Việc học sinh phải học online tại nhà khiến bảo hiểm học sinh khó khai thác. Ảnh: Dũng Minh

Việc học sinh phải học online tại nhà khiến bảo hiểm học sinh khó khai thác. Ảnh: Dũng Minh

Bảo hiểm học sinh “mất mùa”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mỗi mùa tựu trường là mỗi “mùa gặt” của bảo hiểm học sinh - sinh viên, thế nhưng năm nay dịch bệnh kéo dài khiến việc khai thác mới gặp khó khăn, báo hiệu một năm “mất mùa”.

Bảo hiểm học sinh - sinh viên là một loại hình bảo hiểm tự nguyện, luôn được đánh giá là phân khúc giàu tiềm năng bởi phụ huynh ngày càng quan tâm đến việc chọn mua bảo hiểm cho con cái. Mặc dù mức phí thấp, chỉ từ 100.000-200.000 đồng/năm/học sinh, nhưng nghiệp vụ này có tỷ lệ bồi thường không cao, nên đảm bảo được nguyên lý số đông bù số ít trong bảo hiểm. Trong điều kiện triển khai các nghiệp vụ mang lại doanh thu lớn ngày một khó khăn, nhiều năm qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chuyển hướng quan tâm nhiều hơn đến những sản phẩm bảo hiểm có doanh thu phí thấp, dễ khai thác, trong đó có bảo hiểm học sinh - sinh viên.

Cũng bởi là nghiệp vụ đáp ứng được các tiêu chí trên, nên bảo hiểm học sinh - sinh viên luôn nằm trong phân khúc cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng bảo hiểm phi nhân thọ mỗi mùa tựu trường. Tuy nhiên, cũng như nhiều nghiệp vụ khác, doanh thu khai thác mới của bảo hiểm học sinh - sinh viên thời gian qua gặp khó vì Covid-19, khi học sinh - sinh viên không đến trường, mà phải học bằng hình thức trực tuyến tại nhà.

Nếu như việc học sinh, sinh viên trở lại trường học như trước dịch thì đến thời điểm này, gần như các doanh nghiệp bảo hiểm đã hoàn thành việc ký hợp đồng và thu tiền bảo hiểm tại các trường học. Tuy nhiên, do làn sóng Covid lần thứ 4 diễn ra đúng vào thời gian tái tục hợp đồng khiến cho việc tái tục hợp đồng bảo hiểm học sinh gần như “đóng băng”, trong đó đa phần các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bảo hiểm học sinh cao đều đang thực hiện giãn cách xã hội.

Cùng với đó, do thu nhập của đại bộ phận người dân bị ảnh hưởng bởi dịch, nên việc đóng thêm 100.000-200.000 đồng/học sinh bên cạnh khoản bảo hiểm y tế học sinh - sinh viên bắt buộc khoảng 600.000 đồng/năm/học sinh cũng là điều phụ huynh phải đắn đo, đặc biệt trong bối cảnh một số địa phương còn phải miễn giảm toàn bộ học phí kỳ I cho học sinh thì hầu hết trường học đều không “dám” thu thêm khoản phí bảo hiểm tự nguyện. Chỉ một số trường tư thục đưa ra chính sách đóng thêm khoản phí này nhưng trên tinh thần “giới thiệu”, chứ không tìm mọi cách thuyết phục như trước đây.

Về phía công ty bảo hiểm, mặc dù đã dự đoán trước khó khăn của năm nay nên chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng cho nghiệp vụ bảo hiểm học sinh - sinh viên khoảng 5%, thay vì hơn 10% so với mọi năm, nhưng đến thời điểm này, đa phần đều xác định mức tăng trưởng chắc chắn không đạt so với kế hoạch, thậm chí còn tăng trưởng âm.

Thực tế, dung lượng bảo hiểm học sinh và giáo viên bình quân thường đạt khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, nhưng sụt giảm trong năm nay là điều đã nhìn thấy. Theo số liệu 7 tháng đầu năm 2021 của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu từ các sản phẩm thuộc nhóm bảo hiểm y tế (bao gồm cả bảo hiểm học sinh, sinh viên, giáo viên) chỉ đạt 530 tỷ đồng, giảm gần 47% so với cùng kỳ năm 2020.

Bảo hiểm học sinh - sinh viên tuy là dòng sản phẩm chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dung lượng toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam, nhưng đây là sản phẩm đem lại hiệu quả cao hơn các nghiệp vụ khác, cho nên các công ty bảo hiểm rất chú trọng khai thác. Năm nay, lường trước khó khăn do dịch, các công ty bảo hiểm đã đưa ra nhiều chương trình thúc đẩy doanh thu như tăng ưu đãi cho đội ngũ bán hàng, đóng gói sản phẩm với quyền lợi rộng mở hơn, thậm chí bổ sung nhiều quyền lợi liên quan đến dịch bệnh vào trong sản phẩm, giảm phí bảo hiểm..., nhưng do kinh tế khó khăn và chính sách quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý khiến nhu cầu mua sản phẩm bảo hiểm của nhà trường cũng như phụ huynh giảm mạnh.

Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm có 20% thị phần bảo hiểm học sinh - sinh viên, việc sụt giảm doanh thu dòng sản phẩm này là điều không thể tránh khỏi trước tác động của dịch bệnh và khi thị trường bị thu hẹp lại, mức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ càng khốc liệt hơn. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục đưa các giải pháp linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn, doanh nghiệp cũng phải nghiên cứu, xây dựng các dòng sản phẩm mới để bù đắp nguồn doanh thu bị thiếu hụt.

Tin bài liên quan