền lợi kém linh hoạt, thuế, phí cao… là những lý do khiến bảo hiểm hưu trí tự nguyện chưa phát triển ở Việt Nam. Ảnh: Shutter

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện trôi vào quên lãng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từng được kỳ vọng là giải pháp tài chính lâu dài, bền vững, góp phần đưa Việt Nam bắt kịp xu thế chung trên thế giới về hệ thống an sinh xã hội, vậy nhưng dường như bảo hiểm hưu trí tự nguyện đang bị quên lãng…

Tỷ trọng doanh thu phí chưa tới 1%

Xuất hiện trên thị trường từ gần 8 năm trước (tháng 10/2013), nhưng đến nay, tỷ trọng doanh thu phí của bảo hiểm hưu trí tự nguyện vẫn vô cùng khiêm tốn, đạt chưa đầy 1% tổng doanh thu phí toàn thị trường.

Dai-ichi Life Việt Nam là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên triển khai sản phẩm này trên thị trường (ngày 15/10/2013), tiến đến là Manulife , AIA Việt Nam và PVI Sunlife (nay là Sun Life Việt Nam). Trong đó, có Dai-ichi Life Việt Nam và Bảo Việt Nhân thọ phát triển dòng sản phẩm hưu trí tự nguyện dành cho cả khách hàng nhóm và cá nhân, trong khi Manulife Việt Nam, Sun Life Việt Nam và AIA Việt Nam tập trung cho nhóm người lao động làm việc tại doanh nghiệp, còn Prudential Việt Nam phát triển dòng sản phẩm dành cho cá nhân.

Thực tế, rất khó để có số liệu thống kê chính xác của loại hình bảo hiểm này từ các công ty bảo hiểm nhân thọ, bởi sản phẩm không bán được nên nhà bảo hiểm không thường xuyên thống kê. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Manulife Việt Nam dù nói rằng bảo hiểm hưu trí tự nguyện là một trong những dòng sản phẩm quan trọng với nhu cầu khách hàng đang tăng lên, nhưng cũng không cho biết con số cụ thể.

Liên hệ với Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) thì được cung cấp số liệu trong vài năm gần đây, nhưng cũng không đầy đủ. Kết thúc năm 2020, tỷ trọng doanh thu phí của sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện đạt 0,8%/tổng doanh thu, giảm so với mức 0,98% của 9 tháng đầu năm 2020 và 2,7% của 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất với 61,9% tổng doanh thu phí, tiếp theo là bảo hiểm hỗn hợp 25,9%; bảo hiểm bổ trợ 10,4%; bảo hiểm tử kỳ 1%.

Xu hướng giảm tỷ trọng doanh thu phí không chỉ diễn ra trong năm 2020, mà đã xuất hiện từ những năm trước. Cụ thể, doanh thu phí khai thác mới 6 tháng đầu năm 2017 bảo hiểm hưu trí tự nguyện (nằm trong nhóm các nghiệp vụ bảo hiểm khác như bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm liên kết đơn vị) chiếm tỷ trọng 3,5%/tổng doanh thu khai thác phí mới, nhưng đến 6 tháng đầu năm 2019 giảm xuống còn 2,32%.

Khách hàng không quan tâm, doanh nghiệp bảo hiểm cũng không mấy mặn mà, nên tỷ trọng doanh thu bảo hiểm hưu trí giảm sút là tất yếu. Hiện tại, chỉ còn vài doanh nghiệp còn phát triển dòng sản phẩm này, trong đó có Sun Life Việt Nam khi mới đây, nhà bảo hiểm này cho ra mắt một sản phẩm thiết kế riêng cho các doanh nghiệp mua cho người lao động.

Bảo hiểm hưu trí thiết kế riêng cho doanh nghiệp được Sun Life Việt Nam xem là thế ngay từ khi gia nhập thị trường, nhưng vì thị phần và doanh thu phí bảo hiểm chung còn khiêm tốn nên chưa thể “tạo sóng” trong phân khúc này.

Sản phẩm kém linh hoạt, thuế phí không hấp dẫn

Chia sẻ nguyên nhân thất bại của bảo hiểm hưu trí tự nguyện, đại diện một công ty bảo hiểm cho biết, có 3 lý do chính. Thứ nhất, sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện có quyền lợi kém linh hoạt khi khách hàng phải đúng tuổi về hưu mới được nhận tiền, phải tuân thủ một số nguyên tắc như bảo hiểm xã hội…; thứ hai, thuế doanh nghiệp được khấu trừ khi mua sản phẩm này cho người lao động thấp, chỉ 3,6 triệu đồng/tháng, nên không hấp dẫn doanh nghiệp tham gia; thứ ba, khách hàng vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân (10%) khi rút tiền bảo hiểm hưu trí. Ngoài ra, hoa hồng cho đại lý cũng không cao nên không tạo động lực cho đại lý bán sản phẩm.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Manulife Việt Nam cho hay, chính sách khuyến khích phát triển chương trình hưu trí tự nguyện (sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện và quỹ hưu trí tự nguyện) ở Việt Nam đã tập trung ưu đãi về thuế, phí, nhưng vẫn rất thấp (chỉ 1 triệu đồng/tháng) nếu so với các quốc gia khác đang áp dụng cơ chế này, vốn thường được quy định tối thiểu ở mức bằng GDP bình quân đầu người.

Thực tế, có nhiều lý do khiến bảo hiểm hưu trí tự nguyện chưa phát triển ở Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận ưu điểm cũng như tiềm năng của dòng sản phẩm này. Bởi vậy, để bảo hiểm hưu trí tự nguyện trở nên hấp dẫn hơn, có tính cạnh tranh cao hơn, theo các chuyên gia, Bộ Tài chính cần xem xét đối chiếu với GDP bình quân đầu người của Việt Nam để quy định miễn thuế phù hợp hơn, vì mức 1 triệu đồng/tháng như hiện nay khó tạo động lực tham gia quỹ hưu trí tự nguyện đối với người lao động. Đồng thời, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về bảo hiểm hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí tự nguyện.

Tin bài liên quan